Máy chữa cháy tự động 3 giây

Ông Phương (phải) cùng con trai Phan Trọng Nghĩa bên chiếc máy chữa cháy chuẩn bị đưa đi lắp đặt tại trạm biến áp 220kV Huế - Ảnh: Đăng Nam

Từ ý nghĩ “làm sao nằm ngủ dưới các bình chứa xăng mà vẫn không sợ bị cháy, nổ”, sau nhiều lần mày mò thử nghiệm cuối cùng hai cha con ông Phan Đình Phương và Phan Trọng Nghĩa (587/1 Hoàng Diệu, Đà Nẵng) đã sáng chế thành công máy chữa cháy tự động đa năng An Sinh (máy chữa cháy An Sinh).

Chỉ trong vòng 3 giây, chiếc máy độc đáo này có thể dập tắt ngay ngọn lửa, vượt xa thời gian mà quốc tế qui định.

Ông Phương nhớ lại: vào đầu năm 1999, ông giao nhiệm vụ cho người con trai đầu của mình là Phan Trọng Nghĩa sang “nằm” tại kho xăng dầu Mỹ Khê (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) để theo dõi máy thu hồi hơi xăng (một sáng kiến mà ông đang áp dụng tại đây - NV).

Sau nhiều ngày “ăn nằm” bên những bình chứa đầy xăng, nỗi lo sợ về một thảm họa cháy nổ cứ ám ảnh Nghĩa, cuối cùng Nghĩa quyết định nói hết mọi điều với cha mình.

Vốn là một nhà đam mê sáng chế, nghe cậu con trai trình bày, sau nhiều tuần tìm sách đọc, cuối cùng ông đã nghĩ ra một phương pháp chữa cháy tự động bằng áp lực của khí CO2 để phun nước dập tắt ngọn lửa.

Sau một vài lần thuyết phục rồi trình diễn, cuối cùng phương pháp chữa cháy bằng CO2 của cha con ông Phương cũng đã được Phòng cảnh sát PCCC Công an TP Đà Nẵng, Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Đà Nẵng cũng như Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an) đồng ý cho áp dụng tại một số cơ sở.

Tuy nhiên phương pháp này chỉ mới dừng lại ở chỗ phun thành vòi rồng chứ chưa thể thành màn sương cực mỏng. Theo ông Phương, việc phun thành một màn sương mỏng trên diện rộng sẽ giúp rút ngắn thời gian chữa cháy do ngọn lửa bị thiếu oxy. Điều này rất cần trong chữa cháy tại các trạm biến áp điện cũng như ở các khu vực chứa gas, xăng dầu...

Vậy là tiếp tục nghiên cứu và cha con ông lại thành công. Đầu năm 2005, sau gần năm năm theo đuổi, cuối cùng máy chữa cháy An Sinh đã hoàn thiện một cách tối ưu.

Theo ông Phương, toàn bộ hệ thống chữa cháy tại chỗ lâu nay được dùng tại các trạm biến áp, trạm gas hay kho xăng dầu... đều vận hành theo hình thức dùng máy bơm bằng môtơ điện, có nơi an toàn hơn còn đặt thêm máy bơm bằng máy nổ.

Thời gian để toàn bộ hệ thống này khởi động làm nhiệm vụ chữa cháy là trong vòng 180 giây (3 phút), đúng theo tiêu chuẩn quốc tế. Thế nhưng đối với các trạm biến áp hay kho gas, xăng thì thời gian 3 phút là quá dài, đủ để ngọn lửa bùng phát lớn khó có thể cứu vãn.

Giải pháp của ông đưa ra cũng hoàn toàn tự động. Theo đó, khi các đầu báo cháy nhận được tín hiệu cháy lập tức sẽ kích hoạt (vỡ ra). Dưới áp lực của các bình chứa CO2 lớn, chỉ từ 1-3 giây toàn bộ hệ thống nước hay bọt, bột, CO2... chứa sẵn bên trong các ống dẫn sẽ tự động phun mạnh ra thành màn sương mỏng vây lấy điểm cháy, đồng thời cách ly điểm cháy với bên ngoài. Như thế chỉ trong chốc lát ngọn lửa sẽ bị dập tắt do thiếu oxy.

Hiện máy chữa cháy An Sinh đã được Tổng công ty Điện lực VN đồng ý đưa vào lắp đặt tại trạm biến áp 220kV Huế. Máy cũng đã được Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an) cho phép áp dụng, Hội đồng KHCN cấp nhà nước phê duyệt cho phép được bảo vệ các loại máy biến áp 220-500kV và Cục Sở hữu trí tuệ VN cấp bằng độc quyền sáng chế năm 2002.

Đặc biệt, thiết bị này đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO xếp loại 5A. Và ngày 13-9-2005, Cơ quan Sáng chế Hoa Kỳ (United States Patent) xếp loại 11A và cấp bằng độc quyền sáng chế.

ĐĂNG NAM
Theo Tuổi Trẻ Online
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video