Theo PGS Hiển có tới 80% ung thư nói chung cũng như ung thư vú liên quan trực tiếp với các yếu tố ngoại sinh, đặc biệt là môi trường sống.
Ung thư vú là bệnh ung thư hàng đầu ở chị em phụ nữ. Đây được xem là bệnh nguy hiểm nhất với chị em và tỷ lệ mắc ngày càng cao và các yếu tố gây bệnh thì hiện hữu ngay chính trong cuộc sống của chị em hàng ngày.
Theo thống kê tại Việt Nam đầu những năm 2000 tỷ lệ này vào khoảng 16/100.000 phụ nữ thì hiện nay con số này đã là 29/100.000.
Ghi nhận ung thư Việt Nam cho thấy các thành phố lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) có tỷ lệ mắc cao hơn các tỉnh, thanh phố khác (Thái Nguyên, Hải Phòng, Huế và Cần Thơ).
Tuổi mắc bệnh trung bình của phụ nữ Việt Nam thấp hơn đáng kể so với các nước phát triển. 50% số bệnh nhân được điều trị triệt căn ung thư vú ở Việt Nam trong khoảng tuổi 40-50, trong khi ở Mỹ khoảng tuổi này là 50-65.
PGS Phạm Duy Hiển – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K trung ương cho biết cũng giống như các bệnh ung thư khác, ung thư vú chưa tìm được nguyên nhân nhưng các nghiên cứu về ung thư đã chỉ ra rằng các yếu tố ung thư vú rất hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày.
80% ung thư vú liên quan đến lối sống
Ung thư vú là bệnh ung thư hàng đầu ở chị em phụ nữ.
Theo PGS Hiển có tới 80% ung thư nói chung cũng như ung thư vú liên quan trực tiếp với các yếu tố ngoại sinh, đặc biệt là môi trường sống. Tỷ lệ phụ nữ mắc ung thư vú cao ở các nước phát triển là một minh chứng.
Có thể lối sống hiện đại như hút thuốc lá, uống rượu bia, chế độ ăn uống nhiều năng lượng ít rau xanh hoa quả tươi và các chất xơ.
Việc dùng các loại thuốc tránh thai, nạo phá thai, vấn đề sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm công nghiệp thậm chí có nghiên cứu cho biết ô nhiễm ánh sáng (light pollution) cũng làm tăng tỷ lệ ung thư vú.
- Thuốc lá: Hút thuốc lá chủ động và thụ cũng đều tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Các nghiên cứu của Châu Âu và Canada đều cho rằng tuổi bắt đầu hút thuốc càng sớm, thời gian hút càng dài, hút thuốc trong thời kỳ mang thai có mối tương quan tương đối với ung thư vú, nguy cơ tăng lên đến 35-50%.
- Rượu bia: Từ trước đến nay khi nói đến rượu bia ai cũng nghĩ nó chỉ liên quan đến ung thư gan, ung thư tuỵ...
Một nghiên cứu trên 1,2 triệu phụ nữ trung niên ở Anh Quốc đã đưa ra kết luận, nếu mỗi ngày uống 2 đơn vị cồn (1 đơn vị tương đương 10 ml rượu mạnh hay 330ml bia) thì khả năng mắc ung thư tăng lên 8% so với phụ nữ chỉ uống mỗi ngày 1 đơn vị. Nếu uống hơn 2 đơn vị mỗi ngày khả năng này tăng thêm 1,1% nữa.
Bởi vì rượu bia kích thích tiết nội tiết tố nữ (estrogen& androgen) trong khi đó 65-70% ung thư vú phát triển phụ thuộc nội tiết này và làm tăng khả năng di căn ung thư vú. Rượu bia kích hoạt các chất gây ung thư làm tổn thương nhu mô tuyến vú. Các chất chuyển hoá của rượu bia như Acetethanol gây tổn thương DNA của tế bào tuyến vú.
- Thuốc tránh thai đường uống: Theo PGS Hiển nếu dùng thuốc tránh thai đường uống kéo dài, thường xuyên trên 5 năm làm tăng khả năng mắc ung thư vú lên 1,5 lần trên 10 năm tăng lên 2 lần so với người không dùng.
Nhưng nếu dừng không dùng sau 5 năm khả năng mắc bệnh trở lại như người bình thường. Ngoài ra, những phụ nữ dùng nội tiết hỗ trợ ở tuổi tiền mãn kinh trên 5 năm (Estrogene+Prolactine) cũng có nguy cơ cao hơn.
- Ăn uống: PGS Hiển cho rằng bệnh ung thư vú, chế độ ăn uống dẫn đến béo phì làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Phần lớn bệnh nhân ung thư vú có chỉ số khối cơ thể (MBI) lớn hơn 23. Chế độ ăn nhiều chất béo, thiếu rau xanh, hoa quả tươi, thiếu các vi chất mà chỉ có ở hạt ngũ cốc nguyên vẹn, thiếu iod… khiến cho chỉ số cholesteron máu cao, bệnh tiểu đường cũng là yếu tố nguy cơ với ung thư vú.
Lối sống ít hoạt động thể chất, làm việc trong môi trường có nhiễm phóng xạ hoặc đã được điều trị bằng phóng xạ vào vùng ngực cũng làm tăng khả năng mắc bệnh.
Cảm giác yếu tố nội sinh
Bệnh nhân ung thư vú khám và điều trị tại Bệnh viện K cơ sở 1.
Ngoài các yếu tố ngoại sinh, PGS Hiển cho biết yếu tố nội sinh cũng rất quan trọng dù nó chỉ chiếm tới 20% các yếu tố gây ung thư.
Theo đó, với phụ nữ có kinh nguyệt sớm (trước 13 tuổi với phụ nữ Việt Nam, trước 12 tuổi với phụ nữ Mỹ) và tắt kinh muộn (sau 50 và sau 55 tuổi tương ứng) có khả năng mắc ung thư vú cao hơn người khác.
Tương tự với phụ nữ có con đầu lòng sau 30 tuổi và không sinh con lần nào, không cho con bú có tỷ lệ ung thư vú cao hơn.
Ngoài ra, ung thư vú là loại ung thư có mối liên quan với di truyền khá cao. Có đến 5-10% số bệnh nhân ung thư vú liên quan đến gen di truyền từ thế hệ này sang thế hệ sau. Những ngưỡi có mẹ bị ung thư vú thì khả năng bị ung thư vú cao gấp đôi người thường ở lứa tuổi 40-50.
Hội chứng di truyền ung thư vú - buồng trứng trong đó chủ yếu do đột biến gene BRCA1 và BRCA2. Đột biến này di truyền cho thế hệ sau gần như 100% đặc biệt khi mẹ bị cả 2 ung thư.
Vì vậy có người khuyên nên cắt cả 2 tuyến vú dự phòng trước khi bị ung thư khi mẹ bị 2 ung thư mà xét nghiệm có đột biến gene BRCA1&2.