Một số loài ếch của châu Á có thể tuyệt chủng trước khi được phát hiện

Ếch và các loài lưỡng cư khác đang bị xóa sổ với tốc độ chóng mặt ở châu Á. Do đó, một số loài có thể bị tuyệt chủng trước cả khi được phát hiện - Các nhà khoa học đưa ra lời cảnh báo tại Hội nghị bảo tồn quốc tế do IUCN tổ chức ở Hàn Quốc vào tuần qua.

Mức độ ảnh hưởng của mất môi trường sống, dịch bệnh, ô nhiễm cũng như các yếu tố khác đến sự suy giảm loài là rất khó định lượng nhưng các nhà khoa học lo ngại rằng hậu quả này sẽ vô cùng nghiêm trọng. Các loài lưỡng cư đang bị tiêu diệt khắp nơi trên thế giới, một phần vì sự lan truyền của nấm Batrachochytrium dendrobatidis hay còn gọi là nấm chytrid, một loài nấm đã xóa sổ nhiều quần thể lưỡng cư trong vài năm.

Đáng lo ngại là ở chỗ, các nỗ lực bảo tồn hiện chỉ tập trung ở châu Âu và châu Mỹ và ít được thực hiện tại châu lục đông dân nhất thế giới trong khi tại đây còn nhiều loài lưỡng cư chưa được thống kê và nghiên cứu. Ví dụ, theo một nhà nghiên cứu, số loài lưỡng cư chưa được thống kê ở Ấn Độ nhiều gấp 3 tới 4 lần số loài đã được thống kê.


Smith’s litter frog - tìm thấy ở bang Assam - Ấn Độ (WWF - Nepal)

Theo nhà nghiên cứu Bruce Waldman, Đại học Quốc gia Seoul (SNU), một số loài đang biến mất trước khi con người biết đến sự tồn tại của chúng - như trường hợp ở Sri Lanka. “Chúng là những báu vật sống nhưng chúng ta không biết mình có bao nhiêu và cũng không bảo vệ chúng”. Ông cũng cho biết, tăng trưởng kinh tế nhanh ở châu Á khiến cho lượng ô nhiễm ni tơ trong không khí tăng (do sử dụng phân bón) kết hợp với sự suy giảm môi trường sống đang đe dọa các loài lưỡng cư châu Á.

Trên thế giới, các loài ếch và lưỡng cư nằm trong số những loài sinh vật bị đe dọa nặng nề nhất với ít nhất 33% thậm chí lên tới 40% số loài lưỡng cư đang trong tình trạng sắp tuyệt chủng, nâng tổng số loài lưỡng cư chính thức được xác định là “bị đe dọa”, “nguy cấp” “dễ tổn thương” lên 2000 - con số cao nhất đối với các loài động vật trên cạn - Jaime García-Moreno, giám đốc điều hành mạng lưới Amphibian Survival Alliance cho biết.

Tình trạng nguy cấp của các loài ếch cũng như các loài lưỡng cư khác đang là mối quan tâm lớn của các nhà khoa học vì họ lo ngại rằng điều đang xảy đến với chúng cũng có thể xảy đến với các nhóm động vật khác. Đặc tính sinh lý hình thái của lưỡng cư khiến cho chúng vô cùng nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, trong đó có sự ấm lên toàn cầu cũng như ô nhiễm nước và không khí.

Sự nhạy cảm này, theo nhiều nhà khoa học, có thể là nguyên nhân đằng sau sự biến mất một cách đột ngột của một số loài kể cả trong khu vực an toàn - như trường hợp của cóc vàng Costa Rica. Theo García-Moreno, sự tuyệt chủng của một số loài ếch không chỉ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, chuỗi thức ăn mà còn cả sự phát triển của loài người. Kết luận này có thể dựa trên nghiên cứu chứng minh rằng chất tiết trên da ếch có thể làm thuốc chữa một số bệnh, như ung thư và có thể là AIDS ở người. Ông cũng phát biểu thêm “Lưỡng cư đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái vì chúng là nơi trung chuyển năng lượng và dinh dưỡng từ các sinh vật nhỏ tới các sinh vật lớn trong chuỗi thức ăn”.

Theo Mi-Sook Min (SNU), các nhà khoa học cũng có thể có nhiều phát hiện về bệnh nấm chytrid khi nghiên cứu lưỡng cư ở châu Á. Có nhiều bằng chứng cho thấy bệnh này bắt nguồn từ châu Á vì nhiều ca bệnh tìm thấy ở châu lục khác đều liên quan tới một tiền sử từ châu Á - nơi các loài lưỡng cư đã tiến hóa để sống với chứng bệnh này. Tuy nhiên, cũng có một số bằng chứng ở nghiên cứu khác cho thấy bệnh này có thể tồn tại ở châu Mỹ La tinh từ những năm 1880.

Waldman nhấn mạnh: “Chúng ta thực sự chưa hiểu rõ về cuộc khủng hoảng ở châu Á do bệnh nấm chytrid, một cuộc khủng hoảng thậm chí có thể nguy hiểm hơn so với những nơi được thống kê tốt hơn. Chúng ta đang bị mắc kẹt bởi chính sự thờ ơ của mình".

Theo Thiên Nhiên
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video