Loài ong "sát thủ châu Á" gây khiếp sợ ở nước Anh

Năm 2004, một con ong chúa thuộc loài Vespa velutina (còn gọi là ong bắp cày sát thủ hay ong mặt quỷ), đựng trong một món đồ gốm Trung Quốc, được chuyển đến cảng Bordeaux, Pháp. Sau khi giao phối với nhiều con đực, nó đã bay đi dưới cái nắng của miền tây nam nước Pháp và xây tổ.

Sau vài năm, hậu duệ của ong chúa này đã sinh sôi thịnh vượng. Đến khi các nhà chức trách để mắt tới sự phát triển của chúng thì đã quá muộn.


Ong mặt quỷ.

Sau hai thập kỷ, ở Pháp có 500.000 tổ ong bắp cày châu Á, trong khi họ hàng của chúng cũng đã bay khắp châu Âu, xuất hiện ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Italy, Đức, Bỉ, Hà Lan và Vương quốc Anh.

Năm 2016, con ong bắp cày đầu tiên được ghi nhận xuất hiện ở Tetbury, Gloucestershire. Kể từ đó đến nay, những câu chuyện kinh dị về "loài sát thủ" này - kẻ tàn sát loài ong mật thân thiện và gây nguy hiểm cho cả con người - ngày càng gia tăng.

Loài ong mặt quỷ xâm chiếm châu Âu

Giữa tháng 5, tờ Express có bài viết cảnh báo với tiêu đề "Lập bản đồ các điểm nóng về ong bắp cày châu Á ở Anh khi loài sát thủ xâm chiếm đất nước". Nhưng nhiều người cũng đặt câu hỏi về mức độ nguy hiểm thực sự của loài này, và rằng liệu các phương tiện truyền thông có đang hù dọa người dân quá mức.

Theo Ian Campbell thuộc Hiệp hội những người nuôi ong Anh (BBKA), đại diện cho 25.000 người nuôi ong theo sở thích, kể từ khi xuất hiện ở Pháp, loài ong bắp cày châu Á đã coi vùng nước của eo biển Manche là một rào cản, nhưng "năm ngoái chúng đã thay đổi cuộc chơi một chút".

Từ năm 2016 cho đến mùa hè năm ngoái, mỗi năm người ta chỉ bắt gặp loài ong này ít lần ở Anh, và mỗi lần như vậy, chỉ có một số ít trường hợp được nhìn thấy mỗi năm sau năm 2016 - và mỗi lần như vậy, Đơn vị Ong Quốc gia (NBU) của chính phủ đều nhanh chóng tiêu diệt các cá thể và tổ của chúng. Vào năm 2022, chỉ có một con ong bắp cày bị phát hiện và phá hủy.


Ở Anh, tổ ong bắp cày châu Á sẽ bị tiêu diệt khi bị phát hiện. (Ảnh: Alamy).

Tuy nhiên, vào năm 2023, có 73 tổ đã bị phá hủy. Ong bắp cày châu Á đã thiết lập các thành trì dọc theo bờ biển Kent - nơi tìm thấy khoảng 50 tổ. Các đàn ong cũng được phát hiện ở Đông Sussex, Hampshire và phía đông London, cũng như xa hơn về phía bắc ở Hull và thậm chí cả Newcastle.

Mùa xuân năm nay, ong bắp cày châu Á lần đầu tiên được phát hiện ở Anh vào tháng 3, sớm hơn một tháng so với thường lệ, cho thấy một số loài có thể đã trải qua mùa đông lần đầu tiên ở đây.

Phân tích di truyền của 3 ong bắp cày chúa được tìm thấy trong tháng 5 tại Four Oaks ở Đông Sussex chỉ ra rằng chúng là con được đẻ qua mùa đông của một tổ đã bị phá hủy ở Rye vào tháng 11 năm ngoái.

Lý do cho sự gia tăng số lượng rất đơn giản: dân số loài ong này đang bùng nổ dọc theo bờ biển của Pháp và Bỉ. Những con ong bắp cày châu Á đang bám đầy trong xe tải và đôi khi là ôtô của khách du lịch và đến nước Anh bằng phà. Một số chuyên gia còn tin rằng nếu gió thuận lợi, ong bắp cày có thể tự mình vượt qua eo biển.

Ong bắp cày châu Á nhỏ hơn ong bắp cày bản địa châu Âu của Vương quốc Anh (có màu sắc nhạt hơn), nhưng lớn hơn ong chúa. Nó có vẻ ngoài đen hơn ong bắp cày và ong tò vò bản địa của Anh, đồng thời chúng có đôi chân màu vàng đặc biệt và khuôn mặt màu cam. Bụng của chúng chủ yếu có màu đen, ngoại trừ một dải dày màu cam; trong khi bụng ong bắp cày bản địa có màu vàng nhiều hơn màu đen.

Cả hai loài ong bắp cày chủ yếu là loài ăn thịt - chế độ ăn của chúng là các loài côn trùng bay khác. Nhưng trong khi ong bắp cày châu Âu đã tiến hóa cùng với các quần thể côn trùng hiện có thì ong bắp cày châu Á lại mới xuất hiện ở châu Âu. Sự bùng nổ dân số của nhóm ngoại lai cho thấy số lượng của nó không bị kiểm soát bởi những kẻ săn mồi tự nhiên hoặc mầm bệnh.

Người nuôi ong đặc biệt quan tâm tới vấn đề này. Người ta đã quan sát thấy ong bắp cày châu Á bay lượn bên ngoài tổ ong mật và săn lùng những con ong thợ khi chúng xuất hiện. Campbell nói: "Một tổ ong mật chẳng khác gì một siêu thị đồ ăn dành cho ong bắp cày".

Một con ong bắp cày châu Á có thể săn và tiêu thụ tới 50 con ong mật trong một ngày, nhưng tác động tập thể của chúng là rất đáng kể. Tổ ong bắp cày châu Á to bất thường; chúng có thể phát triển đến kích thước bằng quả dưa hấu vào cuối mùa hè. Mỗi chiếc tổ có thể chứa 3.000 con ong bắp cày.

Một nghiên cứu của Pháp phát hiện ra rằng một tổ ong bắp cày châu Á tiêu thụ 11,3 kg côn trùng mỗi mùa hè. Một con ong mật điển hình nặng 116 mg.

Ngoài việc giết chết ong mật, sự hiện diện của ong bắp cày châu Á săn mồi còn khiến ong thợ rơi vào tình trạng "tê liệt khả năng tìm kiếm thức ăn": chúng trốn trong tổ, không thu được đủ mật hoa và phấn hoa để sống sót qua mùa đông.

Tìm cách tiêu diệt hay chấp nhận sự đa dạng?

Rất khó để xác định tác động chính xác sự xuất hiện của ong bắp cày vì có rất nhiều biến số ảnh hưởng đến năng suất của ong mật. Ở Bồ Đào Nha, những người nuôi ong ở một số vùng cho biết 50% số tổ ong của họ đã bị mất vì ong bắp cày châu Á; Những người nuôi ong ở Pháp cho rằng 29% số đàn ong mật bị chết là do ong bắp cày.


Nhiều nhà khoa học cho rằng nước Anh nên học cách chấp nhận loài ong bắp cày châu Á thay vì tìm cách tiêu diệt chúng. (Ảnh: Alamy).

Tác động kinh tế của loài ong này là phổ biến. Ở lục địa châu Âu, trái cây chín ở vườn nho và vườn cây ăn trái đã bị ong bắp cày châu Á tàn phá, gây ra mối đe dọa cho sản xuất rượu vang và trái cây. Ở Pháp, một số khu chợ ngoài trời đã phải chuyển vào trong nhà vì ong bắp cày bị thu hút bởi trái cây, cá và thịt tươi.

Ngoài ra còn có những lo ngại về sức khỏe cộng đồng. Tổ ong vào đầu mùa hè có thể được xây khá thấp so với mặt đất, trước khi các tổ di chuyển lên cây cao vào cuối mùa hè. Ong chúa mùa xuân không quá hung dữ, nhưng nếu ai đó tình cờ dẫm vào tổ trên mặt đất thì đó có thể là thảm họa.

Khi ong bắp cày sinh sống ở Anh, những người làm việc ngoài trời như nông dân, người làm vườn, kỹ sư đường sắt có thể dễ bị thương. Các trường hợp tử vong do ong đốt đã được báo cáo ở Pháp sau, nhưng không có dữ liệu đáng tin cậy.

Một số người cho rằng những câu chuyện đáng sợ về loài ong mặt quỷ là không chính xác, chúng khiến người ta liên tưởng loài ong bắp cày khổng lồ châu Á (Vespa mandarinia) - một loài riêng biệt, được ví là "loài ong bắp cày giết người", yêu vùng nhiệt đới đang khủng bố nhiều vùng ở Bắc Mỹ. Loài này khó có thể sinh sống ở Anh vì khí hậu quá lạnh.

Cho đến nay, tương đối ít nghiên cứu khoa học định lượng được tác động của ong bắp cày châu Á đối với đa dạng sinh học và sự phong phú của côn trùng, nhưng các nhà khoa học đang xem xét nghiêm túc các bằng chứng thuyết phục, dù chủ yếu là giai thoại.

"Về mặt sinh thái, vâng, nó sẽ thay đổi mọi thứ. Nhưng tôi không nghĩ nó sẽ có sức tàn phá lớn. Trừ khi bạn là người nuôi ong mật, có lẽ bạn không cần phải lo lắng quá nhiều", Seirian Sumner, giáo sư sinh thái học hành vi tại Đại học College London, cho biết.

"Tôi cũng lo lắng về việc những câu chuyện sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nhận thức của công chúng về ong bắp cày. Chúng ta đang ở thời điểm cần khuyến khích mọi người đón nhận mọi khía cạnh của thiên nhiên, bất kể điều đó có đáng sợ đến thế nào, bởi vì mọi phần của hệ sinh thái đều có vai trò của nó. Và chúng ta là nguyên nhân của tất cả những loài côn trùng xâm lấn này", vị giáo sư nói thêm.

Biện pháp phòng vệ của Anh trước loài ong bắp cày đã bị một số người chỉ trích. Nhưng nhiều chuyên gia, bao gồm cả những người nuôi ong và các nhà khoa học, ủng hộ nỗ lực của NBU của chính phủ và Ban Thư ký các loài phi bản địa, họ nhấn mạnh sự nguy hiểm của các loài xâm lấn vô tình được đưa đến Anh.

Nhiều câu chuyện truyền thông về ong bắp cày châu Á đã được khơi dậy không phải bởi xu hướng hù dọa mà bởi nỗ lực do chính phủ nhằm khuyến khích công chúng báo cáo về những lần nhìn thấy ong bắp cày châu Á để loài này có thể được ngăn chặn.

Chính phủ vẫn cam kết "tiêu diệt", nhưng các kịch bản trong tương lai sẽ bao gồm "ngăn chặn" và sau đó là "bình thường mới" - chấp nhận rằng ong bắp cày châu Á vẫn ở đây.

Giáo sư Helen Roy thuộc Trung tâm Sinh thái và Thủy văn Vương quốc Anh rất ấn tượng rằng nỗ lực này đã ngăn cản sự hình thành loài này trong 8 năm. "Hy vọng điều tương tự sẽ xảy ra trong năm nay. Cho đến nay, phòng ngừa là cách quan trọng nhất để giải quyết mối đe dọa từ các loài xâm lấn", bà nói. "Chúng ta có quyền coi các loài xâm lấn là một trong 5 nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học. Và các loài côn trùng sống theo đàn, chẳng hạn như loài Vespa velutina và loài kiến, là mối quan tâm đặc biệt. Có bằng chứng rõ ràng về tác động của chúng đối với đa dạng sinh học bản địa".

Cập nhật: 23/06/2024 Znews
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video