Loài rắn vô hại nhưng thường bị hiểu lầm là cực độc tại Việt Nam

Một loài rắn có kích thước bé nhỏ, hoàn toàn vô hại được phân bố tại Việt Nam, nhưng thường bị "chết oan" vì mang tiếng là loài rắn độc có thể gây chết người.

Rắn cườm - Loài rắn bé nhỏ thích leo trèo, hay chạm mặt với con người

Rắn cườm, còn có tên gọi là rắn lục mè, là một loài rắn thuộc họ rắn nước, có kích thước nhỏ, chiều dài tối đa khi trưởng thành khoảng 1,3m.

Loài rắn này sở hữu thân hình đặc trưng rất dễ nhận dạng, với lớp vảy màu xanh lục nhạt và các viền đen vắt ngang người, phần đầu phân biệt rõ với cổ. Tuy nhiên, đôi khi rắn cườm cũng có những màu sắc khác như lớp vảy màu đỏ, vàng hoặc cam… nhưng không quá phổ biến.


Rắn cườm có khả năng leo trèo rất tốt.

Rắn cườm được phân bổ rộng khắp tại Việt Nam, trên cả 3 miền. Thức ăn chủ yếu của chúng là thằn lằn, các loài gặm nhấm nhỏ... Con cái đẻ từ 6 đến 12 trứng. Rắn non khi mới nở dài từ 15 đến 20cm, hình dạng giống như rắn trưởng thành, nhưng màu và hoa văn nhạt hơn.

Rắn cườm có khả năng leo trèo rất tốt, thậm chí có thể leo lên cả những vách tường thẳng đứng không có điểm bám, do vậy chúng thường xuất hiện trên mái nhà. Thậm chí đôi khi rắn cườm còn chui vào bên trong máy điều hòa không khí của các hộ gia đình thông qua đường ống thoát nước của điều hòa.

Bên cạnh khả năng leo trèo tốt, rắn cườm là loài thuộc chi rắn bay. Chúng có thể thực hiện những cú phóng người từ trên cây cao xuống những vị trí ở dưới thấp. Trên thực tế, đây là hành động "rơi có kiểm soát", khi rắn cườm có thể phán đoán trước vị trí rơi của chúng. Hành động này có thể giúp rắn cườm trốn thoát kẻ thù hoặc để săn mồi.

Do rắn cườm rất phổ biến và được phân bố rộng, chúng thường xuất hiện ở những khu vực có con người sinh sống để săn mồi. Đặc biệt, loài rắn này thường hay bò vào nhà để bắt thạch sùng, một trong những món ăn ưa thích của chúng, do vậy rắn cườm và con người thường xuyên chạm mặt nhau.

Rắn cườm có độc không?

Rắn cườm là một loài thuộc họ rắn nước, không sở hữu nọc độc. Vết cắn của loài rắn này không gây nguy hiểm cho con người, nhưng có thể gây ngứa cho một số người nhạy cảm.

Rắn cườm là một loài rắn có lợi trong hệ sinh thái, giúp kiểm soát số lượng các loài động vật gặm nhấm nhỏ, thằn lằn, tắc kè… Do vậy, khi bắt gặp loài rắn này, mọi người không cần phải quá hoang mang và có thể xua đuổi chúng đi nơi khác, thay vì tìm cách giết chết.

Do sở hữu lớp vảy với nhiều màu sắc đẹp mắt và vô hại, rắn cườm cũng được nhiều người yêu thích bò sát chọn làm vật nuôi trong nhà.

Nhầm lẫn tai hại khiến rắn cườm thường bị "chết oan"

Rắn cườm là loài rắn không có nọc độc, tuy nhiên, do loài rắn này sở hữu lớp vảy màu xanh lục nên nhiều người thường đặt cho loài rắn này tên gọi lục cườm. Tuy nhiên, lục cườm lại là một loài rắn thuộc họ rắn lục và sở hữu nọc độc chết người.


Rắn cườm là loài rắn vô hại với con người, được nhiều người nuôi làm cảnh. (Ảnh: Facebook).

Thậm chí, ngay cả khi tìm kiếm thông tin về rắn cườm trên các công cụ tìm kiếm internet như Google, nhiều kết quả tìm kiếm đã đánh đồng rắn cườm và rắn lục cườm là một, khiến nhiều người lầm tưởng rắn cườm là loài rắn độc, trong khi đó một số thông tin lại khẳng định rắn lục cườm là rắn nước và không có độc.

Đây là những thông tin sai lầm nghiêm trọng và có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.

Trên thực tế, rắn cườm (tên khoa học Chrysopelea Ornata)rắn lục cườm (tên khoa học Protobothrops Mucrosquamatus) là 2 loài rắn không liên quan với nhau, hoàn toàn khác nhau cả về ngoại hình, nơi phân bố lẫn độc tính.


Một thông tin hoàn toàn sai về rắn lục cườm được tìm thấy trên Google. (Ảnh chụp màn hình).

Tại Việt Nam, rắn lục cườm được tìm thấy tại các tỉnh thành như Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Ninh Bình, Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai…

Rắn lục cườm chủ yếu sống ở những khu vực có độ cao từ 1.000m trở lên, trong những cánh rừng thứ sinh và ven sông suối, do vậy chúng ít chạm mặt với con người. Thức ăn của rắn lục cườm là các loài động vật nhỏ như ếch, nhái, cá, tôm, trứng chim hoặc một số loài rắn nhỏ…


Rắn cườm (trên) hoàn toàn khác với rắn lục cườm (dưới), nhưng nhiều người thường lẫn lộn giữa 2 loại rắn này.

Rắn lục cườm sở hữu nọc độc nguy hiểm chết người nếu không được cấp cứu kịp thời. Do vậy, việc nhầm lẫn giữa rắn cườm (không độc) và rắn lục cườm (có độc) là một sai lầm hết sức nguy hiểm, có thể dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng, thậm chí chết người.

Lời kết

So với rắn lục cườm, rắn cườm được phân bố rộng và dễ bắt gặp hơn. Đây là loài rắn dễ nhận diện, vô hại và không gây nguy hiểm cho con người, do vậy nếu bắt gặp các cá thể rắn cườm, mọi người có thể sử dụng chổi, gậy dài để tìm cách xua đuổi loài rắn này, thay vì giết hại chúng.

Cập nhật: 31/07/2024 Dân Trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video