Những phát hiện đột phá về cá vây tròn

Các nhà khoa học phát hiện tính chất đặc biệt của cá vây tròn, loài cá sống dưới tầng đáy gần bờ tại nhiều khu vực ở phía bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương.

Nếu bạn đặt câu hỏi: "Cá vây tròn có màu gì?", bạn sẽ nhận được nhiều câu trả lời khác nhau.

Loài cá này đổi màu theo thời gian, và ở mỗi một độ tuổi chúng sẽ có một màu sắc nhất định. Tuy nhiên, mới đây các nhà khoa học tin rằng họ đã tìm ra được màu sắc đích thực của chúng - đó là màu xanh lục huỳnh quang.


Cá vây tròn nhìn khá ngộ nghĩnh và thường được nuôi ở các trang trại cá hồi vì chúng ăn rận biển, giúp làm sạch môi trường sống của cá hồi. (Ảnh: Reddit/u/NinjaKamihana).

Nổi tiếng vì TikTok

Trong nghiên cứu công bố vào tháng này trên tạp chí khoa học Journal of Fish Biology, các tác giả cho biết họ phát hiện cá vây tròn phát sáng khi được đặt dưới ánh đèn UV.

Họ tin rằng loài cá này sử dụng bức xạ huỳnh quang sinh học của chúng để nhận biết và giao tiếp với nhau.

Những năm gần đây, giới nghiên cứu đã phát hiện nhiều loài động vật có khả năng huỳnh quang sinh học, trong đó có cá mập mèo, gấu túi, sóc bay hay thú mỏ vịt. Và cá vây tròn là cái tên mới nhất trong danh sách này.

Cá vây tròn, danh pháp Cyclopterus lumpus, là loài sống đơn độc và dành phần lớn thời gian cuộc đời chúng dưới đáy biển. Chúng có khả năng bám phần bụng của mình vào các bề mặt như đá hay rong biển. Cấu tạo phần cơ thể này tiến hóa từ vây bụng và hoạt động giống như một giác hút.

Với khuôn mặt có biểu cảm khá ngộ nghĩnh, cá vây tròn cũng rất nổi tiếng trên mạng xã hội TikTok, với hàng nghìn video về loài cá này được ghi lại bởi những nhà nghiên cứu hoặc ngư dân.

"Đây là một loài cá khá kỳ cục", Nathaniel Spada, trợ lý nghiên cứu tại Viện Hải dương học Woods Hole, bang Massachusetts, chia sẻ. Mặc dù không tham gia vào nghiên cứu, nhưng những video về cá vây tròn của anh Spada đã được xem hàng triệu lượt trên TikTok.

"Tôi không nghĩ rằng chúng (những video về cá vây tròn) lại trở nên nổi tiếng đến vậy, nhưng lẽ ra tôi nên hình dung được điều đó vì thực sự thì chúng là loài cá rất thú vị", anh Spada nói thêm.

Vào năm ngoái, ông Thomas Juhasz-Dora, một bác sĩ thú y đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Cork tại Ireland, bỗng thấy tò mò khi nhìn vào đôi mắt lồi của một con con cá vây tròn trong phòng thí nghiệm. Ông chợt nảy ra một ý tưởng.

Do từng chứng kiến sự phát sáng dưới tia UV ở một số loài sinh vật biển, ông Juhasz-Dora muốn biết liệu cá vây tròn có sở hữu đặc tính này hay không. Ông thu thập 11 con cá con và chụp ảnh chúng dưới các điều kiện ánh sáng khác nhau.

Dưới ánh sáng bình thường, cá vây tròn có màu xanh dương trộn xanh lá cây như một miếng bọt biển. Nhưng khi tiếp xúc với tia UV, toàn bộ cơ thể chúng phát ra ánh sáng màu xanh neon.


Cá vây tròn tỏa ra một màu xanh neon mạnh mẽ khi đứng dưới đèn UV. (Ảnh: Thomas Juhasz-Dora).

"Tôi cảm thấy như 'Wow'", tiến sĩ Juhasz-Dora chia sẻ. Ông rất ngạc nhiên vì cường độ huỳnh quang mạnh của cá vây tròn. Hiện tượng này xảy ra khi một số sinh vật hấp thụ tia cực tím (UV), vốn không thể nhìn thấy bằng mắt thường, và phát lại chúng dưới dạng một màu sắc mà chúng ta có thể nhìn thấy được, điển hình như đỏ, cam hoặc xanh lá cây.

Điều này khác với hiện tượng phát quang sinh học, khi một sinh vật tự tạo ra ánh sáng thông qua phản ứng hóa học bên trong cơ thể chúng.

Loài cá nhiều màu sắc

Rất nhiều loài động vật có bộ lọc đặc biệt trong giác mạc, cho phép chúng nhìn thấy huỳnh quang sinh học mà không cần sự trợ giúp của tia UV.

Tiến sĩ Juhasz-Dora đặt giả thuyết cá vây tròn cũng được trang bị bộ lọc như vậy, cho phép chúng bằng cách nào đó phát tín hiệu để trao đổi thông tin với đồng loại, trong khi vẫn ẩn mình khỏi kẻ săn mồi.

Theo bà Elizabeth Fairchild, một nhà nghiên cứu và là phó giáo sư tại Đại học New Hampshire với chuyên môn về cá vây tròn và nhiều loại thủy sản khác, cho rằng giả thuyết của ông Juhasz-Dora là hoàn toàn khả thi.

Cá vây tròn cũng có thể sử dụng khả năng huỳnh quang sinh học của mình để thu hút con mồi. Nhưng tiến sĩ Fairchild cho rằng nhiều khả năng chúng sử dụng công cụ này để giao tiếp.

"Giao tiếp có lẽ là câu trả lời khả dĩ nhất. Chỉ là chúng ta không biết chúng đang giao tiếp những gì", bà Fairchild nói.

Cũng có khả năng là việc huỳnh quang sinh học không phục vụ một mục đích cụ thể nào. Tuy nhiên tiến sĩ Fairchild, người không tham gia vào nghiên cứu, cho rằng điều này ít có khả năng, do tầm quan trọng của màu sắc đối với cá vây tròn.

"Cá vây tròn có khả năng thay đổi màu sắc ấn tượng. Khi còn non, chúng có thể mang mọi màu sắc của cầu vồng. Khi lớn lên một chút, chúng có thể thay đổi màu da dựa trên môi trường xung quanh, giúp ẩn nấp khỏi những kẻ săn mồi", bà Fairchild giải thích.

"Đến khi trưởng thành, cá vây tròn lại đổi màu da từ xám nhạt đến xanh nhạt. Tuy nhiên, đến mùa sinh sản chúng lại đổi màu tiếp, con đực sẽ chuyển sang màu đỏ cam còn con cái chuyển thành màu xanh lam", tiến sĩ nói thêm.


Một con cá vây tròn trưởng thành. (Ảnh: Đại học Maine).

Làm thế nào và vì sao khả năng phản quang sinh học lại xuất hiện ở cá vây tròn là một trong nhiều câu hỏi được đặt ra từ phát hiện của tiến sĩ Juhasz-Dora. Hiện ông và các đồng nghiệp đang nghiên cứu xem liệu loại cá này có khả năng kiểm soát khả năng huỳnh quang của chúng không, hay đó là việc hoàn toàn thụ động.

Theo tiến sĩ Juhasz-Dora, phát hiện của ông và các đồng nghiệp đã "mở ra cánh cửa cho những khám phá mới".

"Nó cho phép chúng ta nhìn thế giới từ góc nhìn của chúng (cá vây tròn), thay vì chính chúng ta", ông nói.

Cập nhật: 02/08/2022 Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video