Máy bay Virgin Galactic chở khách lên vũ trụ thành công

Công ty Virgin Galactic thực hiện thành công nhiệm vụ thương mại đầu tiên hôm 29/6, chở 4 hành khách lên không gian cận quỹ đạo và trở lại Trái đất.

Chuyến bay mới nhất là cột mốc quan trọng đối với Virgin Galactic. Chuyến bay cất cánh từ cảng vũ trụ Spaceport America ở New Mexico vào 21h30 ngày 29/6 theo giờ Hà Nội và lên tới không gian cận quỹ đạo sau 58 phút. Sau vài phút trôi nổi ở độ cao 85,1 km, máy bay vũ trụ trở lại Spaceport America và hạ cánh vào 22h42 cùng ngày.


Chuyến bay thương mại đầu tiên lên không gian cận quỹ đạo của máy bay vũ trụ Unity. (Video: Telegraph)

Thương nhân người Anh Richard Branson thành lập Virgin Galactic năm 2004. Máy bay đầu tiên của công ty là SpaceShipOne từng đoạt giải thưởng Ansari X trị giá 10 triệu USD vào tháng 10/2024 sau khi bay lên không gian cận quỹ đạo hai lần trong chưa đầy một tuần. Virgin Galactic phát triển máy bay vũ trụ cận quỹ đạo SpaceShipTwo dựa trên phương tiện cá nhân đó. SpaceShipTwo được đưa vào không trung nhờ máy bay vận chuyển. Sau khi tách ra ở độ cao 15.000 m, máy bay này sẽ khai hỏa motor tên lửa và bay vào không gian. Hành khách trên máy bay sẽ trải qua vài phút không trọng lực và quan sát Trái đất giữa nền đen của vũ trụ trước khi trở lại đường băng khoảng 70 - 90 phút sau khi cất cánh.

Tháng 12/2018, Virgin Galactic tiến hành bay thử nghiệm phiên bản SpaceShipTwo mới nhất mang tên VSS Unity có thể chở 6 hành khách và 2 phi công. Unity tiếp tục bay thử vào tháng 2/2019, tháng 5/2021 và tháng 7/2021. Virgin Galactic sau đó ngừng hoạt động Unity và máy bay vận chuyển VMS Eve trong gần 2 năm để bảo dưỡng và nâng cấp, nhờ đó bộ đôi phương tiện có thể sẵn sàng cho hoạt động thương mại với tần suất cao hơn. Máy bay Eve và Unity cải tiến cất cánh lần nữa hôm 23/5, bay lên không gian cận quỹ đạo trong chuyến bay thử thứ 5 và cuối cùng. Sau thành công đó, Virgin Galactic tuyên bố bộ đôi máy bay sẵn sàng chở hành khách đầu tiên trong nhiệm vụ mang tên Galactic 01.

Các hành khách của Galactic 01 gồm đại tá Không quân Italy Walter Villadei, trung tá Angelo Landolfi và Pantaleone Carlucci, điều phối viên dự án chiến lược của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Italy. Bộ ba sẽ mang một loạt thiết bị khoa học trong chuyến bay. Ví dụ, Villadei mặc bộ đồ dữ liệu sinh trắc theo dõi cơ thể phản ứng như thế nào với vi trọng lực, Carlucci mang nhiều cảm biến cơ thể dùng cho mục đích tương tự. Landolfi sẽ tiến hành thí nghiệm trộn một số chất rắn và lỏng trong môi trường vi trọng lực và xác định chuyến bay ảnh hưởng như thế nào tới nhận thức.

Hành khách thứ 4 trong cabin của Unity là Colin Bennett, huấn luyện viên phi hành gia của Virgin Galactic, người sẽ đánh giá trải nghiệm bay của 3 hành khách Italy. Mike Masucci và Nicola Pecile cũng bay vào không gian trong vài trò chỉ huy và phi công của VSS Unity. Kelly Latimer và Jameel Janjua là hai phi công điều khiển máy bay VMS Eve.


 Chuyến bay thương mại thứ hai là Galactic 02 sẽ diễn ra đầu tháng 8.

Galactic 01 chỉ là nhiệm vụ khởi đầu, nếu tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch. Virgin Galactic cho biết họ đã nhận đặt chỗ từ 800 hành khách để bay trên SpaceShipTwo với mức giá 450.000 USD/ghế. Chuyến bay thương mại thứ hai là Galactic 02 sẽ diễn ra đầu tháng 8.

Virgin Galactic đang chế tạo một đội máy bay vũ trụ và máy bay vận chuyển. Tàu vũ trụ lớp Delta mới có thể bay mỗi tuần một lần. Sau khi Delta hoạt động, dự kiến vào năm 2026, Virgin Galactic có thể đưa hành khách vào vũ trụ mỗi ngày, từ nhiều địa điểm trên toàn cầu.

Cập nhật: 01/07/2023 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video