Nhìn thì tưởng rắn lục đuôi đỏ nhưng lại không đơn giản như vậy, có tới 7 loài khác nhau!

Cách phân biệt các loại rắn lục đuôi đỏ tại Việt Nam

Ở Việt Nam, rắn lục là một loài rắn có phạm vi phân bố khá rộng và là mối nguy hiểm tiềm ẩn cho con người vì khả năng ngụy trang với môi trường xung quanh của chúng. Thế nhưng, ít ai biết rằng có tới 7 loài rắn lục khác nhau sinh sống ở nước ta.

Khi bạn gặp một cá thể rắn lục thì việc phân biệt chúng cũng không hề dễ dàng, vậy thì bài viết sau sẽ giúp mọi người có thể nhận biết nhanh các loài rắn lục. Bài viết dưới đây được trang Lưỡng cư và Bò sát Việt Nam chia sẻ.


Những điểm cơ bản để phân biệt rắn lục.

Họ rắn lục ở Việt Nam có khoảng 22 - 24 loài có ghi nhận, thuộc họ Viperidae với 7 giống (genus). Những loài rắn trong nhóm này đều có màu chủ đạo là xanh lá cây và nâu. Bài viết này sẽ đề cập đến 7 loài có màu xanh đặc trưng và rất dễ nhầm lẫn vì nhìn na ná nhau.

Những người không am hiểu về rắn đều gọi chúng là rắn lục đuôi đỏ, thế nhưng thực ra lại có tới bảy loài khác nhau bao gồm:

  • 1. Trimeresurus albolabris: Rắn lục mép trắng (phổ biến số 1)
  • 2. Trimeresurus vogeli: rắn lục von-gen
  • 3. Trimeresurus stejnegeri: rắn lục xanh stejneger
  • 4. Trimeresurus rubeus: Rắn lục mắt đỏ miền nam
  • 5. Trimeresurus cardamomensis: rắn lục xanh cardamom
  • 6. Trimeresurus guoi: Rắn lục guo
  • 7. Trimeresurus gumprechti: Rắn lục xanh gumprecht

Để phân biệt được các loài rắn lục trên thì chúng ta cần nhìn vào màu mắt, vị trí địa lý của chúng, màu má của rắn (ửng hồng hay trắng bệch) và cuối cùng là màu của đuôi rắn. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết hơn từng loài qua phần tiếp theo.

Chúng ta sẽ chia các loài rắn làm 3 nhóm chính dựa vào đặc điểm màu mắt, vị trí phân bố và vạch màu trắng dưới mắt. Cụ thể, xem hình bên dưới:


Cách phân biệt các loài rắn lục nhanh chóng. (Ảnh: Lưỡng cư và Bò sát Việt Nam).

Nhóm 1, có mắt màu đỏ hoặc mận chín (3 loài)

  • Nếu mắt màu đen hoặc mận chín, bên hông dải vàng hoặc trắng, chỉ có ở khu vực Tây Bắc là loài rắn lục gou; Trimeresurus guoi.
  • Nếu mắt màu đỏ, dải màu bên hông đỏ, ở phía Tây Bắc từ Hòa Bình ra Lào Cai thì là rắn lục Gumpercht; Trimeresurus gumprechti.
  • Nếu mắt màu đỏ mà ở phía Nam, Lâm Đồng hay Đồng Nai và lân cận thì là rắn lục mắt đỏ hay hồng ngọc, Trimeresurus rubeus.


Đối với nhóm 1, là nhóm có màu mắt đỏ thì chúng ta cần thêm các thông tin sau để nhận dạng. (Ảnh: Thailand National Parks).

Nhóm 2 (hai loài), mắt không có màu đỏ

Mắt không phải màu đỏ mà là mắt màu nâu, vàng nhạt, hoặc có thể là đồng thì chúng ta nhìn vào bên má, cụ thể thì con đực có vạch trắng rõ, con cái thì má có 2 màu khá tách bạch (xanh ở mép trên với vàng ở mép môi dưới khá rõ ràng).

Hai loài này rất giống nhau nên cần dựa vào địa điểm tìm thấy để nhận dạng: Trong đó Rắn lục cardamom chỉ được ghi nhận ở Đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, còn rắn mục mép trắng thì được tìm thấy ở hầu khắp Việt Nam.


Phân biệt hai loài rắn thuộc nhóm thứ 2. (Ảnh: Lưỡng cư và Bò sát Việt Nam).

Nhóm thứ 3 (2 loài), má có vạch trắng

Chúng đều có mắt màu đồng hoặc nâu như nhóm 2, nhưng má không có vạch trắng, thường là đồng màu xanh hoặc chuyển màu xanh đậm ở trên sang màu nhạt phía dưới miệng.

Đây là 2 loài khó phân biệt nhất, kể cả đối với người làm chuyên về phân loại học. Hai loài này có thể phân biệt như sau:

  • Con non thường có chấm trắng trên lưng, đuôi màu xanh hoàn toàn, sống từ Hà Tĩnh vào tới Lâm Đồng: Rắn lục von-gen; Trimeresurus vogeli.
  • Đuôi màu đỏ nâu đầu mút, hoàn toàn không có đốm trắng trên lưng, sống từ Đà Nẵng ra phía Bắc: Rắn lục xanh; Trimeresurus stejnegeri.


Nhóm rắn thứ 3, gồm 2 loài rất giống nhau. (Ảnh: Lưỡng cư và Bò sát Việt Nam)

Trên đây là các cách nhận dạng nhanh cho đa số mọi người, kể cả những người không chuyên về lĩnh vực phân loại rắn. Cả 7 loài rắn trên đều là rắn độc liên quan tới độc máu gây hoại tử nhưng sẽ không gây tử vong nếu được chữa trị kịp thời.

Nếu vô tình bị loài rắn lục đuôi đỏ cắn thì tuyệt đối không garo, chích, hút máu hay đắp các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Thay vào đó hãy sơ cứu (băng nẹp nhẹ tương tự trường hợp gãy tay, chân) rồi đưa nạn nhân tới cơ quan y tế gần nhất để được giúp đỡ.

Cập nhật: 16/07/2024 Theo Pháp luật&bạn đọc/Lưỡng cư và Bò sát Việt Nam
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video