Ngày 3/8, ông Igor Mitrofanov, giám đốc phòng thí nghiệm thuộc Viện Khoa học và Nghiên cứu Vũ trụ Nga cho biết, một chương trình thám hiểm mặt trăng có người lái của nước này, sẽ có chi phí lên tới 100 tỷ rúp (khoảng 2,8 tỷ USD).
Phát biểu tại một hội thảo khoa học vũ trụ ở Moscow, ông Mitrofanov nói: “Chi phí dự kiến của một chương trình phát triển một trạm mặt trăng tự động là 10 tỷ rúp (khoảng 280 triệu USD). Dự án này sẽ được hoàn thành trong 5 hoặc 6 năm. Còn sứ mệnh thám hiểm mặt trăng có người lái sẽ có chi phí gấp 10 lần".
Nga vẫn là nước đi đầu trong thám hiểm không gian
Ông cho biết thêm rằng, trước khi tiến hành phi vụ có người lái thì cần phải “học cách hạ cánh xuống mặt trăng nhiều lần”, và các trạm mặt trăng tự động cần thiết để thực hiện mục đích này.
Theo ông Mitrofanov, một trong những đối tác của Viện nghiên cứu vũ trụ, hiện đang phát triển 3 trạm vũ trụ mang tên Luna-25 (dự án Luna-Glob), Luna-26 và Luna-27, thì Luna-25 và Luna-27 là tàu vũ trụ đổ bộ mặt trăng được thiết kế để hoạt động trong vòng 1 năm, còn Luna-26 là tàu vũ trụ quỹ đạo, được thiết kế để giám sát mặt trăng trong vòng 2 năm.
Ông còn nhấn mạnh rằng, trong vòng 10 năm tới, các căn cứ mặt trăng chắc chắn sẽ được xây dựng.
Sứ mệnh thám hiểm mặt trăng đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Nga trên vũ trụ. Nước này có kế hoạch sẽ phóng 3 tàu vũ trụ mặt trăng, trong đó 2 chiếc lên bề mặt mặt trăng và một chiếc lên quỹ đạo mặt trăng, vào cuối thập kỷ này.
Sứ mệnh đầu tiên, Luna-25 (bị trì hoãn từ lâu), dự kiến sẽ được phóng vào năm 2016 và hạ cánh xuống Cực Nam của mặt trăng. Hai sứ mệnh tiếp theo sẽ bao gồm một tàu vũ trụ quỹ đạo để giám sát mặt trăng, được phóng vào năm 2018 và một tàu đổ bộ mặt trăng để tìm nước đóng băng trên mặt trăng được phóng vào năm 2019.