Nhân tài đất Việt 2005: Không giải Nhất!

Giải Nhì duy nhất thuộc về sản phẩm MyVietnam.net của nhóm MyVietnam (TP.HCM) với hai thành viên Nguyễn Ngọc Minh và Nguyễn Hữu Mai. Công bố này vừa đưa ra tại Lễ trao giải Cuộc thi Nhân tài đất Việt 2005 diễn ra tối 20/11 tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội.

Phần thưởng của giải Nhì là 70 triệu đồng và một chiếc máy tính CMS 10 triệu đồng. 04 giải ba trị giá 25 triệu đồng/giải thuộc về các sản phẩm: Thư viện phát triển các ứng dụng đồ họa RADLib của nhóm BK02, Hệ thống tổng đài IP ứng dụng cho mạng doanh nghiệp và điểm văn hóa xã của nhóm do Bùi Quang Độ đại diện, Hệ thống hiển thị và kiểm soát tốc độ đoàn tàu của nhóm tác giả Trần Thị Thu Hương, giảng viên khoa CNTT trường ĐH Giao thông vận tải và sản phẩm ERP Solution - Quản trị tổng thể doanh nghiệp theo mô hình ERP của công ty A-Z.


Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm trao giải Nhì cho nhóm MyVietnam. Ảnh: B.D

Giải khuyến khích 20 triệu đồng thuộc về nhóm tác giả (do Đỗ Việt Hà là trưởng nhóm) với sản phẩm mang tên Hệ thống phần mềm hỗ trợ tin học hoá đơn vị hành chính cấp phường, xã. Ngoài ra là 10 phần thưởng (giải phụ) của BTC.

"Chưa xuất hiện những người đứng trên vai người khổng lồ!"

Cầm trên tay chiếc cúp chiến thắng dành cho người đứng đầu Cuộc thi, Nguyễn Hữu Mai của MyVietnam phát biểu trong niềm hạnh phúc ngập tràn: "Chúng tôi vô cùng bất ngờ với giải thưởng này. Nhiều năm nay chúng tôi đã cùng nhau học tập, làm việc và cống hiến trong cộng đồng Java Vietnam, vì thế đây không chỉ là phần thưởng với riêng chúng tôi, để chúng tôi tiếp tục cống hiến. Sau Cuộc thi này, chắc chắn Cộng đồng Java Vietnam sẽ có một buổi offline thật hoành tráng!...". 

Nguyễn Ngọc Minh và Nguyễn Hữu Mai trong niềm vui chiến thắng. Ảnh: B.D

Như vậy, đúng một năm kể từ khi phát động cuộc thi (20/11/2004), Lễ trao giải Nhân tài đất Việt 2005 - Cuộc thi do VDC, Đài Truyền hình Việt Nam và báo Khuyến học và Dân trí phối hợp tổ chức - đã khép lại. 174 sản phẩm phần cứng, phần mềm của 414 thí sinh tham gia (trong đó có 58 thí sinh là nữ) tham gia, sau đó có 14 sản phẩm vào Vòng Chung kết, cuối cùng đã không tìm được giải Nhất. Vì sao vậy?

GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu giải thích: "Các cá nhân, tập thể tham gia đều đã năng động, sáng tạo, có nhiều cố gắng, nhưng các sản phẩm có hàm lượng khoa học kỹ thuật chưa cao, chưa tiếp thu được những công nghệ cao nhất của thế giới. CNTT là lĩnh vực đầy triển vọng, có thể góp phần đưa Việt Nam phát triển. Nhưng ngay sản phẩm tốt nhất trong cuộc thi này vẫn chưa sánh được với trình độ khu vực, hay so với chính những sản phẩm đang được bán trên thị trường Việt Nam".

Ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam (VAIP), thành viên Hội đồng giám khảo, có góc nhìn khá độc đáo khi so sánh CNTT như một người khổng lồ: "Cuộc thi Nhân tài đất Việt 2005 có nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng, là các sản phẩm hoàn thiện tốt, nhưng người đứng trên vai người khổng lồ trong CNTT còn chưa xuất hiện. Mong sao người Việt Nam, nhất là các bạn trẻ tiếp tục cố gắng để có người tài vươn tới tầm quốc tế".

Trước đó, từ 01 đến 18/11, BGK gồm 9 thành viên do Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu làm chủ tịch Hội đồng đã tiến hành chấm thi tập trung Vòng Chung khảo cho 14 sản phẩm của các thí sinh và nhóm thí sinh đến từ ba miền Bắc - Trung - Nam. Hội đồng Giám khảo tiến hành đánh giá sản phẩm trên thang điểm tối đa 100 cho 4 tiêu chí: Tính hiệu quả, Tính ứng dụng và phổ biến, Tính sáng tạo khoa học, Tính hoàn thiện.

BTC cho biết, đặc trưng để phân biệt cuộc thi này với các cuộc thi về lĩnh vực ICT khác là bên cạnh việc đề cao tính ứng dụng thực tế của sản phẩm là "tính mở", với thành phần tham dự khi chấp nhận cả sản phẩm đã tham dự bất cứ cuộc thi nào trước đó. Chẳng hạn, chúng tôi nhận được đăng ký dự thi của sản phẩm DSP từng đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật TP. HCM 2003, giải nhì cuộc thi của Quỹ VIFOTEC 2004".

BTC cũng thông báo tại website về cuộc thi, để hỗ trợ các thí sinh trong việc đăng ký bản quyền các sản phẩm tham dự Nhân tài Đất Việt 2005, văn phòng luật sư Đào và Đồng nghiệp sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm dự thi.

Góc nhìn của người trong cuộc

Phạm Hữu Ngôn (nhóm BK02) nhận giải Ba. Ảnh: B.D

PV VietNamNet đã ghi lại phát biểu của người tham gia "cầm cân nảy mực", tổ chức cuộc thi và trò chuyện với các một số thí sinh dự thi Nhân tài đất Việt 2005 trước giờ công bố kết quả chung cuộc. Đặc biệt, thí sinh Phạm Hữu Ngôn (của nhóm BK02) và Nguyễn Ngọc Minh (nhóm MyVietnam) đều đưa ra dự đoán trước về sản phẩm của mình, tuy nhiên, đều... trật khi chung cuộc, sản phẩm của họ đều chiếm những giải cao nhất.

- GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo: "Tất cả các đề tài nghiên cứu khoa học cuối cùng cũng phải đạt tới mục đích mang lại lợi ích kinh tế, xã hội cho đất nước hay cho doanh nghiệp, cá nhân. Riêng cuộc thi Nhân tài đất Việt thì mục tiêu rất rõ rệt. Các sản phẩm đoạt giải chắc chắn sẽ được ứng dụng một cách tương đối rộng rãi, hiệu quả, hoặc hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, hoặc hiệu quả xã hội cho đất nước".

- Ông Phạm Huy Hoàn, Trưởng BTC: "Một số tổ chức tìm kiếm tài năng ở Việt Nam tuyên bố sẵn sàng bảo trợ cho các sản phẩm đoạt giải như: Công ty Điện toán & Truyền Số liệu (VDC), Tổng Cty Bưu chính Viễn thông (VNPT), tập đoàn Đại Liên ở TP. HCM (Big Link), Công ty IDG Ventures Vietnam, Cisco Vietnam và một số công ty khác... Đây là lần đầu tiên, các công ty ICT công bố ngay trước cuộc thi mong muốn sẵn sàng hỗ trợ các sản phẩm tiềm năng"

- Phạm Hữu Ngôn (trưởng nhóm BK02 với sản phẩm Thư viện phát triển các ứng dụng đồ họa RADLib): "Sản phẩm này của tôi là sự tổng hợp hoàn chỉnh nhất của những sản phẩm tôi đã tham dự ở những cuộc thi trước đó, kể cả VSpeech (Top 14 sản phẩm Trí tuệ Việt Nam 2004) hay Imagine Cup 2004 tại Brazil (giành vị trí thứ năm về đồ họa với sản phẩm 3DProS). Ít nhiều đã có "kinh nghiệm trận mạc", vậy mà khi bước vào thi vòng chung kết, vì mải mê demo sản phẩm, lúc thuyết trình, tôi bị hụt mất một nửa thời gian. Tôi thích "tính mở" của cuộc thi này khi mọi đối tượng, mọi ngành nghề, có sản phẩm tương đối hoàn thiện đều được ứng thí. Tuy nhiên, sinh viên, giới trẻ tham gia cuộc thi vào đến vòng chung kết này lại không nhiều như các cuộc thi khác. Tôi thích nhất sản phẩm Môi trường thiên nhiên Việt Nam trong "top 14". Đó là bộ từ điển sinh động về thiên nhiên mà tác giả của nó là Minh Tuệ đang học lớp 10 ở Singapore. Bằng tuổi Tuệ chắc tôi không thể làm được như thế... Còn sản phẩm của tôi, đoán trước nhé, chắc BGK lại trao... học bổng vì "còn trẻ, còn nhiều thời gian để tiến bộ hơn!".

- Nguyễn Ngọc Minh, nhóm MyVietnam, với sản phẩm MyVietNam.net: "Sảm phẩm lần này của chúng tôi khác nhiều với sản phẩm từng đoạt giải nhì Trí tuệ Việt Nam 2003, khi đó là giải pháp diễn đàn chạy độc lập mvnForum, nay là một cổng thông tin (portal) Myvietnam.net và chúng tôi đã viết lại 50% mã nguồn. Tôi hy vọng, sản phẩm này sẽ đoạt... giải ba (vì thấy các sản phẩm khác rất khá!). Nhưng dù sao thì chúng tôi cũng đã có một giải thưởng ở cuộc thi phần mềm và sau đó là danh hiệu Hiệp sĩ CNTT vì những hoạt động đóng góp cho cộng đồng - đã là những điều rất ý nghĩa với chúng tôi. Tôi cho rằng cuộc thi này có "mở" nhưng "mở" chưa cao, BTC cần có quy chế, thể lệ thoáng hơn cho thí sinh tham dự..."

Bùi Dũng

Theo VietNamNet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video