Nghề nghiệp kỳ lạ nhất thời Trung Cổ: Tha hồ "cà khịa" vua chúa, sống như quý tộc

Nếu đã quen với kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam, hẳn bạn không xa lạ gì với những nhân vật chuyên pha trò để đả kích tầng lớp vua quan. Dù vậy, tích truyện về các nhân vật này đa phần là giai thoại hư cấu, không có tính xác thực.

Ngược lại, trong lịch sử châu Âu có một "công việc chính thức" một trong những vai trò chính là pha trò bằng cách "cà khịa" vua chúa. Công việc này không gì khác chính là hề cung đình. Hề cung đình, hay anh hề là một công việc có thật trong lịch sử.


Hề cung đình là một công việc có thật trong lịch sử.

Tuy nhiên, công việc của một anh hề không chỉ đơn giản là mua vui cho hoàng gia. Họ còn tham gia vào nhiều nghĩa vụ khác như cố vấn, làm việc nhà, hay thậm chí là ra trận cùng chủ nhân. Họ cũng là những kẻ xui xẻo được giao trọng trách thông báo tin xấu cho các vị vua chúa.

Đa phần có học thức cao, những chú hề này cũng rất đa tài khi vừa có thể pha trò bằng những câu chuyện đùa, đến tung hứng những vật nguy hiểm hay trình diễn nghệ thuật bằng cách thức lố bịch. Nhờ thân cận với hoàng gia, họ cũng có vị trí chính trị quan trọng và thường đưa ra nhiều lời khuyên cho mọi khía cạnh đời sống của vương quốc.

Tha hồ pha trò và chọc giận vua chúa

Một phần quan trọng trong sự nghiệp của các anh hề là nghĩ đủ cách để đem lại tiếng cười trong cung điện. Việc này có thể đến từ những màn biểu diễn lố bịch, hay trò cà khịa khiến người khác "tức anh ách".

Vào thế kỷ 12 ở Anh, dưới triều vua Henry II có một chú hề tên Roland le Farterer nổi tiếng với một "biệt tài" quái dị: Tạo ra nhạc bằng tiếng xì hơi. Vào đêm Giáng Sinh mỗi năm, Roland sẽ kết thúc màn trình diễn của mình bằng "một cú nhảy, một cái huýt sáo, và một phát xì hơi" cùng một lúc.


Anh hề có thể chơi khăm, chế giễu các vị vua và hoàng hậu một cách công khai.

Bản thân "tài năng" này hay những người cảm thấy nó buồn cười cũng thật kỳ quặc, nhưng đừng coi thường nhé. Nhờ biệt tài đó mà Roland được tặng thưởng một biệt phủ ở Suffolk kèm 30 mẫu Anh (khoảng 12 héc-ta đất).

Một đặc quyền nữa của các anh hề là họ có thể tha hồ chơi khăm, chế giễu các vị vua và hoàng hậu một cách công khai mà không sợ đầu một nơi, người một nẻo như các thần dân còn lại.

Tội khi quân không có trong từ điển của các chú hề; trái lại, họ còn được khuyến khích. Tất nhiên, "nạn nhân" không chỉ giới hạn ở người chủ, mà đôi khi là cả các quý tộc khác nếu họ thấy thích.

Điều khiến họ luôn được tha thứ là những trò đùa này không mấy khi có ác ý, mà thường là để chủ nhân nhận ra những khuyết điểm của họ hoặc đem lại tiếng cười vô hại trên bàn tiệc.

Một câu chuyện kinh điển là về vua James VI trị vì Scotland vào giữa thế kỷ 16 và anh hề George Buchanan. Vua James VI là một người vô cùng lười biếng, đến mức luôn ký tài liệu được các quan gửi trước cả khi đọc qua. Điều này trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong vương quốc.

Để "xử lý", George đến gặp James VI và lừa ông ký vào văn bản thoái vị để nhường ngôi cho anh ta trong 15 ngày. Từ đó, James VI không bao giờ dám bỏ sót một dòng tài liệu nào được gửi lên trình ký nữa. Nếu là bất cứ cận thần nào khác dám làm trò tày đình này, hẳn họ đã "đi chân lạnh toát" rồi.

Đặc quyền quý tộc

Nhờ thân cận với những nhân vật quyền quý, các anh hề cung đình được hưởng nhiều quyền lợi mà giới thường dân chỉ dám mơ đến. Đầu tiên phải kể đến một chỗ ở ổn định và tử tế bên trong các lâu đài hoặc biệt phủ. Cá biệt có các trường hợp như Roland ở trên còn được phong thưởng nhà cửa, đất đai riêng.

Một trường hợp khác là Archibald Armstrong, một chú hề hoàng gia ở thế kỷ 17. Ông này được ban cho 1000 mẫu Anh (4km2) ở Ireland, trước khi bị "cho về vườn" sau nhiều trò đùa quá trớn.


Tranh khắc vua Henry VIII, hoàng hậu Mary I và anh hề William Sommers.

Ngoài ra, những anh hề cung đình cũng rất được tôn trọng bởi tầng lớp cao chứ không phải bị xem là một người hầu thông thường. Trái với hình dung, họ cũng không mặc những bộ đồ hề kinh điển 24/7 mà trái lại, còn ăn vận như một quý tộc.

Với vai trò đặc biệt, họ cũng có quyền lợi hơn hẳn thường dân, thậm chí quan lại và lãnh chúa đó là tự do ngôn luận. Họ được phép nói lên ý kiến riêng về các vấn đề, chiếm trọn lòng tin của chủ nhân bằng những nhận xét chân thành về các quyết định cũng như hành động trong vương quốc và từ đó cho lời khuyên.

Một điểm đặc biệt nữa là quá trình "tuyển dụng" công việc này không phân sang hèn, xuất thân. Họ có thể là một tu sĩ bị vạ tuyệt thông hoặc những người hầu, nô lệ. Các chú hề thường có ngoại hình xấu xí bên cạnh một trí óc khôn ngoan và sắc sảo.

Mặc dù trí thông minh là một đặc điểm phổ biến, nhiều cung điện vẫn ưa thích các chú hề có khuyết tật về hình thể hoặc trí óc. Họ được gọi là "hề ngây thơ" và chỉ được cho ăn, ở mà không hề có bất cứ đặc quyền gì.

Công việc nguy hiểm nhất thời trung cổ

Không chỉ phục vụ trong 4 bức tường cung điện, đôi khi các anh hề cung đình còn tham gia chiến trận cùng chủ nhân do mối quan hệ mật thiết. Thỉnh thoảng, họ còn quân sư cho bề trên của mình.

Thậm chí, họ còn trực tiếp tham gia mặt trận tâm lý với vai trò nâng sĩ khí quân ta và hạ sĩ khí địch. Khi dàn trận, những "binh sĩ" đặc biệt này sẽ đứng trước hàng quân, buông ra những lời chế nhạo, khích tướng với phe địch. Việc này không chỉ tăng tinh thần chiến đấu cho quân sĩ mà còn khiến những kẻ hấp tấp bên phía đối diện hồ đồ phá đội hình mà lao lên tự sát.

Vào đêm trước ngày ra trận, họ cũng sẽ pha trò và biểu diễn các tiết mục giải trí như ca hát, kể chuyện, hay tung hứng để giúp binh lính thư giãn, bước ra chiến trường với tinh thần sung mãn nhất.

Tuy nhiên, họ không chỉ đối mặt với làn tên mũi đạn mà còn phải nhận 2 trọng trách vô cùng nặng nề: Sứ giả và người đưa tin.


Các chú hề cung đình thường rất đa tài.

Là sứ giả, tất nhiên nhiệm vụ sẽ là chuyển giao thư từ, yêu sách của chủ nhân cho phe đối địch. Trong trường hợp thông điệp trở nên quá khó nghe, vị sứ giả xấu số sẽ hứng đủ cơn thịnh nộ của kẻ thù. Cách xử tử sứ giả phổ biến là dùng máy bắn đá để "trả" về nơi xuất phát, đôi khi là nguyên người và trong vài trường hợp là chỉ có mỗi thủ cấp.


Các sứ giả xấu số thời trung cổ có thể bị cho "tập bay" bằng máy bắn đá.

Nhiệm vụ thứ hai cũng không kém phần quan trọng, dù có bớt nguy hiểm đi một chút. Những vị lãnh chúa thời phong kiến nổi tiếng là nóng tính và có thói quen trút giận lên kẻ đưa tin khi phải nhận tin dữ từ chiến trường. Trong tình hình đó, những vị cận thần khác sẽ giao gánh nặng này cho anh hề.

Để bảo toàn mạng sống và làm chủ nhân bớt căng thẳng, họ sẽ phải cố "nặn" ra một trò cười từ cái tin không hề vui vẻ đó.

Lịch sử kể lại, vào năm 1340, toàn bộ hạm đội hải quân Pháp bị hủy diệt bởi quân Anh tại trận Sluys. Không một ai dám báo tin này cho vua Philippe VI trừ anh hề của ông ta. Đến gặp chủ nhân, người này thưa rằng: "Bọn thủy thủ Anh còn không có gan để nhảy xuống nước như những người lính Pháp dũng cảm của chúng ta!".

Cập nhật: 16/08/2024 nhipsongviet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video