Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tháng 5 công bố 90% dân số thế giới đang hít thở không khí bị ô nhiễm. Mỗi năm khoảng 7 triệu người tử vong do tiếp xúc với khói bụi. Hơn 90% ca tử vong xảy ra ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình tại châu Á và châu Phi.
Khoảng 1,7 triệu trẻ em trên thế giới tử vong do tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Báo cáo chỉ số chất lượng môi trường (EPI) được thực hiện bởi Đại học Yale (Mỹ) xếp Việt Nam trong 10 nước ô nhiễm nhất thế giới.
Ô nhiễm không khí gây ra nhiều bệnh lý đường hô hấp. (Ảnh: H.H).
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, không khí ô nhiễm là nguyên nhân chủ yếu gây các bệnh lý về đường hô hấp nói chung và tai mũi họng nói riêng. Tại Việt Nam, bệnh lý hô hấp và tai mũi họng đứng đầu danh sách 5 loại bệnh có số người mắc cao nhất. Tiếp theo là bệnh lý do sinh đẻ và sau đẻ, bệnh hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh.
Báo cáo tại hội nghị Tai mũi họng 2018 sáng 22/10, Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, hiện nay ngành tai mũi họng đang phát triển mạnh mẽ với nhiều phương pháp điều trị mới và hiệu quả. Tuy vậy các bệnh đường tai mũi họng vẫn là gánh nặng cho xã hội. Bệnh viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm họng mạn tính, ung thư vòm họng, thanh quản, điếc và nghe kém... là nỗi ám ảnh cho bệnh nhân và thầy thuốc, ngay cả với các nước có nền y học tiên tiến.
Hiện có nhiều phương pháp điều trị các bệnh lý về tai mũi họng như phẫu thuật nội soi, kỹ thuật tạo hình, kỹ thuật cấy điện cực tai ốc, ứng dụng công nghệ sinh học phân tử...