Một vật thí nghiệm là người tham gia thí nghiệm ở Bệnh viện Douglas tại Montréal, Canada (Ảnh: TTO) |
Trông anh ấy như một người - voi
Tại Bệnh viện Northwick Park ở London đầu tuần trước, chỉ trong vòng vài phút sau khi tám "chuột bạch người" nhận liều tiêm, sự cố đã xảy ra. Đây là cuộc thí nghiệm đầu tiên trên cơ thể người cho loại thuốc TGN 1412 dùng để chống lại bệnh bạch cầu và xơ cứng mô. Không biết trục trặc đã xảy ra tại đâu mà sáu người được tiêm thuốc thật bắt đầu "biến đổi".
Kể lại câu chuyện này, Raste Khan - một trong hai người được nhận liều placebo ("thuốc giả", không có tác dụng hay tác hại gì, thường được dùng trong những qui trình thí nghiệm), giọng còn run rẩy: "Người ngồi gần tôi nôn thốc nôn tháo. Anh ấy té nhào. Trông anh có vẻ đau đớn ghê lắm. Theo sau anh, năm người kia cũng lần lượt té như những quân cờ domino. Ai cũng nôn. Một người gào rú rằng mình rất nhức đầu và không thở được". Myfanwy Marshall, một cô gái đã nhận liều placebo, mặt còn tái xanh vì sợ: "Tôi đã muốn xỉu khi nhìn người ngồi cạnh. Trông anh ấy như một người - voi, đầu phồng to gấp ba bình thường, chân cũng to lên. Gương mặt anh ấy chuyển liên tục giữa màu hoa cà và màu vàng".
Công tố viên Ann Alexander của Anh tỏ ra nghi ngờ loại thuốc trên chưa được thử nghiệm thành công trên cơ thể loài vật trước khi cho tiến hành đối với người: một đại diện của TeGenero đã hé lộ trong một lần tiếp xúc với một gia đình rằng có một con chó đã chết trong quá trình thí nghiệm. Tuy vậy, TeGenero không trực tiếp tiến hành các cuộc thí nghiệm mà đã giao việc đó cho Parexel, một công ty Mỹ. Công tố viên Ann Alexander đã đặt vấn đề điều tra sự việc.
Những người trẻ...
Để có đủ "vật thí nghiệm", các công ty đăng những mẩu quảng cáo nho nhỏ hoặc phát lời chiêu dụ trên Internet. Đối tượng được nhắm đến là sinh viên, những người luôn khao khát kiếm thêm ít tiền để trang trải việc học đang ngày càng đắt đỏ.
Theo nhà báo Tom de Castella của The Guardian, Parexel đã liên tục rao qua hệ thống SMS một món tiền bảng Anh tương đương 1.300 USD cho việc làm "chuột bạch" trong ba ngày và 2.000 USD trong một tuần lễ. Ngoài sinh viên, những kẻ nghiện ngập và dân nhập cư từ những nước thứ ba cũng là đối tượng được gửi tin nhắn.
"Họ rất hạnh phúc được nằm viện một tuần trong vai trò vật thí nghiệm để có thể từ đó đi ra cầm trong tay một món tiền đủ lớn để đi học đại học và mua một máy vi tính hoặc đi trượt tuyết vào mùa đông" - nhà báo Tom de Castella giải thích. Trong vụ Parexel, mỗi con "chuột bạch người" đã được hứa trả tương đương 4.600 USD.
Trong vụ thí nghiệm bị "bể" trên, Raste Khan và những người còn lại đều là sinh viên. Anh thú nhận đã ghi danh vì tiền: "Tôi muốn tận dụng tối đa thời gian cho trường đại học mà không phải chia sẻ cho những công việc bán thời gian. Nhưng như thế này thật không đáng".
Ở Anh hiện nay mỗi năm có khoảng 350 cuộc thí nghiệm trên người theo giai đoạn 1 (trên một nhóm nhỏ) và thường được giao cho các phòng thí nghiệm "thầu lại" của những công ty tư nhân, như trường hợp Công ty Mỹ Parexel đối với thuốc TGN 1412.
TH.TÙNG (The Guardian, Le soleil)