Nghĩa địa cổ bí ẩn chôn cất hơn 1.000 con chó

Nghĩa địa 2.500 năm ở thành phố cổ Ashkelon thu hút sự chú ý của giới khoa học vì chôn lượng lớn chó mà không có lý do rõ ràng.

Các nhà khảo cổ của Đoàn thám hiểm Leon Levi năm 1985 phát hiện hơn 1.000 bộ xương chó tồn tại từ thế kỷ 5 - 3 trước Công nguyên khi đang khai quật dưới một ngọn đồi ở thành phố cổ Ashkelon, Israel, gần bờ biển Địa Trung Hải.


Một con chó được chôn cất tại Ashkelon. (Ảnh: Leon Levy Expedition to Ashkelon).

Đây là phát hiện chưa từng thấy vì không nơi nào ở vùng Cận Đông cổ đại có nhiều mộ chó như vậy tập trung tại một địa điểm và không có lý do rõ ràng. Phát hiện này khiến nhiều học giả hứng thú và cố gắng tìm hiểu nguyên nhân đằng sau việc chôn cất lượng lớn chó ở Ashkelon.

Những con chó được chôn trong các hố nông, có vẻ không được đánh dấu, trong tư thế nằm nghiêng với đuôi đặt giữa hai chân sau. Nhiều ngôi mộ nằm bên dưới các đường phố và trong hẻm chật hẹp, đòi hỏi những hố nhỏ bao bọc sát cơ thể chó. Một số con có hai chân ép chặt vào nhau, giống như tư thế bị trói trước khi chôn. Đáng chú ý là không có đồ tùy táng và những con chó cũng không có hướng nằm đặc biệt.

Các bộ xương không có vết giết mổ rõ ràng và dấu hiệu bạo lực cũng rất ít. Phân tích địa tầng của khu mộ kết hợp với đánh giá độ tuổi và giới tính của những con chó tại thời điểm chết chỉ ra, chúng không cùng chết trong một thảm họa. Thay vào đó, chúng dường như đã chết và được chôn cất dần dần qua thời gian dài.

Nhà khảo cổ người Mỹ Lawrence Stager, người đứng đầu cuộc khai quật, cho rằng những con chó này thuộc về một giáo phái chữa bệnh của người Phoenicia, trong đó chúng được huấn luyện để liếm vết thương của con người và đổi lấy một khoản phí. Ông tin rằng chúng được thờ trong một ngôi đền ven biển gần khu mộ, người xưa coi chúng là sinh vật linh thiêng và chôn cất chu đáo khi chết. Tuy nhiên, các nhà khoa học không tìm thấy dấu vết nào của ngôi đền như vậy.

Chó, một số trường hợp là chó con, gắn liền với nhiều giáo phái và nghi thức khác nhau trong những nền văn hóa Cận Đông cổ đại. Người Ai Cập cổ đại liên kết chó (cùng một số con vật khác) với các vị thần như Dwamutef, Wepwawet, Khentimentiu, Anubis, và tôn thờ chúng trong những khu đền đặc biệt. Tại đế quốc cổ đại của Iran, Achaemenid, chó rất được sùng kính và những người theo tôn giáo Zoroastrianism coi chúng là sinh vật quan trọng thứ hai, sau con người. Ở Hy Lạp cổ đại, chó thường gắn liền với thần Asklepios.

Việc không có bằng chứng vật lý rõ ràng trên xương chó tại Ashkelon không giúp loại trừ khả năng chúng bị giết theo nghi thức. Ở vùng Cận Đông cổ đại, một số phương pháp giết như đầu độc và dìm chết sẽ không để lại dấu vết rõ ràng trên xương động vật. Tỷ lệ lớn chó con trong khu mộ ở Ashkelon có thể cho thấy chúng được ưa chuộng hơn. Tuy nhiên, một số học giả cho rằng tỷ lệ tử vong cao ở con non không hiếm trong bối cảnh chưa có phòng khám thú y.

Hai học giả P. Wapnish và B. Hesse, tác giả của một nghiên cứu năm 1993, không đồng ý với giả thuyết về tục sùng bái chó và nghĩa địa Ashkelon mang tính chất tôn giáo. Thay vào đó, họ cho rằng chúng là những con chó thành thị bán hoang dã và việc chôn cất tập trung tại một điểm chỉ là do phong tục địa phương. Theo họ, những ngôi mộ không có ý nghĩa gì đặc biệt và chó chỉ được chôn ở nơi còn chỗ, không phải là một nghĩa địa được chuẩn bị sẵn dành cho chó.

Cập nhật: 21/02/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video