Một sinh vật với hàm răng có hàng trăm chiếc nhọn như kim mới được phát hiện bởi nhà cổ sinh vật học người Trung Quốc.
Sinh vật khác thường có tên Atopodentatus Unicus, sống ở thời kỳ giữa kỷ Triat, khoảng 240 triệu năm trước, là một chi và loài mới. Tiến sĩ Xiao-chun Wu, một nhà cổ sinh vật tại Bảo tàng tự nhiên Canada ở Ottawa, đã dẫn đầu nhóm nghiên cứu phát hiện ra bộ xương hóa thạch của sinh vật này ở thành hệ địa chất Guanling, Tây Nam Trung Quốc. Phát hiện của họ vừa được công bố trên tạp chí Khoa học tự nhiên.
Atopodentatus Unicus thuộc về sauropterygians, một nhóm bò sát sống dưới nước, đã phát triển mạnh mẽ trong kỷ Mesozoi trước khi bị tuyệt chủng vào cuối thời kỳ này. Bộ xương hóa thạch của sinh vật này gần như hoàn chỉnh, chỉ bị mất một phần phía bên phải hộp sọ. Từ mõm đến đuôi sinh vật dài khoảng 3m.
Báo cáo khoa học cho biết, hàm răng của sinh vật này được sắp xếp thành 35 bộ theo mô hình chiều dọc với trung tâm là hàm trên. Răng của sinh vật này quá mỏng và dễ gãy, vì vậy khó có thể tấn công hoặc ăn những con mồi lớn. Hàm răng của Atopodentatus Unicus có lẽ chỉ sử dụng để lọc sâu biển và các sinh vật nhỏ khác ở đáy đại dương. Hình dạng bất thường của hàm răng giúp nó có khả năng lọc thức ăn dễ hơn.