Những nguy cơ rình rập người dân Hawaii sau bão lửa

Các chuyên gia khuyến cáo người dân trở lại sau đám cháy khổng lồ ở đảo Maui sẽ đối mặt nguy hiểm tiềm ẩn từ môi trường xung quanh như đất, nước, không khí.

Người dân quay trở lại tàn tích của thị trấn ven biển Lahaina, Hawaii, và nhiều khu dân cư ở Maui khác sau một trong những thảm họa tự nhiên chết chóc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trận bão lửa vẫn còn lưu lại nhiều nguy cơ sức khỏe đối với con người và động vật hoang dã, theo Conversation.

Khi đám cháy lan rộng qua khu dân cư như thường gặp trong những năm gần đây, ngọn lửa thiêu rụi các công trình chứa gỗ đã qua xử lý, nhựa, sơn và nhiều chất thải gia đình độc hại khác. Chúng có thể đốt cháy phương tiện và làm chảy đường ống nước bằng nhựa. Tất cả đồ vật này giải phóng hạt và khí độc. Chất gây ô nhiễm trong không khí lắng xuống mặt đất. Khi mảnh vỡ hoặc bụi bị khuấy lên, hạt độc hại có thể hòa vào không khí và người dân có thể dễ dàng hít phải.


Đám cháy thiêu rụi nhiều công trình trên đảo Maui. (Ảnh: CNN).

Những hóa chất cũng gây ô nhiễm nguồn cung cấp nước. Hôm 11/8/2023, quận Maui ban bố cảnh báo "nước không an toàn" đối với khu vực Lahaina và Upper Kula bị ảnh hưởng bởi cháy rừng và khuyến cáo người dân chỉ sử dụng nước đóng chai để uống và nấu nướng, không dựa vào nước vòi do nguy cơ nhiễm hóa chất gây hại, theo Andrew J. Whelton, giáo sư Kỹ thuật sinh thái, môi trường và dân dụng ở Đại học Purdue. Whelton và đồng nghiệp đang giúp cộng đồng xử lý và phục hồi sau cháy rừng và những thảm họa khác, bao gồm đám cháy Marshall ở quận Boulder, Colorado, và đám cháy Camp phá hủy Paradise, California. Lahaina và nhiều cộng đồng khác ở Maui đang đối mặt với nguy cơ tương tự.

Hóa chất trong mảnh vỡ từ đám cháy

Cư dân quay trở lại khu phố bị thiêu rụi nhiều khả năng sẽ bị nguy cơ bủa vây. Một số khá dễ thấy như kính vỡ, đinh ốc và bình khí gas tự nhiên bị phá hủy. Đường dây điện bị đứt có thể hở điện và đường ống khí có khả năng rò rỉ. Nguy cơ khó nhận biết rõ hơn là hóa chất có thể lan xa ngoài vùng bị cháy.

Khói đen từ một đám cháy là dấu hiệu cháy không hết, có thể sản sinh hàng nghìn hóa chất khi gỗ và nhựa bị đốt. Hóa chất như benzene, chì, asbestos và hydro carbon thơm đa vòng (PAH) rất phổ biến trong tro tàn, nước thải và đôi khi cả hệ thống nước sau đám cháy. Tiếp xúc với lượng hóa chất cao có thể gây triệu chứng tức thì như chóng mặt, nôn mửa, hoa mắt, mẩn đỏ và vấn đề hô hấp. Vì những nguyên nhân này, người dân, đặc biệt là trẻ em và người có tiền sử bệnh, cần tránh tiếp xúc với hóa chất. Nhà chức trách cơ quan y tế bang Hawaii đề nghị người dân đi giày, đeo khẩu trang, găng tay chống hóa chất và các đồ bảo hộ khác khi xem xét mảnh vỡ tại nhà.

Nhà cửa không bị cháy vẫn chứa đựng rủi ro

Ngay cả nhà cửa có vẻ an toàn về mặt kết cấu cũng chứa chất gây ô nhiễm không an toàn đối với sức khỏe con người. Hạt và hơi độc có thể xâm nhập vào nhà cửa qua vết nứt, cửa chính, cửa sổ và nhiều lối vào khác. Một số chất gây ô nhiễm bám lên bề mặt, trong khi số khác xuyên qua vải, dính vào tường và tiến vào ống dẫn khí. Thông thường, những tòa nhà cần được đơn vị chuyên nghiệp dọn vệ sinh hoặc khử độc bởi các công ty phục hồi sau cháy rừng. Việc dọn dẹp bề mặt và đường ống, thay máy lọc khí và lắp đặt máy lọc HEPA có thể giúp ích.

Nguy cơ từ nước uống và đất

Nước uống là vấn đề đáng lo ngại khác sau đám cháy ở đô thị. Cháy rừng có thể khiến đường ống ở trong và ngoài nhà không an toàn theo vài cách. Việc mất áp suất nước có thể tạo điều kiện cho chất gây ô nhiễm lọt vào đường ống. Khi đường ống nhựa nóng lên, chúng cũng phân hủy và trực tiếp rò rỉ hóa chất vào nước.

Whelton và đồng nghiệp ghi nhận lượng benzene vượt quá giới hạn nguy hiểm đối với nước uống trong vài đám cháy trước đây. PAH cũng tồn tại, theo kết quả nghiên cứu của họ. Những hóa chất này là nguy cơ sức khỏe tức thời đối với người sử dụng nước, ngay cả khi nước không có mùi bất thường. Việc kiểm tra đầy đủ và thử mẫu nước tại các tòa nhà và hệ thống nước lớn hơn rất quan trọng.

Ở ngoài trời, mặt đất cũng bị ô nhiễm trong đám cháy. Sau khi dọn dẹp mảnh vỡ, nhà chức trách cần kiểm tra để đảm bảo đất nơi người dân làm vườn và trồng cây ăn quả không chứa hóa chất gây hại.

Bảo vệ đường thủy và động vật thủy sinh

Trong quá trình dập lửa và dọn dẹp, khi trời mưa, chất gây ô nhiễm có thể trôi vào đường thủy và đổ ra đại dương. Lahaina nằm dọc vùng ven biển phía tây Maui, là địa điểm ưa thích của rùa biển và nhiều động vật khác. Hiện nay, chúng có nguy cơ tiếp xúc chất gây ô nhiễm từ nhà cửa bốc cháy và nước thải.

Mảnh vỡ và tàu thuyền chìm cần được dọn khỏi vùng biển gần bờ để bảo vệ rạn san hô. Tương tự cháy rừng gần hồ, sông, suối, nhà chức trách cần kiểm tra chất lượng nước. Cộng đồng dân cư có thể tránh nước thải từ quá trình dọn dẹp thông qua đặt rào chắn kiểm soát ô nhiễm gần cống thoát nước, quanh bất động sản và gần đường thủy, giúp chặn chất ô nhiễm đổ ra biển.

Sau đám cháy Marshall phá hủy khoảng 1.200 công trình ở Colorado, quá trình dọn dẹp thải ra 300.000 tấn chất thải. Ở Maui, mảnh vỡ cần được chuyển ra khỏi đảo để vứt bỏ. Quá trình dọn dẹp và phục hồi có thể mất nhiều năm.

Cập nhật: 15/08/2023 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video