Kết quả nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Australia cho thấy những kim cương trên thế giới được hình thành từ các chất hữu cơ ở sâu dưới đáy biển cổ đại.
Nhóm nhà khoa học do giáo sư Lynton Jaques, Đại học Quốc gia Australia vừa công bố công trình nghiên cứu này trên tờ báo khoa học nổi tiếng Geology (Australia).
“Kết quả nghiên cứu này đã thực sự kết thúc cuộc tranh cãi lâu nay về việc kim cương hình thành như thế nào”, ông Jaques cho biết.
Nguồn gốc các viên kim cương đẹp nhất thế giới vừa được hé lộ. (Ảnh: Mining)
Theo nhà khoa học này, họ đã tiến hành nghiên cứu các mẫu kim cương đẹp nhất từ khắp miền Tây Australia, Botswana và Venezuela… Kết quả là họ nhận thấy các mẫu kể trên có cấu tạo và thành phần hoá học của giống nhau một cách đáng ngạc nhiên. Sở dĩ có điều này là do chúng đều được hình thành từ trong lòng Trái đất.
“Kim cương vốn bắt nguồn từ những chất hữu cơ nằm dưới đáy biển cổ đại. Sau đó dưới tác động của sự hút chìm, các chất này được đưa vào sâu trong lớp vỏ Trái đất để rồi hình thành nên những viên kim cương tuyệt đẹp. Những kết quả nghiên cứu vừa qua của chúng tôi đã chứng minh điều này. Đó cũng là cách duy nhất giải thích tại sao cấu tạo và thành phần hoá học của kim cương lại hoàn toàn khác so với tất cả những vật chất khác trên bề mặt Trái đất”, ông Jaques lý giải.
Được biết, sự hút chìm là quá trình hai hay nhiều mảng lục địa Trái đất bị hút vào nhau. Tiếp đó một mảng chuyển động xuống dưới mảng khác rồi chìm vào trong lòng Trái đất (quyển manti-độ sâu khoảng 400 đến 650km so với mặt đất).
Sau khi kim cương được hình thành tại đây, chúng sẽ được đưa lên mặt đất nhờ quá trình vận động địa chất mà cụ thể hơn là việc núi lửa hoạt động. Đó chính nguyên nhân những viên kim cương đẹp nhất thường được tìm thấy ở những miệng núi lửa đã tắt, sâu trong lòng Trái đất.