Loãng xương là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Những người có nguy cơ bị loãng xương

Loãng xương là một loại bệnh lý thường hay gặp và đang phổ biến rộng rãi ở rất nhiều đối tượng. Nhưng thật ra, chúng ta đã hiểu đúng nguyên nhân của loãng xương là gì? Những biểu hiện của bệnh loãng xương và người bị loãng xương nên ăn gì?

Loãng xương là gì?

Loãng xương là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh lý về xương trên toàn thế giới. Bệnh thường gặp ở nữ hơn là nam giới, với tỷ lệ 3:1. Loãng xương để lại hậu quả rất nặng nề, làm cho xương trở nên giòn, mỏng manh và rất dễ gãy, kể cả khi không bị chấn thương. Bệnh này thường hay xuất hiện ở người ở độ tuổi trung niên, vì trong quá trình tạo xương bắt đầu suy giảm còn quá trình hủy xương lại chiếm phần nhiều hơn do sự gia tăng số lượng của hủy cốt bào ở độ tuổi từ 30 trở lên. Hậu quả là các bè xương mỏng đi, bớt chắc khỏe, số lượng bè cũng giảm, tạo ra các khoang rỗng bên trong xương. Người ta thường gọi tình trạng này là xốp xương hoặc loãng xương.

Bệnh loãng xương tiến triển thầm lặng. Thường người bệnh chỉ cảm thấy đau mỏi người không rõ ràng, giảm dần chiều cao, gù vẹo cột sống. Đây là những biểu hiện chỉ được phát hiện sau một thời gian dài. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi có những biểu hiện gãy xương.

Như vậy chúng ta đã có những hình dung nhất định về căn bệnh loãng xương đáng sợ này. Những bệnh nhân bị bệnh loãng xương không nên coi thường mức độ nguy hiểm, bởi vì khi xương bị loãng, có nghĩa là độ xốp của xương càng ngày càng tăng, dẫn đến nguy cơ gãy xương tăng cao. Vậy thì nguyên nhân của loãng xương là gì?

Nguyên nhân dẫn đến loãng xương

Loãng xương là kết quả của quá trình mất xương và thay đổi cấu trúc xương do sự mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương. Tuy không có nguyên nhân chính xác nhất nhưng dưới đây là những nguyên nhân cụ thể dẫn đến loãng xương:

Thiếu cân

Những trẻ sinh ra bị thiếu cân, trẻ thấp còi do chế độ dinh dưỡng hoặc lối sinh hoạt thể dục thể thao không lành mạnh dễ mắc bệnh loãng xương. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao cũng dễ gặp ở những người áp dụng chế độ ăn kiêng giảm cân không khoa học.

Di truyền

Nếu cha mẹ đã được chẩn đoán mắc bệnh loãng xương dưới tuổi 50 thì nguy cơ loãng xương và gãy xương ở con cái sẽ không tránh khỏi và có thể gia tăng.

“Chu kỳ” của phụ nữ

Khi đến chu kỳ hàng tháng của phụ nữ có thể hàm lượng estrogen giảm nên sẽ ảnh hưởng xấu đến xương. Ngoài ra, thời gian mãn kinh cũng là thời kỳ mà hàm lượng estrogen giảm nhanh nhất, nó sẽ làm giảm mật độ của xương nhiều hơn ở độ tuổi này.


Loãng xương là tình trạng rất thường gặp ở phụ nữ mãn kinh.

Xương mỏng và tỷ trọng xương thấp

Nếu khi trẻ tỷ trọng và khối lượng xương của bạn quá thấp thì nguy cơ phát triển chứng loãng xương sẽ càng trầm trọng hơn khi bạn bước vào thời kỳ mãn kinh.

Dùng thuốc Corticosteroids quá lâu

Khi dùng lượng corticosteroids trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng xấu đến xương khớp.

Những triệu chứng của bệnh loãng xương

Tình trạng mất xương (hay còn gọi là giảm mật độ xương) do bệnh loãng xương thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Người bệnh có thể không biết mình mắc bệnh cho đến khi xương trở nên yếu đi, dễ gãy khi gặp những sang chấn nhỏ ví dụ như trẹo chân, va đập hoặc té ngã.

Giảm mật độ xương khiến xương ở cột sống có thể bị xẹp (còn gọi là gãy lún). Biểu hiện của tình trạng này bao gồm có cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, dáng đi khom và gù lưng.

Lúc ban đầu, dấu hiệu của bệnh loãng xương không có biểu hiện rõ mà chỉ âm thầm hoành hành, khi có dấu hiệu lâm sàng thì thường là lúc đã có biến chứng, cơ thể đã mất đi 30% khối lượng xương.

Đau nhức xương khớp

Đau nhức xương khớp, đặc biệt là những ngón tay có cảm giác đau nhức, mỏi rã rời từ đầu xương chạy dọc theo xương dài. Ngoài ra còn có cảm giác uể oải, tê buốt thỉnh thoảng bị đau như bị con gì đó đang cắn trong xương.

Đau cột sống lưng

Đau ngang thắt lưng hoặc lan sang một hay hai bên mạn sườn. Đau dọc cột sống và kèm theo co cứng các cơ dọc cột sống, giật cơ mỗi khi thay đổi tư thế.

Chiều cao của cơ thể bị giảm dần

Một triệu chứng khá rõ ràng và có thể quan sát được của loãng xương là giảm dần chiều cao của cơ thể kèm với cảm giác đau ở vùng lưng (cột sống ngực) và thắt lưng. Khi nặng hơn sẽ thấy gù lưng và dáng đi khòm.

Xương giòn và dễ bị gãy

Biểu hiện của hiện tượng loãng xương ở mức độ nặng là gãy xương, xương rất giòn, có thể dễ dàng gãy chỉ cần một tác động nhỏ.


Loãng xương làm xương giòn và dễ gãy.

Chế độ dinh dưỡng cho người bị loãng xương

Một người trưởng thành bình thường cần cung cấp cho cơ thể 800UI vitamin D và 1.000mg canxi mỗi ngày. Tuy nhiên, bữa ăn của người Việt Nam trung bình chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu canxi cơ thể cần. Khi chế độ dinh dưỡng thiếu chất kéo dài sẽ dẫn đến loãng xương. Đáng lưu ý là bệnh lý này tiến triển trong âm thầm, ở giai đoạn đầu rất khó nhận biết, khi xuất hiện các dấu hiệu như giảm chiều cao, đau nhức xương khớp, gù lưng,... thì loãng xương đã tiến triển nặng.

Nhiều bệnh nhân băn khoăn bệnh loãng xương nên ăn gì để cải thiện tình trạng xương khớp cũng như ngăn ngừa được bệnh loãng xương ngay từ ban đầu. Dưới đây là những lời khuyên bổ ích cho những người bị bệnh loãng xương.

Ăn uống hợp lý và rèn luyện thể lực là một trong 2 yếu tố cơ bản nhất giúp phòng ngừa bệnh loãng xương. Chế độ ăn cần bảo đảm đủ đạm theo nhu cầu từng lứa tuổi. Nếu thiếu đạm xương sẽ ngừng phát triển, cấu trúc hình thái của xương thay đổi, lượng canxi trong máu giảm. Còn việc ăn quá nhiều đạm sẽ làm tăng đào thải canxi qua thận, làm tăng nguy cơ gãy xương.

Để tránh loãng xương, bạn nên dùng các loại thực phẩm từ thực vật có các chất giống nội tiết tố nữ như đậu phụ, sữa đậu nành, giá đỗ…

Cần cung cấp đủ vitamin D để tăng hấp thu canxi bằng cách cho da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi sáng sớm. Không uống nhiều rượu, cà phê, không hút thuốc lá vì chúng làm giảm hấp thu hoặc làm mất canxi.

Để xương chắc, bạn phải được cung cấp đủ canxi. Tuy nhiên, không phải thực phẩm giàu canxi nào cũng có giá trị. Nếu hàm lượng khoáng chất này cao nhưng có tương quan không thích hợp với magie và phospho thì cơ thể sẽ khó hấp thu canxi.

Canxi có tương đối nhiều trong các loại thực phẩm, nhưng chỉ những thực phẩm có mối tương quan giữa chất này và các thành phần khác thích hợp thì mới có giá trị:

  • Sữa và các chế phẩm từ sữa có hàm lượng canxi cao, lại tương quan thích hợp với phospho và magiê nên dễ đồng hóa và được sử dụng hoàn toàn trong cơ thể. Ngoài sữa ra thì bệnh nhân cũng cần quan tâm đến những sản phẩm được chế biến từ sữa như: phô mai, sữa chua, bánh flan... Nếu cần thiết, người bệnh có thể dùng thêm các loại sữa đặc chế chuyên dùng để bổ sung canxi. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các loại sữa hạt như sữa đậu nành có hàm lượng canxi chỉ bằng 1/5 trong sữa bò; sữa đặc có đường chứa rất ít canxi nhưng hàm lượng đường cao, không tốt cho sức khỏe.
  • Cá hộp cũng có lượng canxi cao; tương quan thích hợp với phospho và megiê.
  • Ngũ cốc và các chế phẩm của nó giàu canxi nhưng khó đồng hóa hơn. Mặt khác, trong ngũ cốc có các liên kết phytin của phospho acid, cùng với canxi sẽ tạo thành các liên kết không tan.
  • Các loại đậu đỗ có tương quan canxi với magiê và phospho tốt hơn nên cũng có giá trị hơn ngũ cốc.
  • Rau củ quả không chỉ có lợi cho bệnh loãng xương mà còn có ích cho sức khỏe tổng thể. Người bệnh nên ăn rau luộc để có thể hấp thu nhiều canxi và vitamin D nhất có thể từ nhóm thực phẩm này. Những loại rau củ tốt cho xương bao gồm: súp lơ xanh, cải xoăn, hạt đậu nành, bắp cải... Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nếu tiêu thụ quá nhiều chất xơ, sẽ gây mất canxi qua đường tiêu hóa. Do đó, người bệnh chỉ nên ăn 100gr rau mỗi bữa.
  • Cua đồng có nhiều canxi nhưng tương quan canxi-magiê không thích hợp nên cũng ít có giá trị.
  • Tôm, ghẹ, cá…: Những loại hải sản đều có chứa hàm lượng canxi khá cao, đặc biệt tôm nhỏ ăn cả vỏ là nguồn cung cấp canxi dồi dào.

Như vậy chúng ta đã có được câu trả lời bệnh loãng xương nên ăn gì cũng như nguyên nhân và những dấu hiệu của bệnh loãng xương. Nếu những ai đang có dấu hiệu loãng xương thì hãy nhanh chóng đến bác sĩ để được điều trị kết hợp với chế độ dinh dưỡng trên đây để nhanh chóng cải thiện bệnh.

Những người có nguy cơ bị loãng xương

Nếu là một trong các đối tượng sau đây, bạn hãy thận trọng, nên đi khám định kỳ vì bạn có nguy cơ loãng xương cao.

Thể trạng kém phát triển

Những người thấp bé, thiếu cân hoặc còi xương, suy dinh dưỡng từ nhỏ thường dễ bị loãng xương do tầm vóc nhỏ thì khối lượng xương sẽ thấp.

Nguy cơ mắc bệnh cũng cao với những ai thường xuyên ăn uống thiếu chất, nhất là protid, canxi, vitamin D, K hoặc thực hiện chế độ ăn kiêng quá mức.

Nếu việc này kéo dài từ bé, họ không thể đạt được khối lượng xương đỉnh ở tuổi trưởng thành.

Phụ nữ trước và sau mãn kinh

Phụ nữ sinh nở nhiều lần và nuôi con bằng sữa mẹ nhưng thường ăn uống không đủ chất, nhất là protid và canxi để bù đắp lại nên dễ bị loãng xương. Quá trình mất xương ở nữ giới cũng diễn ra nhanh hơn ở nam giới, nhất là giai đoạn trước và sau mãn kinh. Đặc biệt, thời kỳ mãn kinh sẽ mất xương nhiều nhất bởi lúc này, cơ thể giảm sản xuất estrogen mạnh ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp canxi.

Phụ nữ mãn kinh sớm hoặc từng cắt bỏ buồng trứng càng có nhiều khả năng bị loãng xương.

Ít vận động

Thể dục điều độ kích thích sự tạo xương. Ngoài ra, vận động ngoài trời còn giúp cơ thể tổng hợp vitamin D từ ánh nắng giúp tăng hấp thụ canxi trong cơ thể. Vì vậy, người ít hoạt động thể dục hoặc bị nằm bất động lâu do bệnh tật thường hay bị loãng xương.

Bị các bệnh nội tiết, suy thận

Người mắc bệnh nội tiết như cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, cường tuyến vỏ thượng thận, … hoặc bị suy thận mãn, phải chạy thận nhân tạo lâu ngày gây mất nhiều canxi qua đường tiết niệu sẽ dễ mắc loãng xương.

Hút thuốc, lạm dụng bia rượu


Thuốc lá và bia rượu là kẻ thù của xương.

Thuốc lá và rượu là tác nhân chính gây mất xương. Chất caffeine như cà phê, trà, soda nếu dùng nhiều cũng ảnh hưởng đến việc hấp thu canxi ở đường tiêu hóa. Thuốc lá còn làm tăng nguy cơ gãy xương và khiến vết gãy khó phục hồi. Do đó, những người hút thuốc và lạm dụng chất kích thích có nguy cơ loãng xương rất cao.

Sử dụng một số thuốc: như thuốc chống đông, thuốc lợi tiểu, hen suyễn, chống động kinh (Di-hydan), thuốc trị viêm đa khớp (Corticoid) trong thời gian dài rất có hại cho xương.

Di truyền

Ba mẹ có tiền sử bệnh loãng xương thì con cái cũng dễ bị loãng xương nên nếu gia đình có người bị loãng xương, bạn hãy đi kiểm tra càng sớm càng tốt.

Chú ý: Để phòng loãng xương, hãy chú ý đến chế độ ăn uống, tăng cường thể dục, hạn chế bia rượu và nói không với thuốc lá. Khi bước vào tuổi trung niên hoặc nếu là một trong các đối tượng trên, bạn nên uống bổ sung thêm canxi. Hiện trên thị trường có rất nhiều sản phẩm cung cấp canxi. Tuy nhiên, hãy thận trọng khi lựa chọn, tránh việc mua nhầm sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng.

Cập nhật: 18/08/2022 Tổng Hợp
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video