Người dân một số vùng đang sống cùng phóng xạ

Một số vùng ở miền núi phía Bắc và tỉnh Quảng Nam mới đây được phát hiện là có độ phóng xạ cao, thuộc diện "không an toàn". Phóng viên VNE đã trao đổi với ông Trần Bình Trọng, phó phòng kỹ thuật của Liên đoàn Địa chất Xạ hiếm Việt Nam về vấn đề này.

- Hiện nay, người dân ở những khu vực nào đang sống trong vùng có độ phóng xạ cao, thưa ông?

- Dự án "đánh giá môi trường phóng xạ" được chúng tôi thực hiện từ năm 2000 - 2002 đã phát hiện 5 điểm dân cư có độ phóng xạ cao, như ở xã Tiên An, Tiên Phước - Quảng Nam (thuộc dạng nhiễm xạ tự nhiên), hay ở Nậm Xe - Lai Châu, Bình Đường - Cao Bằng (thuộc dạng các vùng đất hiếm) ...

Trong dự án thứ hai được tiến hành ngay sau đó (dự kiến hoàn thành cuối tháng 8/2006), chúng tôi tiếp tục đánh giá môi trường phóng xạ tại 7 điểm là: Đông Ba (Lai Châu), Thèn Sin, Mường Hum (Bát Sát, Lào Cai), Yên Phú (Yên Bái), Thanh Sơn (Phú Thọ), An Điềm, Ngọc Kinh (Quảng Nam).

Nói chung, khu vực chịu ảnh hưởng của độ phóng xạ cao tập trung ở miền núi phía Bắc và tỉnh Quảng Nam.

- Vùng như thế nào được khoanh vùng là "không an toàn" cho các điểm dân cư?

- Hiện nay, ở nước ta các mỏ phóng xạ và mỏ chứa phóng xạ chủ yếu là Uran và Thori. Các mỏ này có hàm lượng không cao nhưng cường độ phóng xạ lớn. Những điểm lân cận chúng có độ tích tụ năng lượng bức xạ trong một năm thường là 2-4 mSv, trong khi tiêu chuẩn môi trường Việt Nam cho phép chỉ là 1 mSv. Ở những khu vực trung tâm mỏ phóng xạ, các thân quặng phóng xạ có suất liều hiệu dụng từ 10 tới 30 mSv/năm đã được khoanh định vào diện tích không an toàn phóng xạ đối với nhân dân và kiến nghị chính quyền địa phương có phương án bảo vệ.

Đối với những vùng xấp xỉ ngưỡng an toàn, mà độ tích tụ năng lượng bức xạ nằm trong khoảng 0,75-1mSv, chúng tôi cũng khoanh lại và thiết lập thành vùng kiểm soát để điều tra lặp lại hằng năm.

- Mức tiếp xúc hiện tại của dân cư ở các khu vực này có ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ và đời sống của họ?

- Thực ra, nhiệm vụ chính của chúng tôi là khảo sát rồi khoanh những vùng có độ phóng xạ cao, còn mức độ ảnh hưởng hiện tại cụ thể như thế nào thì chúng tôi cũng chưa biết chính xác. Nhưng rõ ràng ở những vùng đó, tỷ lệ mắc các bệnh về phổi, tiêu hoá... cao hơn bình thường. Ví dụ như ở Tiên An (Tiên Phước, Quảng Nam) người dân sử dụng nguồn nước tại chỗ như nước giếng chứa quặng graphite lẫn uranium để làm nước uống, nên thường hay mắc bệnh dạ dày và bệnh phổi.

Thực tế, những vùng nằm trong khu vực có độ phóng xạ cao chịu tác hại rất lớn. Chất phóng xạ thường phát tán ở các dạng như bụi lửng lơ, hoà tan trong nước, tồn tại trong đất, hấp thụ trong các loại cây lương thực, hoặc các tia bức xạ tự nhiên (tia gamma). Các chất này phân rã thành các tia nguyên tử, xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hoá, gây biến đổi mô tế bào, dẫn tới ung thư, gây đột biến gene, quái thai hoặc dị tật cho con cái của người bị chiếu xạ. Nếu bị chiếu ngoài (tia phóng xạ từ bên ngoài môi trường chiếu vào cơ thể) có thể gây máu trắng

Điều đáng quan tâm là tuy biết tác hại lớn như vậy nhưng việc di dời, cách ly dân khỏi các vùng này rất khó. Bởi những căn bệnh do các chất phóng xạ gây ra thường ảnh hưởng về lâu dài, không thấy ngay được, mà tâm lý đồng bào dân tộc vẫn cho rằng họ sống từ trước đến giờ không sao cả, nên chẳng có vấn đề gì.

- Cần làm gì để hạn chế những ảnh hưởng xấu của phóng xạ đến người dân?

- Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải tuyên truyền rộng rãi về an toàn bức xạ cho nhân dân đang sống lân cận các tụ khoáng phóng xạ. Họ có hiểu thì mới tự nguyện áp dụng các hình thức bảo đảm an toàn được.  

Chúng tôi cũng đã đề nghị các địa phương nơi có dân cư nằm trong vùng có độ phóng xạ cao tổ chức kiểm tra sức khoẻ cộng đồng, chữa bệnh cho bà con. Việc này sẽ xác định cụ thể hơn mức độ ảnh hưởng của các chất phóng xạ đến người dân, đồng thời để họ có ý thức hơn trong việc tự bảo vệ mình.

Bên cạnh đó, chúng tôi khuyến cáo người dân không được làm nhà và sử dụng nguồn nước gần các mỏ phóng xạ và chứa phóng xạ; đồng thời chỉ ra những nguồn nước thay thế cho họ. Đặc biệt, cấm bà con trồng cây, chăn nuôi ở các vùng có độ phóng xạ cao. Có một số loại cây như khoai sọ, sắn, lạc, khoai lang... hấp thụ các hạt nhân phóng xạ rất cao, người dân ăn vào thì vô cùng nguy hiểm.

Minh Thuỳ

Theo Vnexpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video