Máy bay có thể hạ cánh khi hỏng động cơ?

Theo phi công, máy bay có khả năng trượt trên không và có thể hạ cánh an toàn ngay cả khi tất cả động cơ đều hỏng.

Việc ở trên một chiếc máy bay gặp sự cố về động cơ không phải trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, các phi công dày dạn kinh nghiệm tiết lộ rằng tình huống này không phải là không thể cứu vãn. Ngay cả những máy bay cỡ lớn cũng có thể trượt trên không trung một quãng dài, đồng nghĩa với việc chúng hoàn toàn có cơ hội đáp xuống được đường băng.


Máy bay vẫn có thể trượt thêm một khoảng dài khi động cơ ngừng hoạt động. (Ảnh: Iamthatgirl).

Một cơ trưởng chuyên bay đường dài ở Anh cho biết: “Thông thường một máy bay có thể trượt khoảng 3km cho mỗi 300m độ cao”. Tức là nếu đang ở độ cao 12.200m, máy bay có thể đáp xuống cách đó 130km. Ông nói thêm: “Tất cả phi công đều được đào tạo kỹ thuật lái trượt, nhưng là để có thêm thời gian cho động cơ hoạt động trở lại, do việc hạ cánh xuống đất thành công từ độ cao hơn 12.000 m mà không có động cơ là điều vô cùng khó khăn”.

Patrick Smith, tác giả cuốn Cockpit Confidential (tạm dịch “Bí mật buồng lái), tiết lộ một số điều có thể khiến hành khách yên tâm hơn. Ông viết: “Điều đó cũng giống như tắt máy xe hơi lúc xuống dốc. Xe vẫn tiếp tục đi, và máy bay cũng thế”. Theo ông, hầu như mọi chuyến bay đều có một khoảng thời gian máy bay trượt xuống gọi là “bay tĩnh”. Trong đó, động cơ về trạng thái không tạo lực đẩy nhưng vẫn hoạt động để vận hành các hệ thống thiết yếu.

Tất nhiên, điều đó khác với việc động cơ ngừng hoạt động, nhưng việc bay trượt không có gì khác biệt. Phi công sử dụng kỹ thuật này để cho máy bay hạ độ cao lúc chuẩn bị hạ cánh.


Máy bay đáp xuống sông Hudson ở New York, Mỹ. (Ảnh: Time Magazine).

Các phi công thương mại đã nhiều lần giải cứu máy bay thành công nhờ kỹ thuật bay trượt. Nổi tiếng nhất là lần do cơ trưởng Chesley "Sully" Sullenberger thực hiện vào năm 2009. Ông đã đưa máy bay đáp xuống sông Hudson sau khi động cơ hỏng do chim đâm vào. Toàn bộ 155 hành khách và phi hành đoàn đều sống sót.

Một sự kiện khác là chiếc Boeing 747 của British Airways bay qua tro bụi núi lửa trên đường tới Jakarta vào năm 1982 khi còn cách đích 180km. Bốn động cơ của máy bay ngừng hoạt động. Tổ bay đã cho máy bay trượt từ độ cao 11.300m xuống 3.600m và khởi động lại thành công. Máy bay hạ cánh an toàn dù phi công không nhìn được, do kính buồng lái dính tro bụi núi lửa. Việc bay trượt đem lại cho họ 20 phút quý giá để khởi động động cơ.

Cập nhật: 29/10/2018 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video