Những “chuyện thật như bịa” kinh ngạc nhất trong lịch sử tình báo thế giới

Trong phim, ảnh và sách báo, các điệp viên luôn xuất sắc và sành điệu. Tuy nhiên, trong đời thực của tình báo, gián điệp là một nghề không hề dễ dàng.

Quan chức CIA hẹn ăn trưa với điệp viên Liên Xô

James Jesus Angleton là một công chức tận tụy, và là một trong những chuyên gia phản gián được kính trọng nhất trong thế giới phương Tây, là người đứng đầu ngành Phản gián thuộc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trong 21 năm. Việc giữ được chiếc ghế đó sau một sự cố dưới đây minh chứng cho tài năng của ông này. Kim Philby là một ngôi sao sáng trong trong làng tình báo Anh, được gửi đến Washington vào năm 1949, để làm đầu mối liên lạc giữa CIA và MI6. Mỗi tuần, Angleton và Philby ăn trưa tại một nhà hàng Harvey ở Washington. Angleton đã bị ấn tượng bởi học vấn Cambridge của Philby, và vì cảm thấy tự hào rằng mình có thể uống rượu với điệp viên Anh, mỗi bữa trưa trở thành một cuộc thi uống rượu martini.

Năm 1951, hai cộng sự của Philby đào tẩu sang Moscow, Angleton vẫn duy trì niềm tin vào sự vô tội hoàn toàn của Philby, tuy nhiên, vẫn ngấm ngầm hủy tất cả các bằng chứng liên quan đến bữa trưa dài dài của mình với bạn hữu đến từ “Xứ sở sương mù”. Sau nhiều năm điều tra, MI6 cũng kết luận Philby vô tội. Sau đó, Philby đào thoát đến Moscow và thừa nhận đã được Liên Xô tuyển dụng khi còn ở Cambridge. Vụ việc đã khiến Angleton ngày càng hoang mang, ám ảnh và tin rằng CIA đã bị KGB phá hoại một cách có hệ thống, cho đến khi ông ta rời khỏi cơ quan này.

Điệp viên Đức Quốc xã hoạt động tại Mỹ

Trong Thế chiến II, Đức Quốc xã đã ít nhất ba lần phái gián điệp đến Mỹ. Năm 1942, điệp vụ mang mật danh Chiến dịch Pastorius đã phái hai toán với bốn điệp viên mỗi toán cùng quần áo dân sự, tiền, vũ khí và chất nổ đến Mỹ để phá hoại các cơ sở sản xuất và năng lượng của nước này, ném chất nổ vào các cửa hàng bách hóa của người Do Thái, đánh bom giao thông công cộng nhằm gieo rắc nỗi kinh hoàng...

Nhóm đổ bộ ở Long Island ngay lập tức bị phát hiện bởi lực lượng bảo vệ bờ biển. Một lính Mỹ phát hiện ra nhóm người lạ đã nghi ngờ khi George John Dasch - toán trưởng - cố gắng mua chuộc anh ta, và một thành viên khác trong toán đến gặp hai người trong bọn và hỏi Dasch một câu hỏi bằng tiếng Đức. Một nhóm người Mỹ quay trở lại hiện trường bị bỏ hoang của cuộc đổ bộ, nhìn thấy một chiếc tàu ngầm biến mất trong nước và tìm thấy những hộp đồ tiếp tế bị chôn vùi, bao gồm cả quân phục Đức.


Điệp viên huyền thoại hai mang Harold Adrian Russell "Kim" Philby trên tem bưu điện Liên Xô; Nguồn: wikipedia.org

Toán điệp viên Đức đã rời khỏi đó, nhưng Dasch và một thành viên khác - Ernest Peter Burger - quyết định không phá hoại và khủng bố, gọi cho FBI và tự ra đầu thú. Nhưng trước tiên, Dasch dành một ngày rưỡi để đánh bạc. Sau đó, đến Washington, Burger cùng các thành viên còn lại trú tại một khách sạn, chờ đợi; Dasch đến một văn phòng FBI, ném tất cả số tiền còn lại lên bàn của một nhân viên FBI và yêu cầu được nói chuyện với Edgar Hoover (Giám đốc FBI - ND).

Với toán kia, hai người đã bị bắt do thông tin của Dasch khai; một người trong nhóm là người Mỹ - về nhà với bố mẹ, và “nướng” rất nhiều tiền dành cho nhiệm vụ để mua một chiếc xe mới. Sau đó, y đến FBI, giải thích lý do tại sao không đăng ký quân dịch. Y bị nhân viên FBI theo dõi và bị bắt. Điệp viên thứ tư đi xem phim rất nhiều, về sau, thấy cô đơn nên đi gặp một số người bạn, giải thích rằng đến Mỹ trên một chiếc tàu ngầm Đức và đang thực hiện một nhiệm vụ phá hoại và bị tóm sống.

Năm 1944, hai điệp viên Đức - một người là người Đức trung thành và người kia là người Mỹ - một kẻ cơ hội, đã nhảy dù xuống New York để thu thập thông tin tình báo. Trong một tháng, người Mỹ, William Colepaugh, đã chi 1.500 USD để uống rượu, đánh bạc và mua vui với gái. Ngay trước lễ Giáng sinh, Colepaugh đã mang theo tất cả số tiền của cả hai điệp viên là 40.000 USD ăn chơi, và sau lễ Giáng sinh, Colepaugh không một xu dính túi đã tự mình đến FBI và khai nơi điệp viên Gimpel đang trốn. Phần lớn các điệp viên Đức trong thời gian này đã bị đưa ra tòa án quân sự và bị xử tử; những người có thái độ hợp tác nhất đã nhận được bản án dài, được trao đổi tù nhân sau khi chiến tranh kết thúc.

Tình báo Mỹ tin tưởng một điệp viên Đức Quốc xã

Bác sĩ Ignatz Griebl - một bác sĩ phẫu thuật được kính trọng, một trụ cột của cộng đồng, một thành viên của lực lượng dự bị quân đội, và là một kẻ phát xít hăng hái, từ Đức đến Mỹ vào năm 1925. Ông này đã dung dưỡng các kỹ sư và chuyên gia công nghệ, thuyết phục họ cung cấp công nghệ Mỹ cho Đức. Griebl tổ chức một mạng lưới gián điệp, kiếm được cho mình một vài cô nhân tình (tiền tiêu xài từ chính phủ Đức) là thư ký hoặc tình nhân của các quan chức quân đội Mỹ và có được một danh sách những người Do Thái nổi tiếng ở Mỹ, khi Quốc xã thống trị nước Đức.

Năm 1938, một trong những điệp viên của Griebl bị FBI bắt, và trong quá trình thẩm vấn, đã khai ra Griebl. Griebl đã thú nhận với FBI tất cả một cách dễ dàng và từ tốn, như thể anh ta đang chờ đợi một cơ hội để được ân xá. FBI tìm thấy một máy phát sóng của Đức Quốc xã và rất yên lòng thả anh ta cho đến khi anh ta cần phải có mặt để điều trần tại phiên của bồi thẩm đoàn. Nhân viên FBI tin chắc Griebl sẽ vui vẻ quay lại với họ để họ có thể xử anh ta vì tội gián điệp. Nhưng Griebl đã chuồn về Áo, nơi Griebl hành nghề y trong suốt quãng đời còn lại.

Vụ Dreyfus ảnh hưởng không chỉ một quốc gia

Năm 1894, khi Đức và Pháp không thân thiện với nhau, tình báo quân sự Pháp linh cảm có ai đó đang cung cấp thông tin cho người Đức. Cảnh sát nghi ngờ kẻ rò rỉ thông tin cơ mật là Alfred Dreyfus - một sĩ quan Pháp là người gốc Do Thái, không được ưa chuộng nhưng họ không có bằng chứng. Người ta đã làm giả mạo một vài tài liệu, và tổ chức một vài cuộc họp giả để thử và phát hiện đúng, nên Dreyfus được đưa đến Đảo Devil's, ngoài khơi Nam Mỹ.

Vụ này được báo chí Pháp đưa tin nhiều và gây ra cuộc tranh luận gay gắt. J'accuse, tiêu đề của một bài báo lên án hành vi của "những người chống Dreyfusards" đã trở thành một cụm từ phổ biến, được sử dụng lại nhiều lần trong nhiều ngữ cảnh khác nhau.


Vụ Dreyfus ảnh hưởng đến quan hệ cấp quốc gia; Nguồn: gizmodo.com.

Bằng chứng đã bị làm giả, nhưng khi mọi người bắt đầu kiểm tra bằng chứng giả, các quan chức trả lời bằng nhiều bằng chứng giả hơn, được pha chế trong bí mật và chuyển từ người này sang người khác trong các cuộc họp bí mật. Tất cả các bằng chứng, thật và giả, đã được băm nát, đào bới trên báo chí, cho đến khi vụ việc có thể được đưa ra theo bất kỳ quan điểm nào, tùy thuộc vào quan điểm mà người ta muốn đưa ra. Và do đó, một hoạt động phản gián đã trở thành một cuộc thử nghiệm, một cuộc chiến văn hóa.

Những người phản đối vụ Dreyfus là những người theo chủ nghĩa truyền thống, tôn giáo, và có quan điểm rằng nếu quân đội đã thông qua phán quyết đối với Dreyfus, phán quyết của họ nên được tôn trọng, để bảo toàn danh dự của quốc gia. Nhà Dreyfusards là những người tiến bộ, chống lại phán quyết. Vụ việc đã gây ra bạo loạn, tuần hành và thay đổi chính trị quốc tế - không chỉ giữa Pháp và Đức. Đã có những cuộc bạo động ở Italy liên quan đến vụ Dreyfus, và nó đã phá vỡ mối quan hệ giữa Pháp và Italy cho đến khi Dreyfus bị xét xử một lần nữa, và được miễn trừ mọi cáo buộc và trở lại chức vụ của mình trong quân đội. Ông này đã phục vụ trong Thế chiến I.

Anh cử một điệp viên đến dự án Manhattan

Tướng Leslie Groves là người Mỹ phụ trách "Dự án kỹ thuật Manhattan" vào năm 1942, làm việc với một số quan chức quân sự, chính trị gia và nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới, mà không làm bạn. Điều này không có vấn đề gì với Groves. Điều không ổn đối với ông là thực tế các đồng minh của Anh từ chối cho phép Mỹ kiểm tra kỹ lưỡng và gạch tên mọi nhà khoa học mà họ chọn cử đến. Người Anh phản đối. Cuối cùng, Mỹ đã lùi bước, và người Anh đã cử các nhà khoa học đáng kính của họ đến để nghiên cứu bom nguyên tử.

Một trong những nhà khoa học mà họ cử đến là Klaus Fuchs - người trong sáu năm tiếp theo đã chuyển thông tin chi tiết về bom nguyên tử, và sau đó là bom khinh khí. Fuchs trở lại Anh vào năm 1949, bắt đầu công việc tại cơ sở Nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử Harwell. Các sĩ quan tình báo phá được mật mã của Liên Xô và khám phá ra hành tung của ông. Ông phải ngồi tù mười năm, bị thu hồi quốc tịch Anh và đến Đông Đức. Ở các nước XHCN, Fuchs thậm chí còn có một sự nghiệp danh giá hơn các nước tư bản, thậm chí còn tư vấn với các nhà khoa học Trung Quốc về cách chế tạo bom nguyên tử.

Venona giải mã nhờ khả năng in ấn hạn chế

Năm 1943, Gene Grabel, thuộc Signal Intelligence Service (một bộ phận được thành lập vào năm 1930 chịu trách nhiệm về mật mã, cơ yếu của Quân đội Mỹ trong suốt Thế chiến II, và tháng 9/1945, trở thành Cục An ninh Quân đội - ND), bắt đầu một dự án mang mật danh Venona nhằm giải mã hệ thống mật mã cực kỳ khó của Liên Xô. Các thông điệp của Liên Xô được mã hóa thành số bằng cách sử dụng các cuốn sách được trao cho người gửi và người nhận.

Những cuốn sách này chỉ được sử dụng một lần, khiến mã không thể giải được, nhưng chúng đã gặp phải các vấn đề thực tế. Các con số trong sách phải ngẫu nhiên, và vì chiến tranh đang xảy ra, khối lượng tin nhắn được gửi đi đòi hỏi chính phủ phải in một lượng lớn sách. Các cuốn sách đã được tái bản, đôi khi được tái sử dụng bởi các nhà khai thác không hoặc không thể có được những quyển sách mới, và vào cuối chiến tranh, đã được tái sử dụng ngày càng nhiều.


Mật mã Liên Xô bị giải đơn giản vì không thể in ấn được nhiều sách theo yêu cầu; Nguồn: gizmodo.com

Thông điệp đến địa chỉ không dễ dàng và chậm, một số còn chưa được giải mã cho đến những năm 1950. Nhưng một khi một số thông điệp được giải mã, những thông điệp khác được giải mã dễ hơn và nhanh hơn. Dự án Venona cảnh báo các quan chức về sự hiện hữu của các điệp viên hai mang - mặc dù Kim Philby đã biết về dự án và được cập nhật thường xuyên về tiến độ của nó. Vì nguồn sách hạn chế, Venona đã lần ra mật mã, vạch rõ chân tướng Klaus Fuchs và Julius Rosenberg.

Điệp viên cộng sản tận dụng lợi thế của CIA

Karl và Hana Koecher đã phải trải qua một thời kỳ khó khăn ở Tiệp Khắc, mặc dù cha mẹ của Hana là những người có địa vị khá cao trong đảng Cộng sản. Karl là một nhà viết hài kịch cho một đài phát thanh địa phương, và thường viết các bài châm biếm, chế giễu tình hình chính trị ở đất nước mình. Điều đó làm các quan chức địa phương không hài lòng, vì vậy Karl và Hana đã đến Mỹ. Karl là nghiên cứu sinh tiến sĩ triết học, nhưng kỹ năng của anh ta được sử dụng thực tế hơn là hài kịch hay triết học. Trình độ ngoại ngữ và lịch sử chống cộng, khiến anh ta trở thành điệp viên hoàn hảo cho CIA. Karl được chiêu mộ vào năm 1973 và gần như ngay lập tức được cấp quyền truy cập vào thông tin bảo mật cấp cao.

Vụ việc của Karl không gặp rắc rối vì anh ta là một điệp viên hai mang với vỏ bọc được xây dựng cẩn thận. Các chương trình phát thanh kêu gọi lật đổ chế độ của anh ta đã được cơ quan tình báo Tiệp Khắc “bật đèn xanh”. Sự bất mãn của anh ta và lòng căm thù đối với đảng đã được duy trì trong nhiều năm. Bình phong dân sự của anh ta ở Mỹ đã được xây dựng tốt. Trên thực tế, nhiều lần trong suốt sự nghiệp của ông ta ở CIA, ngay cả KGB cũng không chắc Karl thực sự đang làm việc cho ai.

Điều khiến nhà Koechers gây khó chịu cho cộng đồng tình báo là thực tế là họ thu được nhiều thông tin không phải do công việc của Karl, mà là tại các cuộc vui và tiệc hoán đổi vợ với các quan chức ở New York và Washington. Điều này không chỉ giúp họ có thêm thông tin mà còn khiến những người quen của họ do dự khi tiết lộ về họ, và CIA do dự không theo dõi, vì để lộ họ đồng nghĩa với việc phơi bày “văn hóa cơ quan” mà không ai muốn công khai. Cặp đôi này đã không bị bắt cho đến năm 1984, và cuối cùng, được trả về Tiệp Khắc dưới dạng trao đổi tù nhân.

Trận Trân Châu Cảng xảy ra vì không ai muốn chia sẻ

Tháng 12/1941, một Tùy viên quân sự nhận được tin rằng người Hà Lan đã giải mã được thông tin ngoại giao của Nhật Bản - người Nhật đang lên kế hoạch tấn công Hawaii, Philippines và Thái Lan. Viên Tùy viên đã báo cáo cho cấp trên, nhưng thông tin đã bị bỏ lơ. Tại Washington, các nhà phân tích đã chặn được một thông điệp gửi đến đại sứ quán Nhật Bản - đốt các sách mật mã và phá hủy các máy mật mã. Trong khi đó, hạm đội Nhật Bản đang di chuyển về phía nam, hướng tới Philippines; không ai chú ý một vài con tàu đang tiến quá gần đến Hawaii.


Thất bại thảm hại của Mỹ tại Trân Châu Cảng là thất bại của công tác tình báo; Nguồn: worldwar2facts.org.

Các nhà phân tích khác cho rằng Mỹ đang nhận được rất nhiều thông điệp mâu thuẫn và rằng mọi người đã làm những gì tốt nhất có thể với các thông điệp đó. (Ví dụ, Mỹ đã được cảnh báo về một cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng vào tháng 1/1941. Đây là một thông tin sai, vì không có cuộc tấn công nào được lên kế hoạch vào thời điểm đó). Một điều mà hầu hết mọi người đồng ý là, liệu đây có phải là một thất bại của tình báo, hay là thất bại của sự hiểu biết. Mỹ đã đánh giá thấp khả năng và động cơ của đối thủ, vì vậy đã tận hưởng cảm giác an toàn giả tạo.

Heinrich Albert là điệp viên tệ nhất hay xuất sắc nhất thế giới

Có thể thấy rằng, sai lầm nhục nhã của một quốc gia luôn là thành công tuyệt vời về tình báo của quốc gia khác. Điều gì tồi tệ cho quốc gia này thì là điều tốt cho quốc gia kia. Gián điệp càng gần với trò chơi có tổng bằng 0 càng tốt. Đó là điều khiến Heinrich Albert Nap - một nhà ngoại giao người Đức tại New York vào năm 1914, dưới trướng Đại sứ Johann von Bergstorff - trở nên khó hiểu khi làm một số điều mà người Mỹ có thể nghi ngờ.

Một số người Mỹ ủng hộ lập trường của Đức trong Thế chiến I, và thậm chí muốn gia nhập quân đội Đức, nhưng hầu hết người Mỹ đều chống lại Đức, không quan tâm đến việc tham gia vào chiến tranh "nước ngoài". Von Bergstorff đang cố gắng định hình dư luận bằng cách mua cổ phiếu trên các tờ báo đưa tin về mặt trận và đưa ra những câu chuyện có lợi cho lập trường Đức. Von Bergstorff cũng phụ trách việc tạo, mua hoặc đánh cắp hộ chiếu để các thủy thủ Đức có thể tự do ra vào Mỹ. Albert là người trả tiền, huy động tiền cho tất cả các hoạt động này và thanh toán.

Các quan chức tình báo Mỹ nghi ngờ Albert có liên quan đến một điều gì đó mờ ám nên đã theo dõi các hoạt động của ông ta. Một trong những hoạt động đó là chợp mắt trên một toa tàu điện ngầm ấm áp, giật mình tỉnh giấc và rời khỏi chiếc tàu mà không có chiếc cặp của mình. Nó được chứng minh là cái chợp mắt đắt đỏ. Các điệp viên Mỹ đã cho rò rỉ các giấy tờ trong chiếc cặp cho báo chí. Nhiều công dân là người Mỹ gốc Đức và cảm thấy thông cảm cho quê hương của họ, và thậm chí một số người không có quan hệ với Đức đã ủng hộ chính nghĩa của Đức.

Mặc dù đây không phải là thời điểm xác định khiến Mỹ tham chiến, nhưng người dân Mỹ bắt đầu coi Đức là một quốc gia tích cực chống lại lợi ích của Mỹ. Vì vậy, Albert rõ ràng là một điệp viên có hạng, hoặc na ná như vậy. Sau chiến tranh, Albert thành lập một công ty luật đại diện cho lợi ích của Mỹ ở Đức - giống như trước chiến tranh, ông đã đại diện cho lợi ích của Đức ở Mỹ. Điều này khiến người ta đặt ra câu hỏi ông ta thực sự đã làm việc cho ai?

Cập nhật: 29/12/2020 Theo Dân Việt
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video