Loài ký sinh trùng giúp kiến tăng gấp 3 tuổi thọ

Khi sống ký sinh trong ruột kiến, có vẻ sán dây Anomotaenia brevis đã bơm chất chống oxy hóa và các protein khác giúp kiến trẻ trung, béo tốt hơn.

Bị sán dây ký sinh thường rất tối tệ, nhưng với kiến Temnothorax nylanderi thì khác. Nếu một con kiến thuộc loài này gặm phân chim gõ kiến khi còn là ấu trùng và nhiễm sán dây Anomotaenia brevis, nó có thể sống lâu hơn đồng loại gấp ba lần, thậm chí lâu hơn, Science Alert hôm 17/6 đưa tin.

Những đồng loại khỏe mạnh sẽ làm công việc của kiến thợ, mang kiến nhiễm sán dây đi khắp nơi, chăm bẵm và cho ăn. Những "bệnh nhân" được nuông chiều này gần như không rời khỏi tổ.

Trong nghiên cứu mới đăng trên kho dữ liệu bioRxiv, nhóm chuyên gia dẫn đầu bởi nhà côn trùng học Susanne Foitzik tại Đại học Johannes Gutenberg, Đức, tìm ra lời giải thích khả dĩ cho lối sống kỳ lạ này.


Kiến Temnothorax nylanderi. (Ảnh: Wikimedia).

Khi sán dây sống trong ruột kiến, có vẻ nó đã bơm chất chống oxy hóa và các protein khác vào hemolymph (chất lỏng trong hệ tuần hoàn của động vật chân khớp, tương tự như máu). Nhóm chuyên gia chưa rõ những protein đặc biệt này có tác dụng gì với sức khỏe, nhưng nhiều khả năng chúng đã góp phần giúp kiến nhiễm bệnh luôn trẻ và "tươi ngon".

Trong vòng đời của sán dây Anomotaenia brevis, kiến không phải nơi cư trú cuối cùng. Chúng sẽ sống trong cơ thể của chim gõ kiến khi trưởng thành, đồng nghĩa chúng hưởng những lợi ích nhất định khi giữ cho kiến trông trẻ trung, béo tốt và tươi ngon. Nhờ đó, kiến có thể trở thành bữa sáng cho chim.

Vào năm 2021, Foitzik cùng đồng nghiệp phát hiện, trong khi kiến Temnothorax nylanderi nhiễm sán dây sống rất nhàn nhã thì những con khỏe mạnh trong đàn phải trả giá. Chúng chịu gánh nặng chăm sóc "bệnh nhân" và chết sớm hơn rất nhiều. Việc kiến thợ bận chăm sóc kiến nhiễm bệnh và ít quan tâm đến kiến chúa hơn có thể gây rắc rối cho cả đàn.

Trong nghiên cứu mới, nhóm nhà khoa học một lần nữa so sánh kiến nhiễm bệnh với kiến khỏe mạnh, quan sát kỹ lượng protein trong hemolymph. Họ phát hiện, các protein của sán dây chiếm một phần đáng kể trong số những protein chảy qua hemolymph của kiến, hai trong số những protein dồi dào nhất là loại chống oxy hóa.

Một số protein khác có thể giải thích tại sao kiến nhiễm bệnh được ưu ái. Nhóm chuyên gia tìm thấy lượng lớn protein vitellogenin-like A, nhưng không phải do ký sinh trùng mà do chính con kiến tạo ra. Loại protein này tham gia điều chỉnh sự phân công lao động và sinh sản trong xã hội kiến. Nhóm nghiên cứu cho rằng bằng các nào đó, loại protein này tác động đến hành vi của kiến, lừa những con khỏe mạnh yêu thích chúng.

Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa rõ sán dây đang chủ động thao túng biểu hiện gene của các protein như vitellogenin-like A hay đây chỉ là sản phẩm phụ ngẫu nhiên của quá trình nhiễm ký sinh trùng. Họ dự định tiếp tục nghiên cứu các protein của ký sinh trùng để hiểu rõ hơn về cách chúng tác động đến hành vi, ngoại hình và tuổi thọ của kiến.

Cập nhật: 19/06/2023 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video