Một số loài động vật có khả năng sống sót và phát triển ở những nơi có môi trường khô hạn và nóng nhất trên Trái Đất.
Cá pupfish
Nhiều loài cá pupfish sống ở châu Mỹ, vùng Caribe có khả năng thích nghi và sống trong điều kiện môi trường khắc nghiệt. Đôi khi, chúng còn được xem là động vật cực hạn, theo National Geographic. Nếu bạn cho cá pupfish vào nước ngọt hay nước muối, nước có nhiệt độ cao hay nhiệt độ thấp, chúng vẫn sống tốt, Evan Carson, nhà sinh vật học tại Đại học New Mexico, Mỹ, cho biết.
Cá Ash Meadows Amaragosa pupfish sống tại Vườn Quốc gia Thung lũng Chết, Mỹ. (Ảnh: Alamy.)
Cá Ash Meadows Amaragosa pupfish sống ở những con suối có nhiệt độ nước bằng 37,7 độ C tại Vườn Quốc gia Thung lũng Chết, Mỹ. Nhưng nhiệt độ nước ở đây vẫn còn quá thấp so với suối nước nóng tại sa mạc Chihuahuan, Mexico.
Ví dụ, suối nước nóng El Pandeño chảy trên sa mạc Chihuahuan là nơi sinh sống của cá Julimes pupfish. Nhiêt độ nước ở đây có thể lên tới 45,5 độ C. Cá bighead pupfish sống tại các suối nước nóng ở Baños de San Diego, Mexico, nơi có nhiệt độ nước bằng 43,8 độ C.
Lừa hoang châu Phi
Nhiệt độ tại khu vực Dallol, phía bắc Ethiopia, thường đạt mức 48,8 độ C vào mùa hè. Nhưng điểm nóng này vẫn có khoảng 400 con lừa hoang châu Phi sinh sống. Chế độ ăn uống của lừa hoang châu Phi bao gồm các loại cỏ, vỏ cây và lá.
Lừa hoang châu Phi thường sống tại những vùng khô hạn ở phía đông bắc châu Phi. (Ảnh: Equinest.)
Để hạ nhiệt, lừa hoang châu Phi có quá trình trao đổi chất linh hoạt và khả năng uống nhiều nước trong thời gian ngắn. Nhưng chúng không cần nhiều nước giống như vật nuôi ở trang trại như cừu và dê, Fiona Marshall, nhà nhân chủng học tại Đại học Washington, Mỹ, cho biết.
Cáo Rüppell
Sa mạc Lut, Iran, là một trong những địa điểm nóng nhất trên Trái Đất. Năm 2005, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) từng đo được nhiệt độ cao nhất ở đây bằng 70,7 độ C.
Cáo Rüppell, hay cáo cát, sống trên những bãi cát nóng của sa mạc Lut do có khả năng tiết kiệm nước. Loài động vật có vú này lấy nước chủ yếu từ việc ăn thịt con mồi. Chúng đi ăn vào ban đêm để giữ mát cơ thể và tránh làm mất đi độ ẩm quý giá.
Cáo Rüppell sống trên những bãi cát nóng của sa mạc Lut, Iran. (Ảnh: Alamy.)
Ngoài ra, cáo Rüppell còn có một số đặc điểm thích nghi khác bao gồm: cơ thể nhỏ giúp tản nhiệt tốt hơn, tỷ lệ trao đổi chất trong cơ thể thấp để tiết kiệm năng lượng, nước tiểu cô đặc làm giảm lượng nước tiêu thụ.
Chuột Greater Bilby
Chuột Greater Bilby, hay chuột đất, là loài thú có túi sống tại vùng có khí hậu khô hạn ở Queensland, Australia. Các vệ tinh của NASA từng đo được nhiệt độ cao nhất trong khu vực là 69,4 độ C vào năm 2003.
Chuột Greater Bilby sống tại những vùng đất khô cằn ở Australia. (Ảnh: Wikimedia.)
John Wairnowski, nhà sinh vật học tại Đại học Charles Darwin, Australia, cho biết chuột greater bilby có thể tránh nhiệt độ quá cao bằng cách xây dựng và trú ẩn trong hệ thống hang động phức tạp dưới mặt đất. Chúng đào các hang xoắn ốc bằng chân và móng vuốt. Hang có thể sâu 2 m và dài 3 m.
Vẹt đêm
Wairnowski cho biết, một động vật khác tại Australia có thể sống trong môi trường nhiệt độ cao là loài vẹt đêm (night parrot). Đây là những con vật khá nhút nhát, chúng chỉ đi ra ngoài kiếm ăn vào ban đêm và ẩn nấp trong các tán cây vào ban ngày để tránh nóng.
Vẹt đêm từng được coi là tuyệt chủng cục bộ ở Queensland cho đến khi người ta phát hiện lại nó vào năm 2013.