Những ai không nên dùng aspirin?

Ở người già, việc sử dụng aspirin hằng ngày làm tăng nguy cơ bị thiếu máu cơ tim lên hai lần. Trẻ em, bệnh nhân hen, loét dạ dày... cũng không được dùng thuốc này.

Thuốc aspirin (Ảnh:  news.harvard)

Hoạt chất của aspirin hiện diện trong thành phần của nhiều hỗn hợp thuốc thông thường. Ngoài tác dụng giảm đau, chống viêm, hạ sốt, trong hơn 20 năm trở lại đây, người ta còn khám phá thêm một số tác dụng mới của aspirin như: chống đột quỵ do nghẽn mạch máu não, điều trị đau tim, nhồi máu cơ tim cũng như các biến chứng về tim mạch của người bị bệnh tiểu đường.

Sở dĩ aspirin có tác dụng chữa bệnh tim mạch là do nó chống sự hình thành cục máu đông. Chức năng này khiến aspirin có thể làm máu loãng hơn. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, thuốc làm giảm tỷ lệ các cơn đau tim nhẹ ở người ít nguy cơ bệnh tim mạch. Nhưng tỷ lệ tử vong trong nhóm nghiên cứu và nhóm đối chứng hoàn toàn như nhau. Các nhà khoa học lập luận, cứ cho tác dụng phòng cơn đau tim của aspirin là có thật thì thuốc này lại làm tăng tỷ lệ tử vong vì các bệnh hoặc biến chứng khác.

Nhiều nghiên cứu cho thấy aspirin bảo vệ tế bào não, giảm bệnh mất trí nhớ ở người già và giảm tai biến mạch máu não. Nhưng một số nghiên cứu khác cho kết quả ngược lại: tăng tai biến mạch máu não, chảy máu não, tổn thương tế bào não, động kinh, thoái hóa hoàng điểm ở mắt. Một nghiên cứu cuối năm 2005 tại Nhật Bản khẳng định, aspirin chẳng những không phòng được tai biến mạch máu não cho bệnh nhân loạn nhịp tim mà còn làm tăng chảy máu cho họ.

Tác hại của aspirin

Một trong những biến chứng thường gặp của aspirin là gây tổn thương đường tiêu hóa, loét dạ dày, chảy máu tiêu hóa. Khoảng 2-6% số người dùng phải ngừng thuốc vì các biểu hiện này. Liều dùng và tuổi bệnh nhân càng cao, khả năng xảy ra các tai biến ở đường tiêu hóa càng lớn. Tác dụng chống đông máu của aspirin cũng làm tăng nguy cơ chảy máu não, tỷ lệ là 2% số người sử dụng thuốc.

Ở những người già, việc sử dụng aspirin hằng ngày làm tăng nguy cơ bị thiếu máu cơ tim gấp hai lần. Aspirin còn làm tăng các trường hợp xuất huyết, ung thư thận và đại tràng, không có tác dụng phòng bệnh tim cho cả người tăng huyết áp lẫn người huyết áp thấp.

Những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh mạch vành thấp không những không có được lợi ích gì khi dùng aspirin mà còn tăng khả năng bị các tai biến do thuốc.

Một số người còn bị dị ứng với aspirin gây mẩn ngứa, nổi mề đay, phù ở mắt... Aspirin còn gây ra một dạng hen suyễn gọi là suyễn do aspirin. Những bệnh nhân hen phế quản cùng với polyp ở khoang mũi tuyệt đối không được dùng aspirin vì nó có thể gây ra cơn hen nặng.

Ở trẻ em, aspirin còn có thể gây ra hội chứng Reye, hiếm gặp nhưng nguy hiểm. Hội chứng này thường xảy ra khi bệnh nhi sử dụng aspirin do cảm cúm, thủy đậu hoặc các bệnh do siêu vi trùng ở đường hô hấp. Các biểu hiện ban đầu là nôn, mửa, buồn ngủ và có thể hôn mê, liệt hô hấp. Bệnh nhân có thể bị thoái hóa gan và chết vì phù não trong trường hợp nặng.

Các nhà khoa học Mỹ còn cho biết, aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau thông thường còn làm tăng tỷ lệ sảy thai khi dùng trong thời kỳ thai nghén, nhất là ở giai đoạn sớm.

Dùng như thế nào?

Với những kết quả nghiên cứu và kiến thức hiện có, aspirin chỉ nên được dùng với chỉ định thông thường của nó để chữa bệnh, chữa triệu chứng khi cần thiết. Tuyệt đối không nên dùng cho những người có tiền sử bệnh chảy máu, loét dạ dày, người mẫn cảm với aspirin cũng như người có bệnh ở gan và thận.

Các dạng aspirin có vỏ bao phim hoặc aspirin trung tính trên thực tế không làm giảm tỷ lệ biến chứng ở đường tiêu hóa. Uống rượu với bất kể số lượng nào cũng làm tăng nguy cơ làm chảy máu của aspirin.

Khi dùng cùng các thuốc chống viêm, giảm đau khác như ibuprofen, tác hại cho đường tiêu hóa của aspirin sẽ bị nhân lên. Khả năng gây chảy máu của nó cũng tăng khi dùng chung với các thuốc chống đông máu. Các dược thảo có tác dụng hoạt huyết như tam thất, ngưu tất, đan sâm, hồng hoa... khi dùng cùng với aspirin cũng phải thận trọng.

Một điều đáng ngại là: ở nhiều bệnh nhân, các biểu hiện chảy máu thường ngấm ngầm và không có dấu hiệu báo trước. Những triệu chứng sau đây có thể làm chúng ta phải cảnh giác: phân màu đen hoặc đại tiện ra máu, nôn ra máu, cơn đau bụng dữ dội do chảy máu cấp và thiếu máu do chảy máu ngấm ngầm trong một thời gian dài.

TS. Hoàng Xuân Ba

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video