Những điều đáng sợ xảy ra với cơ thể con người tại "vùng tử thần" của đỉnh Everest

Cơ thể con người hoạt động tốt nhất ở độ cao bằng với mực nước biển do mật độ oxy trong không khí đủ cho não và phổi của chúng ta hoạt động. Ngược lại, ở độ cao lớn hơn nhiều, cơ thể chúng ta không thể hoạt động bình thường khi mật độ oxy quá loãng.

Theo đó, những nhà leo núi nếu muốn chinh phục đỉnh Everest, đỉnh núi cao nhất thế giới ở độ cao 8.848 mét so với mực nước biển sẽ dũng cảm vượt qua cái được gọi là "vùng tử thần".

"Chạy trên máy chạy bộ và thở bằng ống hút"

Vùng tử thần là khu vực có độ cao trên 8.000 mét, nơi có quá ít oxy đến nỗi tế bào trong cơ thể lịm dần theo từng phút. Trong vùng tử thần, não và phổi của những người leo núi bị thiếu oxy, nguy cơ đau tim và đột quỵ tăng lên, đồng thời khả năng phán đoán của họ nhanh chóng bị suy giảm.

"Cơ thể của bạn đang suy sụp và về cơ bản là đang chết. [Buổi leo núi] bỗng trở thành một cuộc chạy đua với thời gian", Shaunna Burke, một nhà leo núi đã chinh phục đỉnh Everest vào năm 2005, nói với Business Insider.


Đoàn người chinh phục nóc nhà thế giới - (Ảnh: Internet).

Năm 2019, ít nhất 11 người thiệt mạng trên đỉnh Everest, hầu hết đều trải qua một khoảng thời gian quá lâu ở vùng tử thần. Nó đã trở thành một trong những mùa leo núi chết chóc nhất trên Everest trong những năm gần đây.

Ở mực nước biển, không khí chứa khoảng 21% oxy. Nhưng ở độ cao trên 3,6km, mức oxy thấp hơn 40% so với mức trung bình ở mực nước biển. Theo chia sẻ của Jeremy Windsor, một bác sĩ đã leo lên đỉnh Everest vào năm 2007, các mẫu máu lấy từ bốn người leo núi trong khu vực tử thần cho thấy họ đã sống sót với lượng oxy chỉ bằng 1/4 lượng họ cần để sinh tồn ở mực nước biển.

"Những con số này có thể so sánh với những chỉ số trên những bệnh nhân sắp qua đời", Windsor nói.

Ở độ cao 8 kilomet so với mực nước biển, oxy trong không khí loãng đến mức ngay cả khi có bình khí oxy bổ sung, các nhà leo núi có cảm giác như đang "chạy trên máy chạy bộ và thở bằng ống hút", theo nhà làm phim kiêm nhà leo núi David Breashears.


Đỉnh núi Everest - (Ảnh: Internet).

Phải thích nghi với tình trạng thiếu oxy

Việc thiếu oxy dẫn đến vô số rủi ro về sức khỏe. Khi lượng oxy trong máu của bạn giảm xuống dưới một mức nhất định, nhịp tim của bạn sẽ tăng vọt lên tới 140 nhịp mỗi phút, làm tăng nguy cơ bị đau tim.

Những người leo núi phải cho cơ thể họ thời gian để thích nghi với điều kiện khắc nghiệt ở dãy Himalaya trước khi cố gắng chinh phục đỉnh Everest. Các đoàn thám hiểm thường thực hiện ít nhất ba chuyến đi lên núi từ Trại Chân núi Everest (ở độ cao 5,3km, cao hơn gần như mọi ngọn núi ở châu Âu). Mỗi đoàn leo núi sẽ lần lượt di chuyển lên 3 trại tiếp theo, trước khi thực hiện chặng leo cuối cùng lên đỉnh. Tại trạm thứ tư, đa số các đoàn lên đỉnh Everest sẽ bắt đầu hành trình lúc nửa đêm.

Trong suốt những tuần ở độ cao lớn, cơ thể bắt đầu tạo ra nhiều huyết sắc tố (protein trong các tế bào hồng cầu giúp vận chuyển oxy từ phổi đến phần còn lại của cơ thể) hơn để bù đắp.

Nhưng quá nhiều huyết sắc tố có thể làm máu của con người đặc lại, khiến tim khó bơm máu đi khắp cơ thể hơn. Điều đó có thể dẫn đến đột quỵ hoặc tích tụ chất lỏng trong phổi. Trên Everest, một tình trạng gọi là phù phổi do độ cao (HAPE) rất phổ biến. Việc kiểm tra nhanh bằng ống nghe có thể phát hiện ra âm thanh lạ khi chất lỏng rò rỉ vào phổi.


Trại Chân núi Everest - Ảnh: Nat Geo.

Các triệu chứng khác bao gồm mệt mỏi, cảm giác sắp ngạt thở vào ban đêm, suy nhược và ho dai dẳng tiết ra chất lỏng màu trắng hoặc có bọt. Đôi khi cơn ho dữ dội đến mức có thể làm nứt hoặc lệch xương sườn. Những người leo núi bị HAPE luôn bị hụt hơi, ngay cả khi nghỉ ngơi.

Bên cạnh đó, nếu não không nhận đủ oxy, nó có thể bắt đầu sưng lên, gây ra tình trạng gọi là phù não do độ cao (HACE).

Việc não bị sưng tấy này có thể gây buồn nôn, khó suy nghĩ và lý luận. Một bộ não thiếu oxy có thể khiến những người leo núi quên mất mình đang ở đâu và rơi vào trạng thái mê sảng mà một số chuyên gia coi là một dạng rối loạn tâm thần ở độ cao. Khả năng phán đoán của những người leo núi thiếu oxy trở nên kém đi và họ được biết là có những hành động kỳ lạ như bắt đầu cởi bỏ quần áo hoặc nói chuyện với những người bạn tưởng tượng.


Hành trình chinh phục Everest vẫn là một trong những thử thách đáng thực hiện nhất - (Ảnh: Internet).

Những mối nguy hiểm khác có thể bao gồm mất ngủ, mù tuyết và nôn mửa. Nhà leo núi Burke cho biết, trong khi leo núi, cô bị ho liên tục không dứt.

"Cứ mỗi nhịp thở thứ hai hoặc thứ ba, cơ thể bạn lại thở hổn hển và bạn đánh thức mình dậy", cô nói. Không khí loãng đến nỗi cô không thể ngủ ngon.

"Tình trạng cơ thể con người sẽ bắt đầu xấu đi", Hackett nói thêm. "Giấc ngủ trở thành một vấn đề. Quá trình tiêu hao cơ diễn ra. Quá trình giảm cân diễn ra".

Buồn nôn và nôn do các bệnh liên quan đến độ cao, bao gồm HAPE và HACE, cũng làm giảm cảm giác thèm ăn. Ánh sáng chói từ băng tuyết ngút tầm mắt có thể gây hiện tượng mù tuyết - mất thị lực tạm thời, hay thậm chí vỡ mạch máu trong mắt.

Bất kỳ phần da nào hở ra ngoài đều bị đóng băng ngay lập tức. Việc mất lưu thông máu đến các ngón tay và ngón chân của người leo núi có thể gây tê cóng, và trong những trường hợp nghiêm trọng - nếu da và các mô bên dưới chết - hoại tử. Mô hoại tử thường cần được cắt bỏ. Tất cả sự suy yếu về thể chất và thị lực kém này có thể dẫn đến những cú ngã chết người.

Việc ra quyết định sai lầm cũng có thể khiến người leo núi quên kẹp dây an toàn, đi lạc khỏi lộ trình hoặc không chuẩn bị đúng cách các thiết bị cứu sinh như bình dưỡng khí.

Tuy vậy, điều kiện khắc nghiệt của vùng tử thần không thể làm nhụt chí hướng những con người quyết tâm chinh phục nóc nhà của thế giới. Thực tế, lịch sử ghi nhớ nhiều cái tên coi đỉnh Everest như mái nhà thứ hai: cô Lhakpa Sherpa đã 9 lần leo tới đỉnh Everest, cô là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử chinh phục Everest với số lần ấn tượng.

Khi khoa học công nghệ dần hiện đại hơn, chặng đường leo Everest đã an toàn hơn bao giờ hết. Cái lạnh, sự thiếu hụt oxy nay đã có thể được bù đắp bằng quần áo ấm hay bình dưỡng khí; chặng đường chinh phục Everest đã dễ dàng hơn nhiều so với trước đây.

Nhưng dù dễ dàng đến đâu, hành trình chinh phục Everest vẫn là bài thử khắc nghiệt bậc nhất mà con người có thể trải qua. Những cá nhân thành công trong việc chinh phục đỉnh Everest đã có thể tự hào vỗ ngực mà rằng: tôi đã vượt qua vùng tử thần, để đứng trên đỉnh của thế giới.

Cập nhật: 05/01/2023 TTVH
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video