Lợn rừng nhiễm phóng xạ do thử nghiệm hạt nhân

Nhiều con lợn rừng ở trung tâm châu Âu nhiễm phóng xạ nhiều đến mức thịt của chúng quá nguy hiểm để ăn, hậu quả do thử vũ khí hạt nhân kết hợp với thảm họa Chernobyl, theo nghiên cứu mới.

Trước đây, tình trạng nhiễm phóng xạ của lợn rừng được cho là do sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân năm 1986. Nhưng nghiên cứu mới công bố hôm 30/8 trên tạp chí Environmental Science & Technology phát hiện phần lớn nguyên nhân có thể do thử nghiệm vũ khí hạt nhân.


Lợn rừng sống lang thang trên khắp châu Âu. (Ảnh: Depositphotos).

Theo nghiên cứu, cesium-137 đóng góp 12 - 68% trong số mẫu vật vượt quá giới hạn phóng xạ theo quy định. Cesium-137 là đồng vị phóng xạ của cesium sinh ra trong phản ứng phân hạch hạt nhân, quá trình tách một nguyên tử thành hai nguyên tử thuộc nguyên tố khác nhau. Quá trình này giải phóng năng lượng khổng lồ nên thường được dùng trong nhà máy điện và vũ khí hạt nhân. Cesium-137 là sản phẩm chính từ thử nghiệm nổ bom hạt nhân giữa thế kỷ 20, đồng thời giải phóng với số lượng lớn từ sự cố Chernobyl và Fukushima.

Hàng nghìn thử nghiệm vũ khí hạt nhân được tiến hành trong nửa cuối thế kỷ 20. Chỉ riêng Mỹ đã thực hiện 1.054 vụ nổ bom, phần lớn ở bang Nevada, cùng với vài trăm vụ trên biển và ở nước khác. Sau đó, Liên Xô tiến hành 715 thử nghiệm, chủ yếu ở khu vực ngày nay là Kazahkstan. Pháp thử nghiệm vũ khí tại Sahara và những đảo san hô vòng ở Thái Bình Dương. Anh cũng đứng sau một số thử nghiệm ở Australia. Nhiều thử nghiệm trong số này diễn ra trong không trung, có nghĩa quả bom được kích nổ phía trên mặt đất.

Lợn rừng ở khắp vùng Bavaria của Đức chứa lượng cesium-137 cao đến mức thịt của chúng không an toàn để con người ăn. Dù nhiều loài vật cũng nhiễm cesium-137 từ sau thảm họa Chernobyl, lượng đồng vị này giảm dần theo thời gian, ngoại trừ ở lợn rừng. Nhóm nghiên cứu kết luận lượng cesium-137 ở lợn rừng không giảm kể từ năm 1986. Hiện tượng này được đặt tên là "nghịch lý lợn rừng". Một cách lý giải là lợn rừng tiêu hóa cesium-137 qua nấm cục, tích tụ nguyên tố phóng xạ từ đất. Tuy nhiên, cesium-137 ngấm vào đất như thế nào vẫn là bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Leibniz ở Đức và Đại học Công nghệ Vienna làm việc với thợ săn ở miền nam nước Đức để thu thập thịt lợn rừng. Khi kiểm tra thịt bằng máy dò tia gamma và khối phổ kế, họ có thể xác định tỷ lệ cụ thể hai dạng đồng vị của cesium là cesium-135 và cesium-137. Tỷ lệ này hé lộ một phần nguồn phóng xạ đến từ Chernobyl nhưng nguồn phóng xạ chính là thử nghiệm vũ khí hạt nhân trên toàn cầu trong thập niên 1960. Cesium giải phóng bởi các thử nghiệm đó tích tụ trong nguồn thức ăn của lợn rừng, bao gồm nấm cục dưới lòng đất. Đó là lý do tại sao lượng phóng xạ trong cơ thể chúng không quay về mức an toàn.

Nhóm nghiên cứu kết luận những vụ thử vũ khí hạt nhân từ hàng thập kỷ trước là nguồn truyền cesium phóng xạ ở lợn rừng và sự kết hợp vật liệu phóng xạ từ nhiều nguồn lưu lại lâu và nguy hiểm hơn so với từ một nguồn.

Cập nhật: 05/09/2023 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video