Mật ong điên khiến đội quân La Mã bị tiêu diệt

Trong một cuộc phục kích táo bạo nhất mọi thời đại, một đội quân La Mã tử trận do bị kẻ thù đầu độc bằng mật ong gây ảo giác từ loài ong sống dọc Biển Đen.


Mật ong điên do loài ong ăn mật hoa đỗ quyên tạo ra. (Ảnh: Interesting Engineering).

Mật ong điên khiến những binh lính La Mã không may ăn phải trải qua nhiều triệu chứng khó chịu trong một thời gian ngắn và mất sức chiến đấu. Trận thảm sát xảy ra vào thời kỳ Chiến tranh Mithridates lần thứ ba, trong đó quân đội La Mã mở rộng đế quốc trên khắp vùng Anatolia từ năm 73 đến năm 63 trước Công nguyên. Trong chiến dịch, họ gặp phải một trong những kẻ thù khó đối phó nhất là vua Mithridates VI của Pontus hay còn gọi là Vua độc dược.

Mithridates trở nên ám ảnh với thuốc độc sau khi cha ông bị ám sát bởi những kẻ lạ mặt trong một bữa tiệc hoàng gia. Nổi tiếng với trí thông minh và niềm đam mê dược học, Mithridates tôi luyện khả năng miễn nhiễm với vài loại thuốc độc bằng cách uống một liều lượng nhỏ hàng ngày. Khi người La Mã kéo tới, binh lính của Mithridates tấn công quân xâm lược bằng mũi tên tẩm độc, thả ong bắp cày và nhiều loài côn trùng khác vào đường hầm vây hãm của quân La Mã, thậm chí phát triển vũ khí hóa học từ dầu hỏa.

Mô tả một sự kiện xảy ra vào năm 65 trước Công nguyên, sử gia cổ đại Strabo cho biết đồng minh của Mithridates là bộ tộc Heptacomitae sử dụng mật ong điên để tiêu diệt một đội quân La Mã. Được tạo ra bởi những con ong ăn mật hoa đỗ quyên, loại mật ong này chứa liều lượng cao chất độc thần kinh mang tên grayanotoxin, có thể gây ảo giác, mất khả năng phối hợp vận động, nôn mửa với lượng nhỏ và biến chứng nghiêm trọng ở tim với lượng lớn. Theo Strabo, bộ tộc Heptacomitae đặt những bát đựng mật ong dọc đường đi của quân La Mã. Sau đó, khi binh lính ăn mật ong và mất các giác quan, người Heptacomitae sẽ tấn công và dễ dàng loại bỏ kẻ thù.

Kết hợp những ghi chép lịch sử về sự kiện trong bài báo công bố hôm 29/4 trên tạp chí Cureus, nhóm nghiên cứu đứng đầu là Matthew D. Turner ở Trung tâm y tế quân sự Madigan giải thích đây không phải trường hợp đầu tiên một đội quân cổ đại bị đầu độc bằng mật ong điên. Trước đó ba thế kỷ, tướng chỉ huy Xenophon của quân Hy Lạp mô tả hàng trăm binh lính của ông cư xử kỳ lạ trong một thời gian, bị nôn mửa, tiêu chảy và mất hoàn toàn khả năng đứng vững. Dù nhiễm độc nặng, không có binh lính nào tử vong. Tất cả khôi phục nhận thức và giác quan trong vòng 24 giờ sau khi ăn mật ong.

Trên thực tế, nhiễm độc grayanotoxin hầu như không gây chết người bởi chất độc nhanh chóng bị chuyển hóa bởi cơ thể. Tuy nhiên, nhờ căn chuẩn xác thời điểm tấn công để bắt binh lính La Mã đang chịu ảnh hưởng của mật ong điên, bộ lạc Heptacomitae dễ dàng tàn sát kẻ thù. Dù vậy, chiến thắng nhỏ này không giúp Mithridates xoay chuyển kết quả cuộc chiến và vương quốc Pontic vẫn bị quân đội La Mã tiêu diệt.

Cập nhật: 06/05/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video