Các chuyên gia dự báo, tỷ lệ 1% người lớn tuổi trên thế giới mắc bệnh động kinh hiện nay sẽ ngày càng tăng lên, vì dân số ngày càng già đi. Đây là một bệnh lý của não, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, có bệnh cảnh rất phức tạp và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bệnh động kinh tuy không làm nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nhiều bệnh nhân gặp biến chứng và tai nạn khi cơn động kinh bộc phát như: cắn phải lưỡi, viêm phổi do hít phải dãi hay chất nôn ói, gãy xương do chấn thương (thường gặp ở xương cổ), tổn thương não do cơn kéo dài làm não thiếu oxy; ngừng thở do tắc nghẽn đường thở...
Nghe nói chuyện chuyên đề về sức khỏe tại nhà văn hóa phụ nữ TP HCM. (Ảnh: M.L) |
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh động kinh ở người lớn tuổi. Thống kê cho thấy, bệnh mạch máu não là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh động kinh (chiếm đến 44% trong tổng số các trường hợp), kế đến là do u não, chấn thương đầu, có khoảng 10% các cơn động kinh ở người lớn tuổi là do nghiện rượu và thuốc lá.
Biểu hiện dễ thấy nhất của bệnh động kinh là: co cứng và co giật toàn thân - nhưng chỉ có khoảng 30% bệnh nhân có biểu hiện này - và nhiều triệu chứng rất khó nhận biết như: mất ý thức thoáng qua, cảm nhận bất thường về mùi vị, bị ảo giác, thay đổi về nhận thức, thậm chí có một số dấu hiệu tâm thần. Biểu hiện của các cơn động kinh thường do các triệu chứng xa (do các bệnh kéo dài) hoặc do các triệu chứng cấp thời (do chấn thương đầu). Cũng có một số trường hợp có thể lên cơn động kinh bởi các triệu chứng xa và những triệu chứng cấp thời.
Người lớn tuổi bị động kinh thường có những bệnh lý khác kèm theo như bệnh thoái hóa về thần kinh, giảm sút trí nhớ, các bệnh mạch máu não, ung thư... Do đó, tỷ lệ tử vong vì bệnh động kinh ở người lớn tuổi khá cao. Cho đến nay, uống thuốc chống động kinh vẫn là phương thức điều trị chính. Tuy nhiên, các thuốc chống động kinh cũng ảnh hưởng đến chức năng nhận thức và có thể gây ra một số biến chứng ở người lớn tuổi. Vì bệnh nhân lớn tuổi thường mắc nhiều bệnh nên uống nhiều loại thuốc khác nhau, do đó dễ có tình trạng tương tác giữa các thuốc. Việc dùng thuốc nhất thiết phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Đối với người lớn tuổi, các cơn động kinh thường gây ra chấn thương cơ thể, làm mất sự tự tin và làm giảm sự độc lập của bệnh nhân. Do đó, họ phải được nhập viện hay săn sóc ở những trung tâm đặc biệt. Cũng như các bệnh khác, bệnh động kinh nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, khả năng khỏi bệnh hoàn toàn là rất cao. "Vì căn bệnh này có nhiều biểu hiện khó nhận biết nên nhiều bệnh nhân bị động kinh rất lâu nhưng không được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng", bác sĩ Lê Văn Tuấn, giảng viên bộ môn thần kinh Trường Đại học y dược TP HCM cho biết.
Bệnh Viện Đại Học Y Dược TP HCM sẽ phối hợp với công ty Sanofi Aventis tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về “Động kinh ở người lớn tuổi” vào lúc 9h ngày 22/4 tại Đại học Y Dược. Mọi người có thể liên hệ điện thoại số: 08-8224889 để đăng ký tham dự.
Võ An