Người dân Bắc Trung Bộ chằng chống nhà, neo tàu đón bão

Hàng nghìn tàu thuyền đã neo đậu, nhiều người đang tời cát từ bao tải lên mái nhà trước lúc bão đổ bộ.

Sáng 18/7, Nghệ An mưa trút xuống từng đợt. Tại biển Cửa Lò, sóng biển lớn, nước đục, một vài tốp vẫn ra bãi biển bắt còng. Bờ biển Cửa Hội, nơi tập trung nhiều dãy kiốt phục vụ ăn uống, vắng bóng khách du lịch. Các chủ kiốt đang hối hả thu dọn đồ đạc, biển hiệu chuyển vào sâu trong đất liền.

Một số chủ kiốt cùng với công nhân gom cát vào bao tải đưa lên mái nhà, ngăn gió thổi bay. "Chúng tôi cập nhật liên tục diễn biến của bão Sơn Tinh và nắm được sẽ đổ bộ vào Nghệ An và Hà Tĩnh nên chủ động chằng chống nhà. Dù dự báo bão không lớn, phương châm vẫn là cẩn thận chừng nào tốt chừng ấy, không nên chủ quan", anh Hậu - chủ một kiốt nói.


Người dân đưa cát lên mái nhà đề phòng gió lốc. (Ảnh: Nguyễn Hải).

Ông Võ Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho hay, từ chiều 17/7 chính quyền thị xã bắt đầu phát loa tuyên truyền người dân hạn chế tắm biển. Đến 8h sáng nay, thị xã cắm biển báo cấm tuyệt đối không cho khách xuống tắm, các tàu cũng không được ra khơi.

"Hơn 300 kiốt dọc bờ biển được thông báo đến 13h chiều phải ngưng tất cả hoạt động kinh doanh, đóng cửa và không được để người ở lại", ông Hùng cho hay. Hiện gần 300 thuyền cùng 1.600 lao động của thị xã đã vào nơi neo đậu.


Biển Cửa Lò lúc 10h sáng 18/7. (Ảnh: Nguyễn Hải).

Dịp hè, vào cuối tuần mỗi ngày Cửa Lò đón khoảng 20.000 khách, giữa tuần khách vắng hơn. Hầu hết khách đang lưu trú tại đây vẫn giữ phòng.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Nghệ An đã kêu gọi được 100% tàu thuyền với hơn 18.000 lao động về nơi neo đậu.

11h trưa nay, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường có công điện khẩn về ứng phó với cơn bão Sơn Tinh, yêu cầu các sở, ngành tập trung kêu gọi tàu thuyền trú ẩn an toàn, sơ tán dân ở các vùng ven biển, nơi có nguy cơ sạt lở đất, không để người ở lại trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ...

Đầu giờ chiều nay, ngư dân TP Sầm Sơn, Thanh Hoá đã hoàn tất việc di chuyển thuyền bè, ngư lưới cụ vào bờ tránh bão Sơn Tinh. "Nghe tin có bão, suốt đêm qua và rạng sáng nay, bà con đã nghỉ ra khơi, cùng nhau đưa thuyền bè vào bờ", ông Nguyễn Văn Thanh (Sầm Sơn) nói.

Dọc hai bên vỉa hè tuyến đường ven biển Hồ Xuân Hương - con đường lớn nhất TP Sầm Sơn, thuyền bè đậu chật kín. Một đoạn lòng đường khu vực gần chân Đền Độc Cước đã được chính quyền trưng dụng làm nơi cho thuyền bè neo đậu. Ôtô và các phương tiện cơ giới lớn không được đi qua đây.

Trên bờ biển Sầm Sơn, du khách được nhà chức trách khuyến cáo không tắm biển, song rải rác vẫn có vài nhóm thanh niên ra nô đùa, nghịch sóng. Các nhà hàng dọc ven biển vẫn mở cửa bán đồ ăn uống cho du khách.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hoá, 100% tàu thuyền của tỉnh với hơn 7.400 phương tiện, gần 27.600 lao động đã được kêu gọi vào nơi trú ẩn an toàn.

Nhà chức trách Thanh Hóa cho hay, mưa lớn trên diện rộng 5 ngày qua đã khiến gần 6.100 ha lúa bị ngập, tập trung ở các huyện Nông Cống, Tĩnh Gia, Đông Sơn, Triệu Sơn, Hoằng Hóa; gần 900 ha hoa màu, hơn 100 ha nuôi trồng thủy sản tại huyện Tĩnh Gia và TP Sầm Sơn ngập nặng.


Một phần tuyến đường Hồ Xuân Hương được trưng dụng làm nơi neo đậu thuyền bè. (Ảnh: Lê Hoàng).

Nhận định bão Sơn Tinh có cường độ mạnh, di chuyển nhanh, khó lường, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã phát công điện khẩn yêu cầu các địa phương, ban ngành hoãn tất cả các cuộc họp, tập trung triển khai ứng phó bão.

Tại Hà Tĩnh, ba ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn, một số huyện trên địa bàn bị ngập úng. Tại huyện Vũ Quang, mưa lớn khiến 384 ha cây trồng vụ hè thu bị ngập, trong đó có 126 ha lúa, 113 ha ngô và 145 ha đậu.

Tại huyện Đức Thọ, nước sông Ngàn Sâu dâng cao khiến việc đi lại khó khăn, một số nhà dân bị cô lập. Ngày hôm qua, trong lúc đi thả lưới bắt cá giữa mưa, do nước dâng cao, ông Nguyễn Thành (56 tuổi, trú huyện Hương Sơn) đã bị chết đuối.


Tàu thuyền neo đậu an toàn tại cảng cá Cửa Sót trưa 18/7. (Ảnh: Đức Hùng).

Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh có 850 tàu cá đang neo đậu tại cảng Xuân Hội (Nghi Xuân), Cửa Sót (Lộc Hà) và Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên).

"Chúng tôi hướng dẫn bà con thực hiện theo chỉ đạo của Tổng cục thủy sản về sơ tán tàu thuyền trong mưa bão. Hiện công tác này đã hoàn tất", ông Sơn nói.

Cập nhật: 18/07/2018 Theo VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video