Những dòng sông chết ở Ấn Độ

Nền kinh tế Ấn Độ phát triển nhanh chóng và vấn đề ô nhiễm môi trường cũng ngày càng nặng nề hơn. Vì vậy mà nhiều con sông ở Ấn Độ đang bị chết dần.

Từ mờ sáng cậu bé Somnath Dantoso, 12 tuổi, đã ngồi trên một cái bè kết bằng rác trôi trên sông Yamuna ở New Delhi, cầm một cái cần trên đầu có đính một thỏi nam châm. Cái cần này có thể xuống sâu tới 9 mét. Vào những ngày “thuận buồm xuôi gió” em có thể lượm được một lượng tiền xu khoảng 50 Rupi (khoảng vài chục nghìn đồng VN), những đồng tiền này do các tín đồ quẳng xuống sông để cầu may. Trong 4 năm nay Somnath đã khá thành thạo với nghề “hút tiền".

Em Dantoso nói: "Chừng nào mà mọi người không vứt tiền sống sông nữa thì em sẽ bỏ nghề này và sẽ mở cửa hàng bán thực phẩm. Nếu không thì em sẽ làm suốt đời cái nghề này".

Thực ra thì trong dòng sông Yamuna không phải chỉ có tiền xu. Những con sông ở Ấn Độ là một bè rác khổng lồ. 57 % rác thải của thành phố này đổ xuống sông Yamuna. Rác trôi lững lờ ven sông, mùi xú khí bốc lên nồng nặc. Dòng sông này dài 1.376 km chạy dài tới tận chân dặng núi Himalaya. Lượng rác đổ xuống sông từ năm 1993 đến 2005 đã tăng gấp đôi và vì thế các dòng sông ở Ấn Độ vốn đã ô nhiễm lại càng ô nhiễm hơn.

Một cô bé Ấn Độ trên dòng sông Yamuna bị ô nhiễm nặng. (Ảnh: Spiegel.de)

Bà Sunita Narain, giám độc Trung tâm Khoa học và Môi trường ở New Delhi nói: "Con sông này chết rồi, chỉ còn thiếu là người ta chưa chính thức hoả thiêu nó". Nhưng sông Yamuna không phải là trường hợp ngoại lệ. Tại Ấn Độ khoảng 80% rác thải của các thành phố đều được tống xuống sông. Tình trạng này ngày càng nghiêm trọng hơn vì chính phủ hầu như không thể kiểm soát nổi tình trạng quá tải của các thành phố. Ngày càng có nhiều diện tích mặt nước ở Ấn Độ không thể dùng để tắm rửa hoặc làm nước sinh hoạt. Ngay cả đến con sông Hằng, một con sông mà những người Ấn Độ giáo coi là thiêng liêng, cũng bị ô nhiễm nặng nề đến mức loài cá heo sống tại đây hiện đang đứng trước nguy cơ diệt chủng.

Tình trạng ô nhiễm không khí cũng ngày càng nghiêm trọng hơn. Thậm chí người ta còn cho rằng khói bụi ở Ấn Độ ảnh hưởng cả tới thời tiết ở Bắc Mỹ. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nặng nề đến nền nông nghiệp Ấn Độ. Năng suất xuất lúa ở miền nam Ấn Độ giảm rõ rệt khi những áng mây màu nâu che phủ cả bầu trời.

Theo chuyên gia về môi trường Ấn Độ Shreekant Gupta thì tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ sẽ bị giảm 4% nếu tính các tác hại do môi trường gây nên. Nguyên nhân chính là do những yếu tố môi trường gây tử vong và bệnh tật. Tại Ấn Độ nguyên nhân chính gây tử vong đối với trẻ em là do ô nhiễm nguồn nước.

Vấn đề lớn nhất đối với việc ô nhiễm các dòng sông là hầu như toàn bộ nước thải ở Ấn Độ đều đổ ra các con sông mà hoàn toàn không được xử lý. Phân tích mẫu nước lấy ở sông Hằng đoạn gần thành phố Varanasi cho thấy hàm lượng vi khuẩn Coli nguy hiểm có nơi cao hơn mức cho phép tới 3.000 %.

Thủ đô Delhi có 15 triệu dân thì chỉ có 55% số dân sống ở các khu vực có xử lý nước thải. Phần còn lại toàn bộ nước thải đều chảy thẳng ra sông Yamuna.

Không phải người Ấn Độ không nhận thức được nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cũng như những vấn đề liên quan đến dòng sông Yamuna. Ấn Độ đã chi 20 tỷ Rupi (khoảng 360 triệu Euro) cho các công trình làm sạch nguồn nước, ngoài ra Ấn Độ cũng đầu tư những khoản tiền lớn cho việc xử lý hệ thống nước thải. Nhưng không phải vì thế mà nước sạch hơn. 11 trong số 17 cơ sở xử lý nước thải không hoạt động hết công suất, khoảng 1/4 nhà máy chỉ chạy không đến 30% công suất, lý do chính là các hệ thống kênh rạch, cống không đưa đủ nước thải đến hệ thống xử lý vì bị tắc và hư hỏng.

Dân số tăng nhanh làm hình thành ngày càng nhiều các khu ổ chuột và hiện nay ở New Delhi có trên 1.500 khu dân cư mới, nằm ngoài quy hoạch, thải nước vô tội vạ ra các kênh rạch và sông ngòi.

Hiện có tới 8 cơ quan thuộc chính quyền thành phố, chính quyền liên bang và chính phủ giám sát các lĩnh vực khác nhau liên quan đến việc xử lý ô nhiễm dòng sông Yamuna. Các cơ quan này cạnh tranh với nhau trong việc xin ngân sách nhưng luôn đùn đẩy cho nhau về trách nhiệm mỗi khi vấn đề ô nhiễm lại rộ lên trong công luận.

Việt Phương

Theo Spiegel, Dân trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video