Nghiên cứu mới được công bố ngày 31/3 của các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện nhiều điều thú vị về hành động cười của con người.
Trong nhiều thập kỷ qua, giáo sư thần kinh học Robert Provine thuộc Đại học Baltimore đã nghiên cứu về tiếng cười.
Ông nhấn mạnh cười là hành động giao tiếp đầu tiên của con người và không phải là hành động tự nguyện dù con người cười trong thời điểm nhất định của cuộc đối thoại.
Nghiên cứu cho thấy chỉ có 10-15% hành động cười là kết quả của hành động gây cười của người khác.
Nghiên cứu cũng khẳng định hành động cười của con người hầu hết bắt nguồn từ phản ứng xã hội hơn là phản ứng trước hành động gây cười của người khác. Nhu cầu cười xuất phát từ người khác chứ không phải của chính người cười.
Việc người điếc cười mà không cần nghe tiếng cười, người nghe điện thoại cười mà không cần nhìn thấy đối tác cho thấy hành động cười của con người không phụ thuộc vào một giác quan đơn lẻ mà vào sự tương tác xã hội.
Các nghiên cứu cũng cho biết tất cả các dân tộc trên thế giới đều chung một âm thanh cười là “ha ha ha.” Trong não có bộ phận chỉ đạo phát ra âm thanh tiếng cười chung này.
Giáo sư tâm lý Đại học Bowlinh Green (Mỹ) Jaak Panksepp cùng các nhà khoa học khác nghiên cứu hành động cười của các loài động vật khác như chó, chuột… đã kết luận rằng không có bằng chứng nào cho thấy cười là một liều thuốc tốt cũng như không phát hiện thấy lợi ích trực tiếp cho sức khỏe từ chỉ hành động cười đơn thuần.
Theo họ, giải trí và hình thức đùa vui khác tốt cho sức khỏe./.