Loài hà khổng lồ dài 1,5 mét khiến nhà khoa học sợ hãi

Khi con hà màu đen sì trôi dần ra từ lớp vỏ cứng hình ngà voi, các nhà nghiên cứu không tránh khỏi kinh sợ khi trông thấy kích thước khổng lồ của nó.

Các nhà khoa học phát hiện một loài hà mới có chiều dài lên tới 1,5 mét, trú trong lớp vỏ hình dáng giống như ngà voi. Loài hà khổng lồ này sống ở các vịnh bùn nông ở Philippines và dựa vào vi khuẩn trên khe mang để tạo thức ăn, theo National Geographic.

Nghiên cứu công bố hôm qua trên Kỷ yếu của Viện hàn lâm khoa học quốc gia (PNAS) hé lộ loài vật tổng hợp năng lượng từ một dạng lưu huỳnh trong bùn. Trong khi sự tồn tại của lớp vỏ đã được ghi chép từ thế kỷ 18, các nhà nghiên cứu chưa bao giờ tiếp cận động vật sống trong vỏ. Môi trường sống của loài vật chưa từng được biết đến trong đến khi một cộng tác viên nghiên cứu chia sẻ bộ phim tài liệu phát trên truyền hình về loài hà sống dưới lớp bùn ở phá nước nông.


Loài hà khổng lồ Kuphus polythalamia.

Nhóm nghiên cứu tổ chức một cuộc thám hiểm tìm kiếm mẫu vật sống của loài hà khổng lồ có tên khoa học Kuphus polythalamia. Khi các nhà nghiên cứu tìm được một con hà Kuphus sống trong lớp vỏ, họ theo dõi tiến sĩ Daniel Distel, trưởng nhóm kiêm giáo sư ở Đại học Northeastern, mở lớp vỏ và dốc con hà ra.

"Tôi vô cùng kinh sợ khi lần đầu tiên trông thấy cơ thể đồ sộ của loài vật kỳ lạ này", Marvin Altamia, nhà nghiên cứu ở viện khoa học hải dương thuộc Đại học Philippines, chia sẻ.

Do loài vật chưa bao giờ được nghiên cứu, các nhà khoa học biết rất ít về lịch sử sinh tồn, môi trường sống hoặc đặc điểm sinh học của chúng. "Chúng tôi cho rằng hà khổng lồ khác hẳn những loài hà ăn gỗ khác. Việc tìm kiếm loài vật cho phép chúng tôi xác nhận điều đó. Quả thực, tôi rất lo lắng. Nếu chúng tôi phạm sai lầm, chúng tôi có thể mất cơ hội phát hiện những bí mật của mẫu vật vô cùng đặc biệt này", Altamia cho biết.

Nhóm nghiên cứu tìm hiểu lý do khiến Kuphus trở nên khác biệt. Loài hà khổng lồ được tìm thấy ở một phá nước với nhiều gỗ mục. Trong khi các loài hà thông thường đục lỗ trên thân cây bị cuốn trôi xuống biển và ăn gỗ với sự trợ giúp của vi khuẩn, Kuphus sống dưới bùn và cũng sử dụng vi khuẩn để tạo thức ăn từ bùn thay vì gỗ.

Bùn trong môi trường sống của Kuphus thải ra hydro sunfua, một loại khí có mùi trứng thối. Vi khuẩn sống trong mang hà sử dụng hydro sunfua như nguồn năng lượng để sản xuất carbon hữu cơ, một quá trình tương tự như cách cây xanh sử dụng năng lượng Mặt Trời để biến đổi carbon trong không khí thành thức ăn. Do hà Kuphus không cần tiêu hóa thức ăn, các cơ quan tiêu hóa trong cơ thể chúng co lại do thiếu thức ăn.

Một giả thuyết về nguồn gốc của hà khổng lồ do tiến sĩ Distel đưa ra là loài hà ăn gỗ biến đổi thành loài sống phụ thuộc vào lưu huỳnh do thu được một loại vi khuẩn có lợi khác.

Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục kiểm tra vai trò của gỗ trong sự chuyển hóa độc đáo giữa hà thông thường và hà khổng lồ.

Cập nhật: 18/04/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video