Ở Everest hay bất cứ đỉnh núi cao nào trên thế giới, đạt độ cao trên 8.000m là lúc nhà leo núi chạm đến "Ngưỡng Chết - Death Zone", nơi họ có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào.
11:30 sáng ngày 29/5/1953 là khoảnh khắc không thể nào quên trong lịch sử thế giới khi hai nhà leo núi Edmund Hillary (1919 - 2008, người New Zealand) và Tenzing Norgay (1914 - 1986, người Nepal) lần đầu tiên chạm chân thành công lên đỉnh núi cao nhất hành tinh: Đỉnh Everest.
Sau nhiều năm ấp ủ giấc mơ chinh phục đỉnh Everest cao 8.848m và sau chuỗi ngày dài 7 tuần ăn-ngủ-sống sót giữa vùng núi tuyết Himalayas lạnh giá đến kiệt cùng sức lực, hai con người hai quốc tịch khác nhau ấy đã cùng nhau ghi tên mình vào kỷ lục (những) người đầu tiên trên thế giới chinh phục Everest thành công và trở về an toàn.
Mang trên vai balo nặng 30kg, luôn phải hít thở bầu không khí cực kỳ loãng và lạnh thấu xương đến -19 độ C, cả Edmund Hillary và Tenzing Norgay đều dành cho mình 15 phút cuộc đời đầy huy hoàng khi đứng ở vị trí "nóc nhà của thế giới" mà phóng tầm mắt nhìn ra tứ phía, mà cảm nhận sự thành công có giá bằng cả tính mạng để cảm thấm rằng: Tự nhiên dù khó đến mấy thì con người nhỏ bé vẫn có thể khuất phục.
Kỷ vật mà họ để lại trên đỉnh Everest như một lời tri ân là thanh chocolate và cây thánh giá, những biểu tượng của niềm tin và sự sống, để mong rằng, rồi sẽ có những con người quả cảm khác viết tiếp thành công của họ trên đỉnh núi quanh năm tuyết phủ trắng xóa.
Hai nhà leo núi Edmund Hillary (trái) và Tenzing Norgay.
Tròn 65 năm kể từ ngày lịch sử vinh danh hai nhà leo núi đầy quả cảm ấy vào sử sách, Everest đã chứng kiến rất nhiều thế hệ các nhà leo núi, các nhà thám hiểm đến từ khắp nơi trên thế giới mang trong mình nhiệt huyết tưởng chừng không thể bị tuyết lạnh vùng biên giới Nepal và Tây Tạng dập tắt để thử thách bản thân ở giới hạn cao nhất và để một lần trong đời ghi tên mình vào sử sách.
Người ta không thể thống kê chính xác có bao nhiêu nhà leo núi đã thám hiểm Everest và bao nhiêu người đã bỏ mạng trên hành trình tận cùng khắc nghiệt ấy, chỉ biết rằng, tính đến năm 2016, trong tổng số 4.000 nhà leo núi chạm đến đỉnh Everest thành công thì có 280 người vĩnh viễn gửi thân mình trong tuyết lạnh vùng Himalayas...
Tạm gác câu chuyện lần đầu tiên chinh phục Everest thành công của Edmund Hillary và Tenzing Norgay, hãy cùng cảm nhận sự khắc nghiệt của thời tiết, của địa hình và những nguy hiểm khiến ranh giới giữa sự sống - cái chết không còn tồn tại của 5 nhà leo núi Everest vĩ đại nhất trong lịch sử qua những câu chuyện chưa kể của họ.
EVEREST: Bí mật của 5 huyền thoại leo núi vĩ đại nhất lịch sử
Nhắc đến Reinhold Messner (sinh ngày 17/9/1944), huyền thoại leo núi người Ý, người ta nhớ đến một nhà chinh phục núi tài ba bậc nhất trong lịch sử thế giới với bảng thành tích hiếm người phá: Ông là người đầu tiên trên thế giới đặt chân lên tất cả 14 ngọn núi cao trên 8.000m của Trái Đất. Tất cả 14 đỉnh núi này đều thuộc 2 dãy núi Himalayas và Karakoram ở châu Á.
Điều phi thường là, khi Reinhold Messner chinh phục 14 đỉnh núi này, ông không cần đến sự trợ giúp của bình dưỡng khí! Đối với giới khoa học và những tay leo núi nghiệp dư, chạm đến "Ngưỡng Chết" (cao trên 8.000m) mà không cần bình oxy là cầm chắc cái chết trong tay.
"Ngưỡng Chết - Death Zone" là khu vực được giới leo núi chuyên nghiệp thế giới sử dụng khi một nhà leo núi chạm đến độ cao trên 8.000m so với mực nước biển. Tại vị trí này, oxy là thứ trở nên xa xỉ và đắt đỏ nhất đối với lá phổi của con người.
Một nhà leo núi nghiệp dư khi chạm đến độ cao này có thể bất tỉnh hoặc tử vong sau vài chục giây. Đối với những tay leo núi chuyên nghiệp, nếu không có bình dưỡng khí, họ sẽ nhanh chóng bị cơn đau đầu xâm chiếm. Thiếu oxy cộng với nhiệt độ hạ mức âm độ C sẽ khiến họ nôn mửa, mất phương hướng và gặp ảo giác. Cái chết sẽ nằm chắc trong tay nếu người đó không được hít oxy và làm ấm cơ thể sau vài phút.
Số liệu cho thấy, khoảng hơn 200 nhà leo núi đã chết khi "rơi" vào "Ngưỡng Chết" trên Everest. Chết tại độ cao này cho thấy họ đã là những nhà leo núi chuyên nghiệp, bởi theo Tổ chức Y tế Hoàng gia Anh (NHS), đối với người thường hoặc với dân leo núi không chuyên, triệu chứng "Say độ cao" sẽ xảy ra ở các mức khác nhau:
- Ở độ cao 2.440m: Xuất hiện các triệu chứng bao gồm buồn nôn, đau đầu, chóng mặt và kiệt sức.
- Ở độ cao 3.600m: Xuất hiện các triệu chứng nặng hơn, gồm khó thở, không làm chủ được đôi chân, ho ra máu, nhầm lẫn hoặc mất ý thức.
- Ở độ cao 5.400m: Lượng oxy lúc này giảm 50% so với mực nước biển. Nếu ở tại ngưỡng độ cao này quá 30 phút một người có thể tử vong nếu không có bình dưỡng khí.
- Ở độ cao trên 8.000m (Ngưỡng Chết): Lượng oxy lúc này chỉ còn 30% so với mực nước biển. Nhà leo núi chuyên nghiệp người Mỹ David Breashears, người đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ chinh phục Everest trên một lần, miêu tả: Ở "Ngưỡng Chết", ngay cả khi được trang bị bình dưỡng khí, bạn vẫn cảm thấy "mình chạy trên máy tập nhưng chỉ được hít thở qua ống hút bé tẹo vậy".
Vậy, điều gì đã làm nên một Reinhold Messner "sắt đá", không sợ cái chết và "cả gan" leo lên Everest mà không cần bình oxy? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Sinh ra để chinh phục "những nóc nhà của thế giới"
Ít ai biết rằng, huyền thoại leo núi Reinhold Messner sớm hình thành đam mê chinh phục đỉnh cao ngay từ khi mới chỉ là cậu nhóc 5 tuổi.
Ở cái tuổi khi các bạn cùng trang lứa chỉ biết ăn, biết ngủ ấy, Reinhold Messner đã thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên trong cuộc đời tại dãy Dolomites của Ý (cao hơn 3.300m, thuộc dãy núi Apls thơ mộng) với những cảnh quan tuyệt đẹp mà không một nơi nào trên Trên Đất có được.
Đến năm 20 tuổi, Reinhold Messner cùng người anh trai là Günther Messner đã ghi danh mình trở thành hai trong những nhà leo núi tài ba nhất của châu Âu.
Nhiệt huyết tuổi thanh xuân đã thổi bùng ngọn lửa đam mê chinh phục các đỉnh núi huyền thoại khác trên thế giới của chàng thanh niên ấy. Không muốn bó hẹp nỗ lực của bản thân và niềm đam mê sớm nảy nở ở châu Âu, giờ, chàng thanh niên ấy muốn đến châu Á, đến vùng biên giới giữa hai nước Nepal và Tây Tạng để khuất phục "nóc nhà của thế giới" dưới đôi chân mình.
Ngày 16/10/1986, khi Reinhold Messner tròn 42 tuổi, ông tiếp tục ghi danh vào kỷ lục là người đầu tiên trên thế giới đặt chân lên tất cả 14 ngọn núi cao trên 8.000m của Trái Đất mà không cần bình dưỡng khí. Dĩ nhiên, trong số đó có đỉnh núi Everest huyền thoại cao 8.848m.
Khuất phục Everest dưới chân: Một mình - Và không bình dưỡng khí
Huyền thoại leo núi người Ý Reinhold Messner. Không chỉ leo núi, ông cũng là người đầu tiên vượt qua Nam Cực và Greenland mà không dùng xe trượt tuyết cũng như xe kéo bằng chó, và một mình băng qua sa mạc Gobi.
Sau cái chết của anh trai năm 1970 khi hai anh em cùng thực hiện chuyến thám hiểm tại Nanga Parbat, đỉnh núi cao thứ 9 trên thế giới (cao 8.126m, ở Pakistan), Reinhold Messner là người đầu tiên đề nghị thám hiểm Everest mà không cần đến sự trợ giúp của bình dưỡng khí.
Bất chấp mọi phản đối của các nhà leo núi đồng nghiệp cũng những lý giải của giới khoa học, ngày 8/5/1978, đội leo núi gồm 2 người là Reinhold Messner và Peter Habeler (nhà leo núi người Áo, sinh ngày 22/7/1942) đã chạm chân lên Everest mà không cần bình oxy.
"Quả thực, lúc ấy, tôi không còn là chính mình nữa. Mọi thứ trở nên mơ hồ trước mắt. Tâm trí tôi như mụ mị hẳn đi. Khi đứng trên "nóc nhà của thế giới", tai tôi chỉ còn nghe thấy những tiếng thở gấp mạnh. Chúng tôi đang hớp lấy những luồng oxy hiếm hoi trên vùng không khí cực loãng ấy..." Reinhold Messner nhớ lại thời khắc đặt Everest dưới chân mình vào mùa hè năm 1978.
Mạo hiểm là thế, và khi đã đạt được thành công là thế, nhưng dường như với Reinhold Messner, mọi thứ vẫn chưa đủ. Cảm giác chiến thắng tuyệt đối vẫn chưa lấp đầy huyết mạch của tay leo núi tài ba người Ý ấy.
Để rồi, chỉ 2 năm sau, vào ngày 20/8/1980, Reinhold Messner lên đường chinh phục Everest một lần nữa. Lần này, ông chỉ đi một mình!
"Cảm giác "đơn thương độc mã" chinh phục đỉnh núi Everest là điều khó khăn nhất trong đời tôi. Tôi leo lên đỉnh ấy một mình và cũng trở về an toàn, một mình. Lúc đang leo lên, tôi trượt chân ngã xuống khe nứt vào ban đêm và gần như bỏ cuộc vì đói, lạnh và sợ hãi. Thế rồi, niềm khát khao lỡ mang trong mình đích đến "chinh phục Everest một mình" đã vực tôi đứng dậy, tiếp tục chiến đấu. Khi lên đến đỉnh, cảm giác sung sướng ấy không khác khoảnh khắc đặt chân lên Mặt Trăng là bao...", Reinhold Messner chia sẻ câu chuyện với tờ TheGuardian năm 2003.
Câu chuyện thứ hai kể về George Mallory (1886 – 1924), một nhà leo núi rất nổi tiếng người Anh. Ông được công nhận là một trong những nhà leo núi vĩ đại nhất thế giới thập niên 1920 khi cả ba lần ghi tên mình vào các chuyến thám hiểm đỉnh Everest những năm 1920.
Trong chuyến thám hiểm thứ ba năm 1924, khi ấy George Mallory mới 37 tuổi, người vợ và 3 đứa con thơ của anh đã ngăn cản anh thực hiện chuyến đi này vì linh cảm của người vợ trẻ đã khiến cô có những suy nghĩ chẳng lành.
Thế nhưng, thất bại của hai lần thám hiểm Everest trước vì gặp bão tuyết khi cả đội có George Mallory tham dự chạm được đến độ cao hơn 8.100m càng khiến George Mallory thêm quyết tâm chinh phục đỉnh núi cao huyền thoại.
Trong bức thư gửi vợ, anh viết: "Em à, khi cả đội leo đến được độ cao này thì anh chắc rằng chuyện thất bại là điều không thể. Chưa bao giờ anh cảm thấy tràn trề nhiệt huyết đến thế. "Trận chiến" này, anh biết, là khó khăn nhưng anh tin mình sẽ thành công".
George Mallory đâu thể ngờ đó là những dòng viết cuối cùng anh còn cơ hội gửi đến người vợ yêu đang cùng các con mong ngóng ở nhà. Đam mê chinh phục đỉnh cao đã đưa anh đến Everest và cũng chính Everest ấy đã vĩnh viễn ôm anh vào lòng...
Huyền thoại leo núi ngưới Anh George Mallory và vợ - Ruth Mallory. (Ảnh: Explorersweb).
Lúc 12:50 trưa ngày 8/6/1924, George Mallory và người đồng hành với anh là Sandy Irvine "biến mất" ở khu vực rìa tây bắc của Everest. Người nhìn thấy họ lần cuối cùng chính là nhà thám hiểm, chuyên gia địa chất Noel Odell.
Về sau, Noel Odell kể lại: "Khi đang đến khu vực rìa tây bắc của đỉnh núi, tôi tình cờ nhìn thấy họ. Chưa kịp gặp nhau để hỏi thăm về cuộc thám hiểm của họ thì một trận bão tuyết nhỏ đã tấn công chúng tôi.
Sau khi tìm cách trú ẩn, tôi quay lại để ra hiệu cho George Mallory và Sandy Irvine đi đến nơi an toàn. Tuy nhiên, thứ duy nhất còn lại trong mắt của tôi là từng đợt gió tuyết mạnh quất liên tục vào mặt. Mọi nỗ lực gào thét gọi tên các đồng đội của tôi đều bị Everest "nuốt chửng". Họ không bao giờ trở lại nữa".
Đó là năm 1924...
75 năm sau, vào năm 1999, sau nỗ lực tìm kiếm thi thể của hai nhà thám hiểm người Anh là George Mallory và Sandy Irvine, người ta mới tìm thấy xác của hai con người trẻ tuổi ấy trong tư thế ôm sát nhau.
Tư trang còn sót lại là cặp kính bảo hộ, máy đo độ cao, dao và chồng thư dày từ người vợ của George Mallory. Nhóm thám hiểm không thể tìm thấy máy ảnh của cả hai người. Bởi nếu tìm được máy ảnh thì người ta có cơ may xác định cả hai người đã đặt chân thành công lên đỉnh Everest hay chưa, và rằng, có thể họ gặp nạn khi đang trên đường trở xuống.
75 năm sau ngày George Mallory và Sandy Irvine mất tích, người ta mới tìm thấy xác của hai anh. Nhưng cũng vì thế, bí ẩn việc họ chinh phục được Everest trước khi qua đời hay chưa chỉ có Everest mới biết!
Ở mỗi con người chúng ta đều mang trong mình những giới hạn, một khi đã bứt phá được giới hạn ấy, chỉ bạn mới có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc dâng lên đến tột cùng nơi trái tim có dòng máu nóng đang chảy.
Everest, chốn thiên đường của những ý chí được tôi luyện đến tận cùng cũng được xem là "nấm mồ" lạnh giá. Thế nhưng, “nấm mồ” ấy không thể nào vùi chôn được những trái tim nhiệt huyết! Giống như Reinhold Mesner đã từng nói:
Còn tiếp...