Những cây cầu và đường hầm nối liền châu Âu - châu Á

Thế kỷ trước, những cây cầu đồ sộ bắt đầu bắc qua eo biển Bosphorus, nơi phân chia châu Âu - châu Á, để phục vụ người dân qua lại.


Những chuyến phà chạy qua eo biển Bosphorus. (Ảnh: Ryzhkov Aleksandr/Adobe Stock).

Với những dinh thự trang nhã, công viên và rừng cây nằm rải rác trên bờ dốc, eo biển Bosphorus là hiện thân của thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Eo biển này dài 30 km, chạy từ Biển Đen ở phía bắc đến Biển Marmara phía nam. Nơi đây cũng nổi tiếng vì phần phía tây thuộc châu Âu, trong khi phần phía đông lại thuộc châu Á.

Theo số liệu năm 2021, Istanbul có khoảng 16 triệu cư dân. Nhiều người sống ở phía bên này nhưng làm việc ở bên kia thành phố, nghĩa là thường xuyên có một lượng lớn cư dân di chuyển. Ngoài tàu thủy, họ cũng sử dụng hệ thống đường bộ, đường sắt và đường hầm để đi từ châu lục này sang châu lục khác.


Cầu Martyrs 15/7. (Ảnh: Photosensia/iStockphoto/Getty)

Cây cầu ban đầu mang tên Boğaziçi Köprüsü - hay cầu Bosphorous - và được đặt lại tên là Martyrs 15/7 để tưởng nhớ những người thiệt mạng trong vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn gọi đây là cầu Bosphorous hoặc cây cầu Đầu tiên. Trước khi cầu khánh thành vào ngày 29/10/1973, trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, cách duy nhất để di chuyển từ châu Âu sang châu Á ở Istanbul là đi phà.

Martyrs 15/7 là cầu treo bằng thép cao 1.560 m, cho phép tài xế chạy qua phía trên vùng nước chảy xiết của eo biển Bosphorus và thưởng thức khung cảnh từ Cung điện Topkapi đến Biển Marmara phía xa.

Thời gian đầu, công trình thu hút những người đi bộ muốn có một vị trí thuận lợi để chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ trang nghiêm của Nhà thờ Hồi giáo Büyük Mecediye thế kỷ 19. Ngày nay, cây cầu chỉ mở cửa cho người đi bộ một ngày mỗi năm, khi hàng nghìn người đăng ký tham gia giải chạy Marathon Istanbul. Thời gian còn lại, các tài xế chỉ cần trả chưa đến 50 xu để chạy qua cầu.


Cầu Fatih Sultan Mehmet. (Ảnh: Mehmet/Adobe Stock).

Cây cầu thứ hai kết nối hai châu lục khánh thành ngày 3/7/1988, được đặt tên theo Fatih Sultan Mehmet, vị vua của đế quốc Ottoman trong thế kỷ 15. Công trình này đôi khi được gọi là FSM Köprüsü và cũng là cầu treo bằng thép, có chiều dài và phí sử dụng tương tự cầu Martyrs 15/7.

Cầu Fatih Sultan Mehmet bắc qua điểm hẹp nhất của eo biển Bosphorus, nơi vua Ba Tư Darius I được cho là đã xây một cây cầu nổi vào năm 512 trước Công nguyên. Mặt cầu Fatih Sultan Mehmet nằm ở độ cao 60 m so với mặt nước, kết nối Hısarüstü ở phía tây với Kavacık ở phía đông. Cây cầu mang đến tầm nhìn ngoạn mục về eo biển Bosphorus nhưng không cho phép người đi bộ mà chỉ cho xe chạy qua.


Cầu Yavuz Sultan Selim. (Ảnh: Irina lepnyova/Adobe Stock).

Năm 2016, cầu treo thứ ba bắc qua eo biển Bosphorus, gần Biển Đen, đi vào hoạt động. Công trình được đặt tên theo Yavuz Sultan Selim, cháu trai của Fatih Sultan Mehmet, một sự lựa chọn thích hợp vì ông rất quan tâm đến giao thông.

Sau khi hoàn thành, cây cầu đã phá vỡ nhiều kỷ lục. Với mặt cầu đơn rộng 58,8 m, đây là cầu treo rộng nhất thế giới khi đó, có thể chứa 8 làn xe và một tuyến đường sắt đôi. Đây cũng là cây cầu cao thứ 5 trên thế giới với chiều cao hơn 322 m.

Cây cầu được thiết kế cho xe tải và xe chạy đường dài đến trung tâm Anatolia hoặc xa hơn. Nó cung cấp tầm nhìn xa hàng km ra Biển Đen vào những ngày trời quang đãng và thu phí cơ bản khoảng 1 USD.


Cầu Çannakale 1915. (Ảnh: Burak Akay/Anadolu Agency/Getty).

Cây cầu mới nhất bắc qua hai châu lục là Çannakale 1915, kết nối thị trấn Gelibolu ở phía châu Âu với thị trấn Lapseki ở phía châu Á. Công trình khánh thành ngày 18/3/2022, trong dịp kỷ niệm ngày Thổ Nhĩ Kỳ chiến thắng quân Đồng Minh trong trận chiến giành quyền kiểm soát tuyến đường thủy quan trọng này vào năm 1915.

Với chiều dài 3,7 km, Çannakale 1915 lập kỷ lục thế giới về nhịp cầu treo dài nhất. Cây cầu thay thế chuyến phà kéo dài một giờ (thực tế có thể lên tới 5 giờ nếu phải chờ đợi lâu) bằng 6 phút lái xe với giới hạn tốc độ 80 km/h. Với thiết kế ưu tiên tốc độ hơn tầm nhìn, cây cầu ít phổ biến hơn với người dân địa phương do mức phí gần 11 USD mỗi xe.


Hầm Eurasia. (Ảnh: OZAN KOSE/AFP).

Đoạn chìm dưới nước dài 5,3 km của đường hầm Eurasia là điểm thu hút lớn với những người yêu thích kỹ thuật. Đây là một phần của tuyến đường dài 14,5 km kết nối Kazlıçeşme ở châu Âu với Göztepe ở châu Á. Khi khánh thành vào tháng 12/2016, đường hầm giúp giảm thời gian di chuyển từ 100 phút xuống chỉ còn 15 phút.

Đường hầm Eurasia là tuyến đường thiết thực nhất giữa hai sân bay của thành phố Atatürk và Sabiha Gökçen, trước khi các chuyến bay thương mại được chuyển từ sân bay Atatürk sang sân bay Istanbul. Hầm có giới hạn tốc độ 70 km/h và mức phí 2,85 USD mỗi xe. Với mỗi chuyến xe chạy qua, phí được thu bằng hệ thống HGS. Hệ thống sử dụng những miếng dán kính chắn gió đặc biệt được quét tự động khi các phương tiện chạy qua cổng thu phí.


Hầm đường sắt Marmaray. (Ảnh: OZAN KOSE/AFP).

Đường hầm dài 13,6km này bắt đầu được xây dựng năm 2004 và dịch vụ đường sắt đi vào hoạt động ngày 29/10/2013. Thời hạn bị kéo dài vì gần như mỗi mét đào xuống lại làm lộ ra những hiện vật khảo cổ, một số có niên đại tới 8.000 năm.

Đến năm 2019, toàn bộ các ga dọc theo tuyến đường mới đi vào hoạt động. Đường hầm kết nối Kazlıçeşme ở phía châu Âu với Ayrılık Çeşmesi ở phía châu Á. Ở điểm thấp nhất, công trình sâu khoảng 60 m so với mực nước biển, trở thành đường hầm chìm sâu nhất thế giới xây theo phương pháp thả chìm từng phần.

Cập nhật: 30/06/2023 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video