Nguy cơ mất diện tích rừng ở tiểu vùng sông Mekong

Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) vừa khuyến cáo các quốc gia khu vực tiểu vùng sông Mekong về tăng trưởng xanh để duy trì nguồn tài nguyên rừng.

Báo cáo mới nhất của WWF đã cảnh báo tiểu vùng sông Mekong mở rộng tại khu vực Đông Nam Á có nguy cơ mất hơn một phần ba diện tích rừng còn lại trong vòng hai thập kỷ tới nếu chính phủ các nước trong khu vực không tăng cường bảo vệ, coi trọng và khôi phục nguồn vốn tự nhiên và đi theo hướng tăng trưởng xanh.

Phân tích của WWF cho thấy, khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng hiện duy trì khoảng 98 triệu ha rừng tự nhiên, bằng hơn một nửa diện tích đất của khu vực. Tuy nhiên, với tốc độ phá rừng như hiện nay thì theo dự đoán, diện tích này sẽ mất đi một cách nhanh chóng.

Từ 1973 đến 2009, 5 quốc gia trong khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng mất gần một phần ba diện tích rừng che phủ còn lại. Trong thời gian này, Campuchia mất 22% diện tích rừng của năm 1973, Lào và Myanmar mất 24%, Thái Lan và Việt Nam mất tới 43%.


Khúc sông Mekong ở Lào. (Ảnh: Reuters)

Những khu vực rừng trọng yếu diện tích lớn cũng giảm đáng kể trên toàn khu vực, từ 70% của năm 1973 xuống còn 20% vào năm 2009. Rừng trọng yếu là phần diện tích rừng không bị chia cắt và rộng tối thiểu là 3,2km2.

Nếu xu hướng trên tiếp diễn, WWF dự đoán đến năm 2030, chỉ 14% diện tích rừng còn lại của khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng là có khả năng duy trì sinh cảnh cho quần thể các loài hoang dã.

Báo cáo "Các hệ sinh thái khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng: xu hướng trong quá khứ, hiện trạng và kịch bản tương lai" đưa ra các phân tích về hiện trạng, bối cảnh tương lai của các khu rừng trọng yếu, các hệ sinh thái nước ngọt trong khu vực và của những loài nguy cấp nhất phụ thuộc vào các hệ sinh thái này.

Báo cáo xây dựng hai kịch bản cho các hệ sinh thái của khu vực. Một kịch bản dự đoán khả năng có thể xảy ra đối với các hệ sinh thái cho tới năm 2030 nếu như các nước tiếp tục phát triển theo mô hình tăng trưởng không bền vững, trong đó tình trạng chặt phá rừng và suy thoái diễn ra trong thập kỉ qua vẫn tiếp diễn.

Kịch bản thứ hai được xây dựng dựa trên giả định cắt giảm 50% tỷ lệ chặt phá rừng hàng năm và một tương lai dựa trên tăng trưởng xanh. Trong giả định thứ hai, theo mô hình tăng trưởng xanh, diện tích rừng trọng yếu trong năm 2009 tại cả 5 nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng vẫn còn nguyên vẹn.

“Cách tiếp cận theo hướng nền kinh tế xanh là lựa chọn cho tương lai của khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng”, ông Peter Cutter, Quản lý Bảo tồn Cảnh quan của WWF-Greater Mekong nói. "Các nhà lãnh đạo khu vực đã khẳng định rằng tăng trưởng kinh tế bền vững phải đi cùng với việc duy trì các hệ sinh thái khỏe mạnh, cần phải có ngay những can thiệp hiệu quả để tránh những suy thoái môi trường vĩnh viễn".

Báo cáo cũng đưa ra các dữ liệu về sự suy giảm mạnh mẽ về quần thể một số loài quan trọng và mang tính biểu trưng của khu vực, bao gồm hổ, voi châu Á, cá heo Irrawaddy và sao la đặc hữu.

"Đầu tư tăng cường và bền vững hơn đối với việc duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái phải trở thành một trong những ưu tiên ở cấp cảnh quan, quốc gia và khu vực", ông Cutter nói.

Theo VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video