NASA thực hiện sứ mệnh phóng tàu chuyển hướng tiểu hành tinh, bảo vệ Trái đất

Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) sẽ cất cánh vào 12h20 ngày 24/11 trên tên lửa Falcon 9 của SpaceX từ Căn cứ Vandenberg ở California.

Sau khi phóng tàu vào tháng 11, NASA sẽ thử nghiệm công nghệ chuyển hướng tiểu hành tinh vào tháng 9/2022 để xem xét tác động tới chuyển động của vật thể bay gần Trái đất trong không gian. Mục tiêu của công nghệ là Dimorphos, mặt trăng nhỏ quay quanh tiểu hành tinh Didymos. Đây sẽ là lần thử nghiệm quy mô lớn đầu tiên của NASA đối với công nghệ phòng thủ hành tinh này.


Mô phỏng tàu DART và vệ tinh LICIACube tiếp cận hệ tiểu hành tinh trước vụ va chạm. (Ảnh: NASA)

Vật thể bay gần Trái đất (NEO) là tiểu hành tinh và sao chổi có quỹ đạo nằm trong phạm vi 48 triệu km tính từ Trái đất. Phát hiện mối đe dọa từ NEO là ưu tiên hàng đầu của NASA và nhiều tổ chức vũ trụ khác trên khắp thế giới.

Hai thập kỷ trước, giới nghiên cứu phát hiện một hệ nhị phân bao gồm tiểu hành tinh gần Trái đất và mặt trăng đi kèm có tên Didymos. Trong tiếng Hy Lạp, Didymos có nghĩa là "sinh đôi". Các nhà thiên văn học sử dụng từ này để mô tả tiểu hành tinh lớn rộng gần 800 m với mặt trăng nhỏ hơn có đường kính 160m. Lúc đó, mặt trăng trong hệ được đặt tên là Didymos b. Kleomenis Tsiganis, nhà khoa học hành tinh ở Đại học Aristotle tại thành phố Thessaloniki, thành viên của chương trình DART, đề xuất đổi tên mặt trăng thành Dimorphos.

Vào tháng 9/2022, Didymos và Dimorphos sẽ bay đến tương đối gần Trái đất, chỉ cách hành tinh của chúng ta 11 triệu km. Đây là thời gian hoàn hảo để tiến hành nhiệm vụ DART. Tàu DART sẽ đâm thẳng vào Dimorphos để thay đổi chuyển động của tiểu hành tinh trong không gian, theo NASA. Vụ va chạm sẽ được ghi lại bởi LICIACube, vệ tinh hình hộp cỡ nhỏ do Cơ quan Vũ trụ Italy cung cấp. Vệ tinh sẽ bay kèm theo tàu DART và triển khai trước vụ va chạm để ghi hình những gì xảy ra.

"Các nhà thiên văn học sẽ có thể so sánh quan sát từ kính viễn vọng trên Trái đất trước và sau vụ va chạm của DART để xác định chu kỳ quỹ đạo của Dimorphos thay đổi nhiều tới mức nào", Tom Statler, nhà khoa học làm việc trong chương trình DART tại trụ sở của NASA, cho biết. "Kết quả đo quan trọng đó sẽ cho chúng tôi biết tiểu hành tinh chịu tác động như thế nào từ nỗ lực chuyển hướng".

Vài năm sau vụ va chạm, nhiệm vụ Hera của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) sẽ tiến hành nghiên cứu tiếp theo đối với Didymos và Dimorphos. Trong khi nhiệm vụ DART được phát triển bởi Văn phòng điều phối phòng thủ hành tinh NASA và nằm dưới sự quản lý của Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng ở Đại học Johns Hopkins, đội ngũ thực hiện nhiệm vụ sẽ cộng tác với dự án Hera trong chương trình Đánh giá chuyển hướng và tác động tiểu hành tinh (AIDA).

Các nhà nghiên cứu lựa chọn Dimorphos cho nhiệm vụ lần này bởi kích thước của nó tương đương tiểu hành tinh có thể đe dọa Trái đất. DART sẽ đâm vào Dimorphos di chuyển ở tốc độ 23.760km/h. Một camera trên tàu DART có tên DRACO và phần mềm định vị tự động sẽ giúp con tàu phát hiện và đâm vào Dimorphos.

Vụ va chạm chớp nhoáng này chỉ thay đổi 1% tốc độ của Dimorphos khi nó quay quanh Didymos by 1%, con số có vẻ nhỏ nhưng sẽ khiến chu kỳ quỹ đạo của mặt trăng này chênh lệch vài phút. Các nhà nghiên cứu có thể quan sát và đo đạc thay đổi từ kính viễn vọng trên mặt đất. Nhiệm vụ đánh dấu lần đầu tiên con người điều chỉnh động lực của một thiên thể theo cách đo được, ESA cho biết. Ba năm sau vụ va chạm, Hera sẽ bay tới để nghiên cứu chi tiết, đo đặc điểm của mặt trăng, nghiên cứu va chạm với DART và quỹ đạo của nó.

Cập nhật: 08/10/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video