Nhiễm virus hợp bào hô hấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Virus hợp bào hô hấp lây lan rất nhanh, chỉ sau virus cúm. Chúng lây dễ dàng từ người sang người qua dịch tiết đường hô hấp như ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp như bắt tay, hôn,… Ước tính, cứ 1 trẻ nhiễm virus có khả năng lây cho 5 trẻ khác.

Nhiễm virus hợp bào hô hấp là gì?

Virus hợp bào hô hấp (RSV) là một loại virus gây nhiễm trùng phổi và đường hô hấp. Nhiễm virus này rất phổ biến, hầu hết trẻ em đều bị nhiễm bệnh trước lúc 2 tuổi. Virus hợp bào hô hấp cũng có thể lây nhiễm cho người lớn.

Ở người lớn và trẻ khỏe mạnh, các triệu chứng nhiễm virus hợp bào hô hấp thường nhẹ và giống như cảm lạnh thông thường. Các biện pháp tự chăm sóc là đủ để giảm bất kỳ sự khó chịu nào.


Nhiễm virus này rất phổ biến, hầu hết trẻ em đều bị nhiễm bệnh trước lúc 2 tuổi.

Nhiễm virus hợp bào hô hấp có thể nghiêm trọng trong một số trường hợp, đặc biệt là ở trẻ sinh non và trẻ sơ sinh có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Bệnh cũng có thể trở nên nghiêm trọng ở người lớn tuổi, những người có các bệnh về tim và phổi hoặc bất cứ ai có hệ miễn dịch yếu (suy giảm miễn dịch).

Triệu chứng của nhiễm virus hợp bào hô hấp

Khi virus hợp bào (RSV) ảnh hưởng đến mũi họng (hệ thống hô hấp trên) các triệu chứng thường nhẹ và giống như cảm lạnh thông thường, bao gồm:

  • Ho.
  • Nghẹt hoặc sổ mũi.
  • Đau họng nhẹ.
  • Đau tai.
  • Sốt, thường vào lúc bắt đầu bệnh. Bạn cũng lưu ý rằng sốt cao không có nghĩa bệnh trở nên nặng hơn.

Trẻ có thể có các triệu chứng khác, bao gồm:

  • Giảm hứng thú với mọi thứ xung quanh.
  • Bơ phờ và buồn ngủ.
  • Cáu kỉnh (khó chịu) và ngủ không ngon.
  • Bú kém.
  • Ngưng thở, khoảng 15 đến 20 giây. Điều này thường chỉ xảy ra ở trẻ sinh non và trẻ đã từng có bệnh sử ngưng thở.

Rất khó phân biệt giữa cảm lạnh và nhiễm RSV thông thường. Trừ khi bạn hoặc con bạn có các nguy cơ bị biến chứng do nhiễm RSV, việc tìm ra loại virus nào gây ra các triệu chứng thường không quan trọng.

Nhiễm RSV đôi khi dẫn đến viêm tiểu phế quản, viêm phổi hoặc cả hai.

Các triệu chứng của biến chứng này bao gồm:

  • Khó thở, thở nhanh hơn bình thường.
  • Thở khò khè.
  • Ho ngày càng nặng. Trẻ có thể bị nghẹt thở hoặc nôn do ho dữ dội.
  • Thờ ơ, tăng mệt mỏi, giảm hứng thú với mọi thứ xung quanh hoặc chán ăn.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Hầu hết các trường hợp nhiễm virus hợp bào hô hấp không đe dọa tính mạng.

Bạn cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức nếu con bạn – hoặc bất cứ ai có nguy cơ bệnh chuyển biến nặng như xuất hiện khó thở, sốt cao hoặc chuyển xanh tím, đặc biệt ở môi và móng.

Nguyên nhân gây bệnh

Virus hợp bào hô hấp đi vào cơ thể qua mắt, mũi hay miệng. Nó lây lan một cách dễ dàng qua các dịch tiết đường hô hấp bị nhiễm virus như ho hoặc hắt hơi. Virus cũng được hít hay truyền cho người khác qua tiếp xúc trực tiếp, ví dụ như bắt tay.

Virus có thể sống nhiều giờ trên các vật dụng như bàn và đồ chơi. Bạn sẽ có khả năng nhiễm các virus gây bệnh nếu vô tình chạm vào những đồ vật có chứa virus và đưa lên miệng.

Vài ngày đầu sau khi bị nhiễm virus là thời gian lây nhiễm cao nhất, nhưng với virus hợp bào hô hấp thời gian lây lan kéo đến vài tuần sau khi bắt đầu bị nhiễm.

Nguy cơ mắc phải

Trong thực tế, nhiễm virus hợp bào hô hấp là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tiểu phế quản (viêm các ống dẫn khí nhỏ của phổi) và viêm phổi ở trẻ em dưới 1 tuổi. Bệnh này cũng là nguyên nhân chính gây các bệnh hô hấp ở người cao tuổi.  Bệnh có thể được quản lý bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ lây nhiễm virus hợp bào hô hấp như:

  • Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi
  • Trẻ nhỏ, đặc biệt là dưới 1 tuổi, những người bị sinh non hoặc những người có tình trạng tiềm ẩn như tim bẩm sinh hoặc bệnh phổi
  • Trẻ em có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như những người trải qua hóa trị hoặc cấy ghép
  • Trẻ sơ sinh ở trong môi trường chăm sóc quá đông
  • Người già yếu
  • Người bị bệnh hen suyễn, suy tim sung huyết hoặc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính
  • Những người bị suy giảm miễn dịch, bao gồm những người có bộ phận cấy ghép, bệnh bạch cầu hoặc HIV

Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bác sĩ có thể nghi ngờ bạn nhiễm virus hợp bào hô hấp dựa trên khám lâm sàng và thời điểm trong năm của mùa nhiễm trùng. Trong khi khám, bác sĩ nghe phổi bằng ống nghe để kiểm tra tiếng thở khò khè hoặc các âm thanh bất thường khác.

Bác sĩ cũng có thể sử dụng:

  • Đo qua da không gây đau (Xung ô-xy) để kiểm tra mức  ô-xy bão hoà trong máu có bị thấp hơn so với bình thường không
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng bạch cầu hoặc tìm kiếm sự hiện diện của virus, vi khuẩn hoặc các sinh vật khác
  • Chụp X-quang để kiểm tra viêm phổi
  • Xét nghiệm virus có trong nước mũi, dịch tiết từ đường hô hấp

Điều trị nhiễm virus hợp bào hô hấp thường tập trung vào việc tự chăm sóc để giúp con bạn thoải mái hơn (chăm sóc hỗ trợ). Những trường hợp nghiêm trọng có thể cần phải nhập viện.

Chăm sóc hỗ trợ

Bác sĩ có thể kê acetaminophen (Tylenol® và những biệt dược khác) để giảm sốt. Thuốc kháng sinh có thể được sử dụng nếu có biến chứng do vi khuẩn như viêm phổi vi khuẩn.

Bạn cũng có thể giúp cho con được thoải mái. Cho trẻ uống nhiều nước và luôn theo dõi các dấu hiệu mất nước như khô miệng, ít hoặc không có nước tiểu, mắt trũng, hay cáu gắt hoặc buồn ngủ.

Chăm sóc tại bệnh viện

Chăm sóc bệnh viện cho các trường hợp nhiễm RSV nặng như truyền nước và thở oxy được làm ẩm. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhập viện có thể cần dùng máy thở giúp trẻ thở dễ dàng hơn.

Trong một số trường hợp nặng, cần sử dụng các thuốc giãn phế quản dạng khí dung giúp thông thoáng đường hô hấp và giảm khò khè như albuterol. Khí dung là thuốc được sử dụng bằng cách hít vào dưới dạng sương.

Đôi khi, dạng khí dung ribavirin (Virazole®) kháng virus có thể được sử dụng. Bác sĩ cũng có thể tiêm epinephrine hoặc một dạng tương tự  của epinephrine dùng với máy khí dung (epinephrine raxemic) để giảm các triệu chứng của nhiễm RSV.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với nhiễm virus hợp bào hô hấp:

Các trường hợp nhiễm trùng virus hợp bào hô hấp (RSV) nhẹ đến trung bình ở những người khỏe mạnh giống như cảm lạnh thông thường và có thể điều trị tại nhà. Nếu con bạn hơn 12 tháng tuổi và không có nguy cơ bị biến chứng do nhiễm RSV, hãy cho trẻ thử điều trị tại nhà. Nhiễm RSV ở những người  có nguy cơ biến chứng cao cần được giám sát chặt chẽ.

Những người bị suy giảm miễn dịch cần gặp bác sĩ khi có triệu chứng cảm lạnh vì có nguy cơ biến chứng cao. Ngoài ra, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn  tuổi, người có vấn đề về sức khỏe và các yếu tố nguy cơ khác nên gặp bác sĩ khi có dấu hiệu đầu tiên của RSV.

Cách chăm sóc trẻ bị nhiễm RSV

  • Theo dõi các dấu hiệu mất nước. Bạn hãy bảo đảm bổ sung đủ nước bị mất do thở nhanh, sốt, tiêu chảy hoặc nôn. Khuyến khích trẻ bú mẹ thường xuyên hơn hoặc bú bình. Tránh cho bé uống các loại đồ uống thể thao, nước giải khát, nước trái cây pha loãng hoặc nước. Những đồ uống này có thể chứa quá nhiều đường, ít năng lượng hoặc thiếu sự cân bằng các khoáng chất cần thiết (chất điện giải).
  • Giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn bằng cách giảm nhẹ các triệu chứng. Đôi khi, trẻ cần giảm các triệu chứng nhờ sự trợ giúp của các thuốc như acetaminophen hoặc ibuprofen, hoặc bế trẻ ở tư thế đứng giúp trẻ thở dễ dàng hơn. Sử dụng thuốc an toàn bằng cách đọc và làm theo tất cả các hướng dẫn trên nhãn. Không bao giờ cho người dưới 20 tuổi dùng aspirin vì nó có thể gây hội chứng Reye, một vấn đề hiếm nhưng nghiêm trọng. Để biết thêm thông tin, bạn nên đọc hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi cho trẻ dùng.
  • Kháng sinh thường không được sử dụng cho nhiễm virus. Tuy nhiên, nếu trẻ xuất hiện các biến chứng của RSV như nhiễm trùng tai, bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc kháng sinh. Không dùng thuốc kháng sinh khi con bạn bắt đầu cảm thấy tốt hơn. Phải dùng đủ liệu trình điều trị để tiêu diệt vi khuẩn hoàn toàn. Nếu trẻ không dùng đủ liều được kê nhiễm khuẩn có thể trở lại.
  • Chăm sóc bản thân. Chăm sóc cho trẻ bệnh có thể làm bạn mệt mỏi về thể chất và tinh thần. Bạn chỉ có thể giúp con khi bạn khỏe mạnh và được nghỉ ngơi đầy đủ.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Cập nhật: 09/11/2023 Theo hellobacsi
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video