Đọc về lịch sử, chúng ta hay gặp các từ viết tắt "B.C." và "A.D." hay "TCN" và "CN" để nói về mốc thời gian. Vậy chính xác thì những từ này xuất phát từ đâu và mang ý nghĩa gì?
Đây là những thuật ngữ đánh dấu thời gian trước và sau khi Chúa Giê-su ra đời. Đôi khi chúng còn được viết là "C.E" và "B.C.E".
A.D là gì?
Chiếc đồng hồ thiên văn ở nhà thờ Mesina, Sicily, Italy (Ảnh: Eye Ubiquitous/ Getty Images).
"A.D." là viết tắt của "anno domini", trong tiếng La-tinh có nghĩa là "vào năm của Chúa trời", ám chỉ cụ thể thời điểm Chúa Giê-su được sinh ra. Còn "B.C." là viết tắt của "before Christ".
Trong các văn bản nói về lịch sử, hệ thống đánh dấu năm dựa trên một quan niệm dân gian về thời điểm Chúa Giê-su ra đời. Khi viết "A.D." có nghĩa là những năm sau ngày sinh của Chúa và "B.C." ám chỉ những năm trước ngày đó.
Trong những năm gần đây đã xuất hiện một cách viết thay thế cho B.C và A.D. Nhiều tài liệu sử dụng chữ viết tắt "C.E." (Common Era, nghĩa là Công nguyên) và "B.C.E" (before Common Era) để tránh sắc thái tôn giáo.
Trong tiếng Việt, hai từ này thường được viết tắt là "TCN" và "CN".
Trước khi nói về lý do và sự ra đời của hệ thống viết tắt này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số bối cảnh lịch sử.
Công đồng Đại kết Đầu tiên có mục đích chuẩn hóa thời điểm kỷ niệm lễ Phục sinh, từ đó dẫn đến sự ra đời của hệ thống chỉ định thời gian A.D. (Ảnh: Getty Images).
"A.D." được phát minh khi nào?
Vào đầu Thời kỳ Trung Cổ châu Âu, phép tính quan trọng nhất và là một trong những động lực chính để tiến hành nghiên cứu toán học chính là thời điểm nào để tổ chức lễ Phục sinh.
Vào năm 325 Công nguyên, Công đồng Đại kết Đầu tiên đã quyết định rằng lễ Phục sinh sẽ rơi vào ngày Chủ nhật sau lần trăng tròn đầu tiên sau Tiết xuân phân. "Computus" trong tiếng La-tinh có nghĩa là "tính toán", là quy trình để tính ra ngày quan trọng nhất này và được ghi trong các tài liệu là "bảng Phục sinh".
Vào năm 525 Công nguyên, một trong những bảng Phục sinh đó được một tu sỹ tên là Dionysius Exiguus xứ Scythia Minor ghi thêm phần đếm số năm kể từ ngày Chúa giáng sinh và đưa ra hệ thống A.D.
Tu sỹ Dionysius không ghi rõ ông xác định ngày sinh của Chúa Giê-su như thế nào, nhưng có lẽ ông đã dùng các văn bản còn sót lại từ những người theo đạo Cơ đốc thời kỳ đầu, ví dụ như văn bản của Clement xứ Alexandira hay Eusebius xứ Caesarea, để tính ra ngày sinh của Chúa.
Tu sỹ Dionysius lấy năm 1 Công nguyên là năm sinh của Chúa, nhưng có lẽ ông đã tính nhầm vài năm, vì theo những ước tính hiện đại thì Chúa Giê-su sinh vào khoảng giữa năm 4 trước Công nguyên và năm 6 Công nguyên.
Hệ thống đánh dấu thời gian nào được sử dụng trước khi có "A.D."?
Dionysius đã nghĩ ra hệ thống này để thay thế hệ thống Diocletian được đặt theo tên của Hoàng đế La Mã (trị vì từ năm 284 CN đến năm 305 CN). Vị tu sỹ tạo ra sự thay đổi đó để tránh nhớ đến Hoàng đế Diocletian, người đã ban hành những thay đổi dẫn đến việc giết hại hoặc bỏ tù nhiều Cơ đốc nhân và đốt nhà thờ và kinh thánh của họ.
Hai thế kỷ sau khi Dionysius nghĩ ra cách viết "A.D.", "B.C." mới được thêm vào hệ thống này.
Vào năm 731, Bê-da Khả kính ở Vương quốc Northumbria đã xuất bản cuốn sách của ông có tên "Lịch sử Giáo hội của người Anh", trong đó mở rộng hệ thống đánh dấu năm, bao gồm cả những năm trước năm 1 CN.
Những năm trước năm 1 được đánh số đếm ngược khi nhắc đến những sự kiện xảy ra trước Công nguyên hay "before Christ" và viết tắt là "B.C.", tiếng Việt thường viết là "TCN".
Bê-da Khả kính là người đầu tiên sử dụng "B.C." để đếm năm trước năm sinh của Chúa Giê-su (Ảnh: Getty Images).
Vì sao không có năm 0?
Trong hệ thống cập nhật của Thánh Bê-da không có năm 0 vì khái niệm "số không" không có ở Tây Âu. Giáo sư Charles Seife - Giám đốc Viện Báo chí Arthur L. Carter, Trường đại học New York, Mỹ - cho biết: "Thánh Bê-da không biết đến số 0 và với Người, năm trước của năm 1 CN là năm 1 TCN. Không có năm 0. Với Người, số 0 không tồn tại."
Tuy nhiên, ở những nơi khác số 0 có tồn tại. Khái niệm số 0 lần đầu tiên xuất hiện trên tài liệu xuất bản năm 628 CN của học giả Ấn Độ tên là Brahmagupta, mặc dù các nền văn hóa sớm hơn cũng có các khái niệm về số 0, trong đó có nền văn hóa Babylon và văn hóa Maya.
Mãi đến thế kỷ XI cho đến XIII, khái niệm này mới trở nên phổ biến trong Cơ đốc giáo châu Âu thời Trung Cổ.
Khi nào thì A.D. và B.C. trở nên phổ biến?
Hệ thống A.D. / B.C. được sử dụng nhiều hơn từ thế kỷ IX, sau khi Hoàng đế La Mã Thần thánh Charlemagne cho sử dụng để tính thời điểm các hoạt động của nhà nước ở khắp châu Âu.
Vào thế kỷ XV, toàn bộ Tây Âu đã dùng hệ thống A.D./ B.C. Lịch Gregorian ra đời vào thế kỷ XVI đã sử dụng luôn hệ thống này và từ năm 1998, khi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành ISO 8601 mô tả cách thể hiện ngày giờ, thì hệ thống này đã trở thành một tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận.
Hoàng đế La Mã Thần thánh Charlemagne ban hành sử dụng hệ thống A.D. / B.C. vào thế kỷ IX (Ảnh: Getty Images).
B.C. và B.C.E. khác nhau như thế nào?
Một số tổ chức và cá nhân chuyển sang sử dụng các thuật ngữ "B.C.E" (Before Common Era) và C.E. (Common Era) thay cho B.C. và A.D. với lý do để tránh sự nhạy cảm đối với những người không theo Cơ đốc giáo và vì B.C., A.D. không chính xác theo thời điểm Chúa Giê-su ra đời.
Các thuật ngữ C.E. và B.C.E. xuất hiện từ năm 1795 trong một cuốn sách về thiên văn học và được sử dụng luân phiên tương đương với thuật ngữ "Vulgar Era". Vào thời gian đó, "vulgar" có nghĩa là "bình thường" chứ không phải là "thô tục".
Thuật ngữ "Vulgar Era" thậm chí còn được sử dụng trước đó, trong cuốn sách của nhà thiên văn học nổi tiếng Johannes Kepler, sống vào thời Đế quốc La Mã Thần thánh.