Nhện ép đom đóm đực đóng giả con cái để bẫy đồng loại

Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra hành vi săn mồi độc đáo của loài nhện giăng tơ ở Trung Quốc: ép buộc những con đom đóm đực bị mắc bẫy phải phát sáng giống con cái, từ đó thu hút thêm nhiều con đực khác sa vào lưới.


Hành vi săn mồi độc đáo của loài nhện giăng tơ ở Trung Quốc. (Ảnh: nytimes.com)

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology ngày 19/8, đánh dấu lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát thấy hành vi "thao túng" kiểu này ở nhện. Nhóm nghiên cứu do hai nhà sinh vật học Phó Tân Hoa từ Đại học Nông nghiệp Hoa Trung và Daiqin Li từ Đại học Quốc gia Singapore dẫn đầu tiến hành, sau khi ông Phó chứng kiến một loại nhện tại Vũ Hán, Trung Quốc chỉ giăng tơ bắt đom đóm đực.

Thí nghiệm được tiến hành tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, tập trung vào loài nhện Araneus ventricosus và đom đóm Abscondita terminalis. Các nhà nghiên cứu phân tích 161 mạng nhện trong tự nhiên với các điều kiện khác nhau. Kết quả cho thấy những mạng nhện có đom đóm đực phát sáng và có sự hiện diện của nhện bắt được tới 7 con đom đóm đực. Ngược lại, mạng không có nhện chỉ bắt được tối đa 2 con.

Đáng chú ý, nhện có hành vi khác biệt tùy thuộc vào khả năng phát sáng của đom đóm. Với những con đom đóm còn phát sáng, nhện chỉ quấn tơ và cắn để giữ mạng sống, cho phép chúng tiếp tục phát sáng. Còn nếu đom đóm không phát sáng, nhện sẽ ăn ngay lập tức.

Phân tích mẫu ánh sáng cho thấy đom đóm đực bị mắc bẫy chỉ sử dụng một trong hai "đèn" trên bụng, bắt chước kiểu phát sáng của con cái. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng nọc độc của nhện có thể cản trở oxy đến các cơ quan tạo ra ánh sáng của đom đóm, hoặc ảnh hưởng đến hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh, dẫn đến thay đổi cách phát sáng.

"Đây là một nghiên cứu thực sự hấp dẫn", Sara Lewis, giáo sư danh dự về sinh học tại Đại học Tufts, người không tham gia vào nghiên cứu này, nhận xét. Bà lưu ý rằng đom đóm đực đôi khi thay đổi kiểu phát sáng để tỏ ra nổi bật so với những con đực khác, nhưng nghiên cứu mới này là lần đầu tiên ghi nhận sự thay đổi kiểu phát sáng có thể do một loài săn mồi gây ra.

Trong giới động vật, một số loài săn mồi có thể thao túng môi trường sống hoặc thay đổi hành vi của chính mình để dụ thêm con mồi. Tuy nhiên, theo bà Lewis, hiện tượng một loài săn mồi thay đổi hành vi của con mồi để thu hút thêm nhiều con mồi khác là hiếm thấy. Trường hợp gần giống nhất là một số loài ký sinh trùng có khả năng thay đổi hành vi của vật chủ, chẳng hạn như loài nấm "biến kiến thành zombie" (Ophiocordyceps unilateralis). Loài nấm này lây nhiễm vào kiến và buộc chúng phải leo lên thực vật, giúp cho nấm phát triển.

Nghiên cứu này mở ra hướng mới trong việc tìm hiểu hành vi săn mồi phức tạp của nhện. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần có thêm nghiên cứu để xác định mối quan hệ nhân quả giữa nọc độc của nhện và sự thay đổi trong cách phát sáng của đom đóm.

Cập nhật: 20/08/2024 TTXVN/Báo Tin Tức
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video