Nghĩa địa của hàng nghìn thùng chất thải phóng xạ

Hàng nghìn thùng phuy đang phân hủy ở đáy biển ngoài khơi Los Angeles có thể chứa chất thải phóng xạ chứa tritium và carbon-14.

Các nhà nghiên cứu ở Đại học California, Santa Barbara, ban đầu cho rằng những thùng phuy chứa thuốc trừ sâu Dichlorodiphenyltrichloroethane nhưng phát hiện mới chỉ ra chúng có thể đựng chất thải phóng xạ, cụ thể là tritium và carbon-14, theo bài báo đăng hôm 21/2 trên tạp chí Environmental Science & Technology.


Thùng chứa chất thải đang han gỉ ở độ sâu 91 m dưới nước gần đảo Santa Catalina. (Ảnh: David Valentine / ROV Jason).

Trong nhiều thập kỷ, một nghĩa địa thùng phuy han gỉ nằm rải rác ở đáy biển ngoài khơi Los Angeles. Nghĩa địa này khuất tầm mắt và không trở thành bí mật ám ảnh cho tới khi một nhóm nhà nghiên cứu phát hiện khu vực bằng camera tiên tiến dưới nước. Nhiều suy đoán nổi lên về thứ nằm trong những thùng phuy bí ẩn đó. Lượng lớn thuốc trừ sâu DDT gần các thùng phuy hé lộ lịch sử ít biết của ô nhiễm chất độc đến từ nhà sản xuất DDT lớn nhất trong nước, nhưng gần đây nhà chức trách liên bang xác định công ty không liên quan đến số thùng phuy bởi chất thải của họ đổ thẳng ra biển, theo Los Angeles Times.

Hiện nay, các nhà khoa học kết luận thùng phuy có thể chứa chất thải phóng xạ nồng độ thấp. Tài liệu ghi chép cho thấy từ thập niên 1940 đến thập niên 1960, những bệnh viện, phòng thí nghiệm và nhiều cơ sở công nghiệp khác xả ra thùng phuy chứa tritium, carbon-14 và chất thải tương tự ở biển.

Nhóm nghiên cứu của David Valentine là những người đầu tiên phát hiện nghĩa địa thùng phuy và nêu lên lo ngại về thành phần bên trong. Trong nghiên cứu công bố tuần này, Valentine phát hiện mật độ cao thuốc trừ sâu DDT trải khắp vùng đáy biển lớn hơn thành phố San Francisco.

Nhóm của Valentine thu thập hàng trăm mẫu vật trầm tích trong nỗ lực quy mô lớn nhằm lập bản đồ hoạt động đổ thuốc trừ sâu, phân tích hóa chất có thể di chuyển trong nước như thế nào và liệu nó có phân hủy hay không. Sau nhiều chuyến ra biển, họ vẫn chưa tìm thấy ranh giới của bãi đổ hóa chất, nhưng kết luận phần lớn thuốc DDT ở biển sâu vẫn ở dạng mạnh nhất.

Phân tích kỹ hơn sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị carbon chỉ ra việc đổ DDT đạt đỉnh vào thập niên 1950 khi công ty hóa chất Montrose Chemical Corp ở California vẫn hoạt động gần Torrance, trong thời kỳ thịnh hành của thuốc trừ sâu và trước khi có quy định chính thức về đổ chất thải ra biển.

Jacob Schmidt, trưởng nhóm nghiên cứu làm việc ở phòng thí nghiệm của Valentine, sàng lọc hàng trăm trang tài liệu cũ và tìm ra bằng chứng hé lộ California Salvage, công ty được giao đổ DDT ra vùng biển ngoài khơi Los Angeles, cũng đổ chất thải phóng xạ nồng độ thấp ở biển. Công ty đã ngừng hoạt động này nhận được giấy phép vào năm 1959 để đổ chất thải phóng xạ đựng trong thùng phuy cách bờ khoảng 240km. Dù tư liệu của Ủy ban năng lượng nguyên tử Mỹ cho thấy giấy phép chưa bao giờ có hiệu lực, California Salvage vẫn quảng cáo dịch vụ xả chất thải hạt nhân của họ và từng nhận chất thải vào thập niên 1960 từ một cơ sở đồng vị phóng xạ tại Burbank, cũng như thùng chứa carbon-14 từ bệnh viện trong vùng.

Theo Ken Buesseler, nhà hóa học phóng xạ biển không tham gia nghiên cứu, một số đồng vị phóng xạ đổ ra biển thời đó như tritium có thể phân rã phần lớn trong 80 năm qua. Nhưng có nhiều câu hỏi về các đồng vị khác có khả năng nguy hiểm hơn. Ông đề cập tới một bản đồ cũ của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế cho biết từ năm 1976 đến năm 1970, hơn 56.000 thùng chứa chất thải hạt nhân đổ xuống Thái Bình Dương ở lãnh thổ của Mỹ.

Cập nhật: 24/02/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video