Cận cảnh loài rắn độc mới được phát hiện tại Việt Nam

Các nhà khoa học và sinh vật học từ nhiều quốc gia khác nhau đã đến vùng duyên hải miền Trung Việt Nam nghiên cứu, khảo sát và phát hiện một loài rắn lục mới.

Theo một báo cáo khoa học được xuất bản trên tạp chí Zootaxa, các nhà khoa học và sinh vật học đến từ nhiều quốc gia đã tiến hành nghiên cứu thực địa tại một số khu rừng ven biển miền Nam Việt Nam trong năm 2023 để khảo sát các loài động vật hoang dã trong khu vực.

Trong chuyến đi thực địa này, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hàng chục cá thể rắn lục với đôi mắt vàng nổi bật.

Đáng chú ý, một cá thể rắn lục dài khoảng 63cm đã được các nhà khoa học tìm thấy trong khu rừng thuộc tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam. Cá thể này nổi bật với đôi mắt màu vàng và cặp môi màu xanh. Các nhà khoa học đã phát hiện cá thể rắn này khi nó đang nằm ẩn mình trên cây.


Cận cảnh cá thể rắn lục mép xanh mới được tìm thấy tại Việt Nam (Ảnh: Nick Poyarkov và các cộng sự).

Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng những con rắn này thuộc một loài rắn đã được biết đến. Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ hơn về những cá thể rắn bắt được, họ phát hiện chúng có những đặc điểm khác biệt và thuộc một loài hoàn toàn mới.

Các nhà khoa học đã đặt cho loài rắn mới này tên gọi rắn lục mép xanh, với tên khoa học Trimeresurus cyanolabris, trong đó "cyanolabris" bắt nguồn từ tiếng Latin "cyaneus", nghĩa là "xanh sẫm" và "labrum" có nghĩa là "môi", vì những mảng màu xanh đặc trưng trên môi của loài rắn.

Theo nghiên cứu, loài rắn mới này khác biệt so với các loài rắn lục đã được biết đến về số lượng vảy, màu sắc và mắt. Phân tích DNA cũng cho thấy loài rắn này có ít nhất 6% sự khác biệt về di truyền so với các loài rắn lục khác đã được biết đến.

Rắn lục mép xanh được xác định là loài có kích thước nhỏ, chỉ dài khoảng 60cm. Loài rắn này có cơ thể dài và mảnh, đầu hình tam giác phân biệt rõ với cổ. Trên mặt của loài rắn này nổi bật với đôi mắt màu vàng, to và sáng.


Loài rắn lục mới được tìm thấy nổi bật với đôi mắt vàng, to và sáng (Ảnh: Nick Poyarkov và các cộng sự).

Loài rắn này có cơ thể màu xanh lá, chuyển sang màu xanh vàng ở hai bên và bụng, đuôi có một vạch màu đỏ tối ở phần cuối. Đúng như tên gọi của loài rắn này, chúng có một vệt màu xanh da trời dọc theo môi, xương hàm và cổ họng.


Cận cảnh phần đầu một mẫu vật của loài rắn lục mép xanh được các nhà khoa học thu thập (Ảnh: ResearchGate).

Rắn lục mép xanh sống trong những khu rừng ven biển duyên hải miền Trung Việt Nam, hoạt động mạnh vào lúc hoàng hôn và trời tối. Vào ban ngày, chúng thường nằm ẩn mình trên các cành cây thấp hoặc trong các hốc cây.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy những cá thể rắn lục mép xanh trên những tảng đá gần sông, trong các bụi rậm trên mặt đất.

Kết quả nghiên cứu cho biết loài rắn này ăn các loài ếch và thằn lằn nhỏ.

Giống như các loài rắn lục khác, rắn lục mép xanh sở hữu nọc độc nguy hiểm cho con người, nhưng đến nay các nhà khoa học vẫn chưa nghiên cứu kỹ về nọc độc của chúng.

Cho đến nay, rắn lục mép xanh được tìm thấy ở một số khu vực vùng thấp phía Nam, từ Phú Yên tới Ninh Thuận. Các nhà nghiên cứu dự đoán có thể loài rắn này sẽ còn phân bố rộng hơn.

Nhóm nghiên cứu phát hiện loài rắn lục mới bao gồm 2 nhà sinh vật học đến từ Việt Nam là Nguyễn Văn Tân, Lê Đắc Xuân, và các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia khác gồm Sabira Idiiatullina, Andrey Bragin, Nikolay Poyarkov (đều mang quốc tịch Nga), Parinya Pawangkhanant (Thái Lan), Gernot Vogel (Đức) và Patrick David (Pháp).

Cập nhật: 07/08/2024 Dân Trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video