Nghiên cứu tác động của phóng xạ tới loài chim vùng Chernobyl

Các nhà nghiên cứu phát hiện đối với những loài chim hót ở Chernobyl, nồng độ phóng xạ dường như không tác động tới vi khuẩn trong ruột.

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Jyväskylä, Phần Lan, tìm hiểu hai loài chim biết hót ở Chernobyl là bạc má lớn (Parus major)đớp ruồi đen mày trắng (Ficedula hypoleuca). "Giả thuyết của chúng tôi là sự đa dạng sinh thái ở những khu vực ô nhiễm có thể bị ảnh hưởng, dẫn tới thay đổi trong hoạt động sinh sản, chế độ ăn và hệ vi khuẩn đường ruột của chim", Interesting Engineering hôm 3/7 dẫn lời Sameli Piirt, thành viên nhóm nghiên cứu. Piirt và cộng sự muốn làm sáng tỏ ảnh hưởng lâu dài của sự cố hạt nhân tới động vật hoang dã.


Chim đớp ruồi đen mày trắng là một trong hai loài chim được nhóm nghiên cứu chọn để phân tích. (Ảnh: Wikipedia)

Thông qua đặt các hộp làm tổ ở khu vực có mức độ ô nhiễm cao và thấp trong vùng cấm Chernobyl, các nhà nghiên cứu theo dõi hành vi của chim biết hót và thu thập mẫu vật phân để tìm thông tin về chế độ ăn và ruột của chúng. Chim biết hót làm tổ ở cả hai khu vực, chứng tỏ nồng độ phóng xạ dường như không tác động tới quyết định chọn nơi làm tổ của chúng. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu không phát hiện thay đổi lớn nào ở cả hai loài xét theo sinh thái học sinh sản hoặc tình trạng tổ. Đặc biệt, những con chim có thể tiếp cận côn trùng đa dạng hơn ở khu vực ô nhiễm.

Đối với sức khỏe đường ruột của chim biết hót, nồng độ phóng xạ dường như không tác động tới vi khuẩn trong ruột. Tuy nhiên, phóng xạ dường như thay đổi thành phần tương đối của hệ vi sinh vật. Nhóm chuyên gia sẽ cần nghiên cứu sâu hơn để tìm hiểu thay đổi về chế độ ăn và hệ vi sinh vật đường ruột có ảnh hưởng tới sức khỏe của con chim hay không.

Khác biệt dường như rất nhỏ, nhưng nghiên cứu khác chỉ ra phóng xạ đang ảnh hưởng tới chim ở vùng cấm Chernobyl theo cách sâu sắc hơn. Phân tích năm 2011 trên 550 con chim thuộc 48 loài sống gần Chernobyl cho thấy chúng có đầu vào não nhỏ hơn do phóng xạ nồng độ thấp kìm hãm sự phát triển của chúng, thậm chí có thể tác động tới khả năng nhận thức. Kết quả nghiên cứu mới được trình bày tại hội thảo hàng năm của Hiệp hội sinh vật học thực nghiệm diễn ra đầu tuần này tại Prague.

Cách đây gần 40 năm, vào ngày 26/4/1986, vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Ukraine, đánh dấu một thảm kịch khủng khiếp trong lịch sử nhân loại. Những đám mây độc hại lan rộng khiến khoảng 8,4 triệu người phơi nhiễm với phóng xạ hạt nhân. Hơn 250.000 người mắc bệnh ung thư và khoảng 100.000 trường hợp tử vong.

Liên Xô thiết lập "Vùng cấm Chernobyl" rộng 2.700km2 xung quanh nhà máy, dựng hàng rào với bán kính khoảng 30km và cấm người dân tiếp cận do ô nhiễm. Ngoài những tổn thương mà con người phải gánh chịu đến nay, thảm họa Chernobyl còn tàn phá cảnh quan khi gây thiệt hại lớn cho các sinh vật và cơ sở hạ tầng.

Cập nhật: 08/07/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video