NASA: “Oanh tạc” Mặt trăng năm 2008

Trước khi gửi phi hành gia lên sống tại Mặt trăng vào năm 2020, NASA được lệnh của Nhà Trắng là phải tìm hiểu xem có thể khai thác được nguồn nguyên liệu nào từ nơi đó.

Ở Mặt trăng có những kho chứa nước đá, có thể nấu chảy ra để cung cấp khí oxygen và trích lấy hydrogen để làm nhiên liệu cho tên lửa? Hay còn có nguồn nhiên liệu nào khác ẩn trong đá? Để trả lời, NASA đưa ra kế hoạch được tiến hành vào năm 2008: ném hai “cục đá” vào cái hố gần cực nam Mặt trăng và nghiên cứu xem... cái gì bay ra!

Khí hydrogen đã được tìm thấy phía dưới lớp mặt đất, trong những lần thám hiểm trước. Anthony Colaprete, chuyên gia tại NASA, cho biết: “Vấn đề cốt lõi ở đây là tìm hiểu xem hydrogen được tích trữ như thế nào: ở dạng nước đá, quặng mỏ hay những hạt proton tự do, trong đá Mặt trăng. Thông tin này sẽ giúp chúng ta có hướng đi thích hợp để khai thác nó”.

Chuẩn bị

Tổ hợp Lunar Crater Observation và Sensing Satellite còn gọi là LCROSS bao gồm một tàu không gian nặng 1.540 pound có gắn camera và một tầng trên cùng nặng 4.400 pound của tên lửa có nhiệm vụ đưa tàu vào không gian. Sau khi phóng lên vào tháng 10-2008, hai phần dính liền này quay quanh quĩ đạo Trái đất và Mặt trăng trong một cuộc hành trình dài ba tháng. Khi đến Mặt trăng, chúng sẽ tách rời nhau. Tầng trên nặng 4.400 pound rơi tự do, lao thẳng xuống cái hố Shackleton của Mặt trăng.

Đụng!

Khối thép này lao thẳng xuống bề mặt khiến đất đá trên Mặt trăng - có thể có nước đá - văng tứ tung vào không gian! Các nhà thiên văn nghiệp dư với ống kính thiên văn 10 inch có thể nhìn thấy rõ hiện tượng này. Cái hố thủng, có thể sâu đến 5m và rộng 30m, giống như một hố bom. Bởi vì tầng tên lửa này đã đốt hết nhiên liệu khi đưa con tàu vào không gian, nên không làm ô nhiễm các thành phần bụi đất tung tóe trong không gian.

Đo đạc

Các camera hồng ngoại và tia sáng thường gắn trên con tàu sẽ đo đạc thành phần hóa học của đám bụi mù và gửi dữ liệu cho trạm Lunar Reconnaissance Orbiter (LRO) với tốc độ hình ảnh 1,5 Mb/giây cho đến khi bản thân nó “hết xí quách” cũng rơi xuống Mặt trăng!

Xây dựng căn cứ địa

Sau khi bụi mù tan đi, tàu LRO sẽ bay vòng quanh Mặt trăng để nghiên cứu kỹ hơn cái hố: dùng máy đo độ cao để vẽ lại chính xác hình dáng cái hố và các camera của nó sẽ lùng sục để tìm dấu vết của nước đá. Nếu kết quả tuyệt vời thì đến năm 2020 với những dữ liệu do LCROSS và các chuyến bay kế tiếp cung cấp, NASA sẽ khai thác tiềm năng oxygen và hydrogen của Mặt trăng để hỗ trợ một căn cứ có người ở tại đây.

TRUNG LÊ

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video