Hướng nội là một tính cách cơ bản thường thấy ở con người. Tuy nhiên không phải ai cũng dễ dàng phát hiện ra mình có phải là một người hướng nội hay không.
Nói đơn giản, người hướng nội là người sống nội tâm, họ thích cuộc sống kín đáo; thường hài lòng với cuộc sống không ồn ã và bon chen, có ít bạn bè nhưng thường thì bạn bè rất thân. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng người hướng nội thường hay có suy nghĩ tiêu cực, dễ tổn thương và quá nhạy cảm...
Vậy điều này liệu có phải là sự thực? Hãy cùng check xem bạn có phải là người hướng nội hay không qua bài viết dưới đây.
Trước tiên, bạn hãy thử tìm xem đâu là dấu hiệu của một người có tính cách hướng nội:
- Rất nhạy cảm.
- Suy nghĩ thấu đáo trước khi nói.
- Sống nội tâm.
- Thông minh.
- Cảm xúc tiêu cực.
- Sợ các tình huống xã hội.
- Tính tự vệ cao.
- Dễ bị tổn thương.
- Thích sự cô đơn, thay vì tương tác xã hội.
Hẳn bạn đã đưa ra một số dấu hiệu cho riêng mình. Và đây là câu trả lời: tất cả dấu hiệu trên không chỉ ra một người có tính cách hướng nội.
Tính hướng nội là một trong những tính cách dễ gây hiểu lầm nhất ở người. Khái niệm “hướng nội” và “hướng ngoại” được định nghĩa đầu tiên bởi Carl Jung - một nhà tâm lý học người Thụy Sĩ.
Jung định nghĩa “hướng nội” là những người có năng lượng tinh thần “hướng vào bên trong”, hoạt động mạnh hơn khi suy nghĩ một mình và thu hẹp khi tương tác với đông người.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Scott Barry Kaufman - nhà khoa học và tâm lý học tại ĐH New York (Mỹ), định nghĩa này không còn phù hợp trong tâm lý xã hội thời hiện đại.
Những lầm tưởng thường thấy về tính hướng nội
Jung định nghĩa hướng nội và hướng ngoại dựa trên lý thuyết, kinh nghiệm và trực giác của bản thân. Còn tâm lý học hiện đại cho rằng, “hướng nội” chỉ là cá tính đối nghịch với “hướng ngoại”.
Trong khi đó, hướng ngoại là một trong năm cá tính thuộc Mô hình tính cách con người (Five factor model - Big 5), bao gồm cả tính dễ bị kích thích (neuroticism), tính dễ chấp nhận (agreeableness), tính tận tâm (conscientiousness), tính cởi mở để trải nghiệm (openness to experience).
Định nghĩa trên được đưa ra dựa theo kết quả thực nghiệm về các hành vi có xu hướng đi cùng nhau đối với một cá nhân.
Tuy vậy, dựa vào kết quả nghiên cứu mới nhất về tính cách con người, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra những lầm tưởng phổ biến nhất về hướng nội - ngoại.
Đầu tiên là người có tính hướng nội thường sống nội tâm hơn hướng ngoại. Trên thực tế, tính hướng nội không nhất thiết là người hay nhìn lại nội tâm và cũng không có gì đảm bảo người sống nội tâm phải mang tính hướng nội.
Ngoài ra, những người có tính hướng nội thường suy nghĩ lâu trước khi nói, không phải vì họ suy nghĩ thấu đáo hơn, mà vì họ cần nhiều thời gian hơn để suy nghĩ mà thôi.
Một lầm tưởng khác, đó là nhiều người coi “hướng nội - hướng ngoại” là một phần thuộc cá tính “cởi mở để trải nghiệm”. Nhưng cá tính này gắn liền với chỉ số thông minh IQ, bao gồm nhận thức, trí tuệ, trí tưởng tượng, cảm xúc; trong khi tính “hướng nội” thì không liên quan đến chỉ số này.
Những đặc điểm khác như nhạy cảm, sợ các tình huống xã hội cũng không liên quan đến cá tính hướng nội - hướng ngoại. Hầu hết mọi người cho rằng mình hướng nội, chỉ vì họ quá nhạy cảm. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy độ nhạy khi xử lý cảm xúc làm việc độc lập với tính hướng nội.
Những biểu hiện của một người nhạy cảm: dễ ức chế, nhạy với tác động bên ngoài… gắn liền với tính “dễ bị kích thích thần kinh”- neuroticism.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người tự cho rằng mình có tính “hướng nội nhạy cảm” (sensitive introverts). Những người này luôn bị ám ảnh bởi cảm giác được xã hội chú ý. Họ rất dễ bị tổn thương vì nhận xét, dù là nhỏ nhất của người khác. Họ thường xuyên phiền muộn khi người khác không nhìn ra khả năng của họ.
Tuy nhiên, thực chất đây thuộc vào hội chứng “tự mê ngầm”- (covert narcissist), liên quan đến tình trạng dễ bị kích thích thần kinh neuroticism.
Cuối cùng lầm tưởng phổ biến hơn cả, đó là những người hướng nội thích hoạt động độc lập. Nhưng theo Kaufman, đây không phải là đặc điểm của tính hướng nội. Đặc điểm này là sự pha trộn giữa tính hướng nội và tính cách “cởi mở để trải nghiệm”, chứ không hoàn toàn thuộc về hướng nội.
Bài test tâm lý chỉ ra bạn có phải là người sống nội tâm
Để biết được điều này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một bài trắc nghiệm, bao gồm 20 câu. Bài trắc nghiệm được đánh giá dựa trên hai đặc điểm liên quan đến “hướng nội- hướng ngoại”: sự nhiệt tình và sự quyết đoán. Bạn cần làm chính xác theo từng bước của bài trắc nghiệm dưới đây thì mới có được kết quả chính xác nhất.
Sự nhiệt tình gắn với những đặc điểm liên kết xã hội như sự thân thiện, tự thuật về bản thân, thích chốn đông người và những cảm xúc tích cực.
Sự quyết đoán lại gắn với địa vị xã hội như khả năng lãnh đạo, khả năng lấn át, khiêu khích, nói nhiều và khả năng thuyết phục.
Bước 1: Bạn đánh giá từng đáp án theo thang điểm từ 1 - 5, 1 điểm (không hề đúng) đến 5 điểm (hoàn toàn đúng với bản thân). Chú ý ghi lại số điểm của từng câu để có thể dễ dàng thực hiện tiếp bước 2.
1. Kết bạn dễ dàng.
2. Rất khó để làm bạn cùng.
3. Giữ khoảng cách với mọi người.
4. Tiết lộ rất hạn chế về bản thân.
5. Nhanh chóng đón nhận người khác.
6. Hiếm khi phấn khích lộ liễu.
7. Không phải là người nhiệt tình.
8. Thể hiện cảm xúc khi vui vẻ.
9. Luôn vui vẻ.
10. Cười nhiều.
11. Sẵn sàng chịu trách nhiệm.
12. Có cá tính mạnh.
13. Thiếu khả năng gây ảnh hưởng đến người khác.
14. Biết cách thu hút người khác.
15. Đợi người khác lãnh đạo.
16. Tự thấy bản thân là một lãnh đạo tốt.
17. Có thể thuyết phục người khác làm việc.
18. Luôn giữ lại các ý kiến cá nhân.
19. Là người đầu tiên hành động.
20. Không có tính quyết đoán.
Bước 2: Đảo ngược kết quả các câu 2, 3, 4, 6, 7, 13, 15, 18, 20 (tức là thay thế điểm số: 5=1, 4=2, 3=3, 2=4, và 1=5). Tính tổng điểm của 20 câu rồi lấy trung bình cộng.
Sau đó thì check bảng kết quả dưới đây nhé:
< 3.0: bạn có tính hướng nội.
3,1 - 3,8: bạn là một ambivert - đứng giữa hai tính cách.
> 3,9: bạn có tính hướng ngoại.