Ngành hạt nhân Việt Nam: Thiếu nhân lực trầm trọng!

Nếu mỗi năm, Việt Nam đào tạo được 70-100 người thì phải sau 12 đến 15 năm nữa mới có đủ số cán bộ chuyên môn để vận hành nhà máy điện hạt nhân. Theo Viện Năng lượng nguyên tử, tình hình nhân lực cho ngành hạt nhân nói chung và cho chương trình điện hạt nhân hiện nay ở nước ta là không mấy sáng sủa!

Nếu như tại các khoa của mọi trường đại học, thí sinh nộp hồ sơ dự thi vào trường luôn phải chen chân quyết liệt thì từ hơn chục năm nay, các khoa vật lý hạt nhân ở các trường ĐH chính như Đại học Bách khoa Hà Nội, ĐH Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội luôn rơi vào tình trạng ế ẩm, điểm chuẩn dù hạ thấp hơn hẳn những ngành khác nhưng chẳng mấy khi thu hút đủ sinh viên theo học.

Mỗi năm, chỉ đào tạo được... vài chục người!
 
Thi vào đại học nhiều, nhưng số người thi và vào học ngành hạt nhân chỉ vài ba chục người mỗi năm... Trong ảnh: Một kỳ thi tuyển sinh vào đại học
 
Đào tạo nhân lực cho khoa học hạt nhân đã và luôn chỉ là một ngành học buồn vắng... Năm nào cũng vậy, số sinh viên vào ngành học hạt nhân ở các trường đại học ngót nghét đôi ba chục sinh viên.

Viện Năng lượng nguyên tử, đơn vị đón đầu “sản phẩm” đầu ra đã hết sức chú trọng việc đào tạo đội ngũ phục vụ cho ngành mình. Viện đã cấp học bổng cho sinh viên giỏi. Biện pháp tình thế này tuy có làm tăng số sinh viên học vật lý hạt nhân lên chút ít nhưng không đủ sức hút đối với sinh viên.

Một trong những nguyên nhân là do sinh viên tốt nghiệp ngành vật lý hạt nhân khó kiếm được việc làm, hoặc có thì mức lương cũng rất khiêm tốn do chuyên ngành này chỉ giữ vị trí rất mơ hồ trong các trường đại học cũng như ít có ứng dụng thực tiễn trong xã hội.

Ngòai ra, còn phải kể đến quan niệm nếu gắn bó với ngành hạt nhân hay nguyên tử còn bị ảnh hưởng nhiều đến... khả năng sinh sản!

Ngành hạt nhân: đang cần "trẻ hóa"!
 
Theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), dự án đưa một nhà máy điện hạt nhân vào hoạt động cần khoảng 3.500- 4.500 người, trong đó có khoảng 500-700 người có trình độ đại học và trên đại học, 700-1.000 kỹ thuật viên và 2.200-3.000 công nhân lành nghề các loại.

Việc đào tạo cán bộ đủ chuyên môn từ khâu tiền dự án, quản lý dự án, kỹ thuật, giám sát đến chạy thử nghiệm vận hành và bảo trì, quản lý thải phóng xạ là không dễ dàng và không thể thực hiện trong một thời gian ngắn, dù có đầy đủ cơ sở vật chất.

Nếu mỗi năm, Việt Nam đào tạo được 70-100 người thì phải sau 12 đến 15 năm nữa mới có đủ số cán bộ chuyên môn này.

Tính đến đầu năm 2005, VN mới chỉ có khoảng hơn 600 cán bộ làm việc trong ngành hạt nhân, phần lớn là cán bộ của Viện Năng lượng nguyên tử.

Trong khi đó, số cán bộ của Viện trong 10 năm qua lại suy giảm khoảng 20% do nhiều nguyên nhân: chuyển ngành khác, làm việc cho công ty nước ngoài, ở nước ngoài dài hạn. Đáng lưu tâm, nhân lực ngành hạt nhân đang bị già hoá, tuổi trung bình của cán bộ Viện hiện là 45, hầu như không có cán bộ giỏi dưới 35 tuổi để đi đào tạo tại nước ngoài. Tình hình nhân lực ở Liên đoàn địa chất xạ hiếm, Trung tâm vật lý hạt nhân - Viện Vật lý... cũng không khả quan hơn.

Vấn đề nhân lực khoa học hạt nhân hầu như bị bỏ rơi trong một thời gian dài, đúng như nhận xét của các chuyên gia tại nhiều cuộc hội thảo chuyên đề do Viện Năng lượng nguyên tử tổ chức. Nếu muốn có một nhà máy điện hạt nhân vào năm 2020, điều chắc chắn là cần phải có kế hoạch đào tạo bổ sung ngay từ bây giờ.

Thời báo kinh tế Việt Nam
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video