Những di sản châu Phi trên bờ vực bị "nuốt chửng" khi nước biển dâng cao

Bên bờ biển Bắc Phi, những thành phố cổ kính sống theo dòng lịch sử nhân loại đã tồn tại hàng thiên niên kỷ, và chúng có lẽ đã quá gần với những cơn sóng biển.

Nếu điều tồi tệ xảy ra

Từ những tàn tích còn sót lại của thành phố cổ Carthage vĩ đại, của một quá khứ vinh quang và lâu dài ở Tunisia, cho đến cảng Phoenicia và La Mã nhộn nhịp một thời. Và dọc theo bờ biển ở Libya ngày nay chính là tàn tích hùng vĩ của nhà hát La Mã Sabratha.


Di tích từ thời La Mã Tipasa ở Algeria - một trạm giao thương quan trọng thời Phoenicia. (Ảnh: CNN).

Bên cạnh những di tích lịch sử do con người xây dựng từ nghìn đời, các "báu vật" tự nhiên mang tính biểu tượng của châu Phi thậm chí còn có niên đại xa hơn nữa. Chẳng hạn như rạn san hô cổ của đảo san hô Seychelles 'Aldabra Atoll ở Ấn Độ Dương, được cho là có niên đại khoảng 125.000 năm tuổi.

Nhưng giữa vô số hình thái thời tiết khắc nghiệt và mực nước biển ngày một dâng cao, điều này đồng nghĩa với việc tất cả những di tích trên - và khoảng 190 di tích ngoạn mục khác nằm dọc theo bờ biển của châu Phi - sẽ có nguy cơ bị nước biển "nuốt chửng" trong vòng 30 năm tới, theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Nature Climate Change.


Carthage
, một thành phố cổ được người Phoenicia thành lập vào thế kỷ thứ 9 TCN và sau đó bị La Mã chinh phục, nằm bên cạnh biển ở ngoại ô Tunis, thủ đô của Tunisia. (Ảnh: CNN).

Nghiên cứu chỉ ra rằng, mực nước biển đang dâng cao với tốc độ nhanh hơn trong ba thập kỷ qua, so với thế kỷ 20 và các nguy cơ trước tình trạng biến đổi khí hậu như lũ lụt, sóng nhiệt và cháy rừng đang trở nên phổ biến hơn.

Tạp chí này đã phát hiện ra 56 địa điểm hiện đang gặp nguy hiểm nếu một trận lũ "trăm năm có một" xảy ra vào năm 2050. Thậm chí nếu lượng khí thải nhà kính tiếp tục tăng theo quỹ đạo hiện tại, con số thiệt hại có thể tăng gấp ba lần lên 198 địa điểm.

“Đây đều là những nơi có giá trị văn hóa, giá trị quốc tế, giá trị kinh tế... và cả giá trị nội tại đối với những khu di sản này”, Nicholas Simpson, tác giả của nghiên cứu và Tiến sĩ tại Viện Sáng kiến ​​Khí hậu và Phát triển châu Phi thuộc Đại học Cape Town nói.


Thành phố cổ Sabratha ở Libya ngày nay, nơi vẫn còn tàn tích tuyệt vời của nhà hát La Mã Sabratha. (Ảnh: CNN).

Tác giả Simpson tin rằng những phát hiện này đã "gióng lên hồi chuông cảnh báo về tương lai của các di sản ở châu Phi", giúp các quốc gia tăng cường những biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trên khắp lục địa.

Ông nhấn mạnh: “Đây là thông điệp quan trọng về sự mất mát do biến đổi khí hậu gây ra đối với di sản nhân loại, chúng tôi hy vọng sẽ huy động được ý chí và hành động từ nhiều quốc gia”.

Lần đầu tiên ở châu Phi

Nghiên cứu này đặc biệt phù hợp ở châu Phi, nơi mà mối liên hệ giữa rủi ro khí hậu và di tích lịch sử hầu như bị bỏ qua, theo Tiến sĩ Simpson.

Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học trong quá khứ xác định các di tích sẽ bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu tại khu vực Địa Trung Hải, Châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng đây là đánh giá toàn lục địa đầu tiên về châu Phi.


Thành Qaitbay
của Ai Cập, tàn tích cổ đại của Ngọn hải đăng Alexandria. (Ảnh: CNN).

Ông khẳng định: “Mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và di tích lịch sử ở châu Phi đang được nghiên cứu kỹ lưỡng và so với các châu lục khác, chúng tôi biết rất ít về chúng”, đồng thời nhấn mạnh, một nghiên cứu năm 2021 đã cho thấy từ năm 1990 đến năm 2019, những nghiên cứu về châu Phi chỉ nhận được 3,8% kinh phí nghiên cứu toàn cầu liên quan đến khí hậu.

Trong nghiên cứu mới nhất này, Tiến sĩ Simpson cùng cộng sự đã vạch ra tổng số 284 di sản đang được công nhận và xem xét bởi Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO và Công ước Ramsar - công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, tại 39 quốc gia bao gồm cả bờ biển châu Phi.


Cảng ở thị trấn cổ Essaouira tại Morocco. (Ảnh: CNN).

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một mô hình phức tạp, dự báo mực nước biển dâng và mức độ ấm lên toàn cầu theo cả hai kịch bản phát thải vừa và cao. Kịch bản lạc quan hơn giả định rằng, phát thải khí nhà kính toàn cầu sẽ ổn định trước cuối thế kỷ này, trong khi kịch bản tồi tệ hơn lại cho thấy mọi thứ sẽ tiếp tục tăng, như nhịp độ của Trái đất hiện tại, cho đến năm 2100.

Từ đó, họ đã tính toán phần trăm khả năng xảy ra đối với một sự kiện lũ lụt cực đoan đối với những vùng đất ven biển, sẽ là một trận lũ "trăm năm có một".

Tiến sĩ Simpson giải thích rằng sự kiện như vậy là một chỉ số quan trọng trong việc tìm hiểu rủi ro khí hậu trong tương lai, bởi chúng có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng và đương nhiên, biến đổi khí hậu đang làm tăng khả năng và tần suất xảy ra các hình thái thời tiết cực đoan.


Đảo Kunta Kinteh
ở Gambia, nơi có tàn tích của một pháo đài được xây dựng bởi những người buôn bán nô lệ Châu Âu. (Ảnh: CNN).

Ông nói rõ: “Vào những năm 1970, đã từng có một sự kiện "trăm năm có một", nhưng khi các hiểm họa khí hậu đang ngày một gần hơn... mọi thứ sẽ có thể xảy ra trong 10 năm tới”.

Theo nghiên cứu, Bắc Phi là khu vực có số lượng di tích bị đe dọa lớn nhất - từ những tàn tích cổ đại của Bắc Sinai trải dài giữa kênh đào Suez và Gaza, nơi đã từng được các Pharaoh Ai Cập du ngoạn trên đường đến Canaan và Tipasa; cho đến Trạm thương mại Phoenicia cổ đại ở Algeria ngày nay, nơi từng bị La Mã chinh phục và được Hoàng đế Claudius biến thành căn cứ chiến lược trong cuộc chinh phục Mauritania.


Đảo san hô Aldabra của Seychelles ở Ấn Độ Dương, nơi có các đảo san hô lớn và quần thể rùa khổng lồ lớn nhất trên thế giới cư trú. (Ảnh: CNN).

Bảo vệ di sản văn hóa

Nghiên cứu cũng lưu ý rằng, những phát hiện này sẽ giúp ưu tiên các di tích có nguy cơ cao hơn và cần hành động bảo vệ ngay lập tức. Điều này có thể bao gồm các giải pháp kỹ thuật, chẳng hạn như xây tường chắn biển và đê chắn sóng, nhưng Tiến sĩ Simpson cảnh báo rằng các biện pháp giảm thiểu lũ lụt như thế này là "cực kỳ tốn kém", và không có gì đảm bảo chúng có thể chịu được mực nước biển trong tương lai.

Đối với ông, một giải pháp tốt hơn nhiều chính là khôi phục, trồng và quản lý cơ sở hạ tầng sinh thái, chẳng hạn như đầm lầy muối, đồng cỏ biển và rừng ngập mặn, giúp bảo vệ tự nhiên và hoạt động như một bể chứa carbon, hút carbon dioxide từ không khí.


Công viên đầm lầy Simangaliso trên bờ biển Nam Phi, có hệ sinh thái và loài đa dạng khổng lồ cũng có thể bị tàn phá nghiêm trọng do nước biển dâng. (Ảnh: CNN).

Đặc biệt là ở châu Phi, điều quan trọng hàng đầu là phải cải thiện quản trị địa phương và khu vực dân cư xung quanh các di tích. Đồng thời nhận thức được rằng cuộc sống của người dân bản địa "là một phần của cảnh quan và gắn bó mật thiết theo thời gian".

“Nâng cao nhận thức về rủi ro khí hậu đối với các di tích lịch sử đã phần nào nói lên nhu cầu ngày một cấp bách hơn của xã hội”, Tiến sĩ lo ngại.


Djerba Guellala, một ngôi làng trên hòn đảo ngoài khơi bờ biển Tunisia, có đầy đủ lịch sử khảo cổ học. (Ảnh: CNN).

Cập nhật: 18/03/2022 Theo Đại Đoàn Kết
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video