Những sai lầm đáng sợ nhất của con người

Xăm thẩm mỹ, đeo niềng răng, đeo khuyên môi giúp bạn trở nên khác biệt so với những người xung quanh, nhưng chúng có thể gây ra những hậu quả tai hại cho chính bạn.

Những sai lầm ghê gớm nhất mà con người thường gây ra cho chính bản thân mình

1. Cắt ngắn xương ngón chân

Nhiều phụ nữ muốn giảm kích thước ngón chân để có thể đi vừa những chiếc giày cao gót. Để thực hiện điều này, họ chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ một phần xương ngón chân. Chưa ai nghiên cứu tác động của việc cắt ngón chân đối với việc đi lại, nhưng nó có thể gây nên chứng viêm khớp trong nhiều năm sau. Tin vui là, nếu đủ tiền mua những đôi giày hiệu Manolo Blahnik và dám bỏ ra 10 nghìn USD để thực hiện một ca phẫu thuật cắt xương ngón chân ở Beverly Hills (Mỹ), bạn có thể thuê ai đó đẩy xe đưa bạn đi khắp nơi nếu bị viêm khớp.


(Ảnh: dailylife.com)

2. Tẩy lông bằng tia laser

Tia laser với xung lực mạnh có thể phân hủy nang lông. Ngoài việc hủy nang lông, tia laser công suất cao còn làm tổn thương mạch máu nuôi nang lông nên sẽ ngăn chặn quá trình phát triển lông trong nhiều tháng (3 - 6 tháng). Liệu pháp này có thể tăng sắc tố gây thâm nám da, gây phỏng. Nó cũng có thể gây đau đớn, để lại sẹo nếu được thực hiện không đúng kỹ thuật. Những tác động tiêu cực của tia laser có thể kéo dài vài năm và bạn cần phải tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian trị liệu.


(Ảnh: prweb.com)

3. Đâm thủng cơ thể

Đục lỗ tai để đeo khuyên hiếm khi gây ra vấn đề sức khỏe trừ khi ai đó bị dị ứng với kim loại. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc kỹ khi có ý định đeo đồ trang sức ở các bộ phận khác. Đeo khuyên ở ngực có thể tạo sẹo khiến việc cho con bú trở nên bất khả thi. Ngoài ra, những tổn thương ở đầu ngực chỉ lành sau khoảng một năm. Việc đeo khuyên ở lưỡi có thể khiến răng bị vỡ và gây khó khăn cho hoạt động nhai nuốt. Trong khi đó, một chiếc khuyên ở môi sẽ khiến bạn bị tụt lợi (có thể gây rụng răng kể cả khi chưa bị sâu, hỏng).

4. Đeo niềng răng

Niềng là một loại trang sức bằng kim loại được gắn chặt vào một số răng. Hiện tượng đeo niềng răng khá phổ biến trong giới nghệ sĩ hip hop và những người hâm mộ họ. Ngoài việc tiêu tốn khá nhiều tiền của bạn (một chiếc niềng có thể đáng giá tới vài nghìn USD) và gây đau đớn trong thời gian dài, nó còn khiến răng và lợi của bạn nhanh hỏng hơn.


(Ảnh: amren.com)

5. Xăm thẩm mỹ

Phương pháp đưa chất màu vào dưới da để trang điểm vĩnh viễn đã trở thành một trong những lựa chọn của phái đẹp, nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo nó có thể gây ra nhiều hậu quả tai hại. Chẳng hạn, nếu xảy ra sai sót, bạn sẽ không thể khắc phục được hậu quả hoặc phải mất nhiều thời gian.

Xóa bỏ vết xăm thẩm mỹ là điều không đơn giản. Người ta có thể cắt bỏ vùng da xăm rồi may lại, nhưng biện pháp đó luôn để lại sẹo. Một cách khác là mài da sâu bằng máy mài. Đương nhiên, người xóa vết xăm phải chịu đau đớn nhưng kết quả cũng chẳng được như mong đợi. Hiện nay các chuyên gia thẩm mỹ có thể can thiệp bằng tia laser, nhưng việc điều trị phải thực hiện nhiều lần, mỗi lần cách nhau vài tuần. Chi phí cho liệu pháp xóa xăm bằng tia laser cũng khá cao.

Bên cạnh đó, xăm thẩm mỹ có thể tăng nguy cơ lây nhiễm nhiều bệnh, chẳng hạn như AIDS, viêm gan siêu vi, rubella, mụn cóc, giang mai. Mực xăm có thể gây viêm da, dị ứng.


(Ảnh: mlive.com)

6. Phẫu thuật giảm cân

Với những người không thể giảm cân bằng cách ăn kiêng hoặc tập luyện thể thao, phẫu thuật giảm cân có thể giúp họ có được một trọng lượng như ý. Phẫu thuật giảm cân là việc thay đổi đường tiêu hóa bằng cách giảm kích thước dạ dày để giảm lượng thức ăn lấy vào cơ thể và khả năng hấp thụ dưỡng chất. Cắt bỏ một phần bao tử và nối nó với ruột non là kỹ thuật phổ biến nhất. Hơn 40% ca phẫu thuật giảm cân gây biến chứng trong vòng 6 tháng, chẳng hạn như ỉa chảy cấp tính hoặc sa ruột. Cơ thể được sinh ra không phải để béo phì, song nó cũng không thích chúng ta dùng dao kéo để can thiệp.

7. Làm trắng da bằng hóa chất

Tại châu Á và châu Mỹ La tinh, nhiều người coi làm trắng da là biện pháp lý tưởng để đạt được vẻ đẹp kiểu phương Tây. Họ nghĩ rằng làn da càng sáng thì họ sẽ càng có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống. Một số người muốn làm sáng da để che giấu những khuyết tật bẩm sinh, như bệnh lang trắng. Những biện pháp làm trắng da rẻ tiền là những mối họa tiềm ẩn. Một số loại thuốc đắp chứa thủy ngân - chất gây tổn thương cho thận và hệ thần kinh. Nhiều loại thuốc đắp khác chứa hydroquinone, một chất gây ung thư đã bị cấm sử dụng ở châu Âu.

8. Tiêm Botox để xóa vết nhăn

Hàng chục triệu người trên khắp thế giới đang tiêm Botox, loại thuốc có khả năng làm tan biến vết nhăn trên trán, để lấy lại sự trẻ trung cho khuôn mặt. Trên thực tế, Botox là tên ghép của Botulinum toxin - một loại protein gây tổn thương thần kinh do vi khuẩn Clostridium botulinum tiết ra. Đây là một trong những chất độc đáng sợ nhất trong tự nhiên và thường được sử dụng để điều trị các chứng rối loạn cơ.

Nếu lọt vào cơ thể người, độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum sẽ làm tê liệt cơ hoành khiến nạn nhân nghẹt thở, thậm chí tử vong. Nó ngăn chặn việc truyền các tín hiệu từ não xuống các bắp thịt, làm cho người ta không thể hoặc khó nuốt thức ăn vào dạ dày.

Do có tác dụng làm tê các bắp thịt nên một trong những nguy cơ của tình trạng lạm dụng Botox là nó làm cho gương mặt trở nên đờ đẫn, không thể hiện được những cảm xúc tự nhiên. Những bác sĩ có trách nhiệm với nghề chỉ tiêm thuốc tại vùng trán và xung quanh mắt cho bệnh nhân. Nếu tiêm Botox vào những vị trí gần miệng, môi của bạn có thể xệ xuống và bạn không thể kiểm soát việc chảy nước dãi.

9. Phẫu thuật tăng kích thước dương vật

Phần lớn nam giới muốn gây ấn tượng với bạn tình bằng "của quý" to, dài và khỏe, vì thế mà họ nghĩ tới phẫu thuật. Các bác sĩ có thể kéo dài, làm to hoặc gắn bi bằng sillicon vào bên trong dương vật. Tuy nhiên, những ca phẫu thuật như thế có thể gây biến dạng và làm giảm độ nhạy cảm của "cậu nhỏ". Trên thực tế, chỉ những người mất khả năng sinh hoạt tình dục vì tai nạn hoặc ung thư tinh hoàn mới nên phẫu thuật dương vật.

10. Hút mỡ

Nhiều người tỏ ra thích thú khi biết rằng họ có thể giảm được tới vài kg mỡ thừa sau 4 giờ phẫu thuật lấy mỡ. Số lượng mỡ có thể lấy ra phụ thuộc vào thể trạng bệnh nhân, tay nghề của bác sĩ và kỹ thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật lấy mỡ chưa bao giờ được coi là biện pháp để giảm cân, mà là biện pháp tạo hình cơ thể.

Theo các nghiên cứu mới nhất ở châu Âu, phẫu thuật hút mỡ nguy hiểm hơn những gì người ta vẫn thường quảng cáo. Ngay cả khi trình độ và công nghệ y học đã rất cao, những nguy cơ tiềm ẩn khi bạn hút mỡ vẫn luôn rình rập. Đa số bệnh nhân hút mỡ đều phải mang theo nhiều khiếm khuyết do phẫu thuật gây ra. Nếu lớp mỡ dưới da bị lấy đi không đều hoặc cả lớp mỡ nằm sát ngay dưới da cũng bị lấy đi thì chỗ hút có thể bị biến dạng thành những vết lõm xấu xí, méo mó. Do các nang lông bị phá hủy và những mô gần nơi hút mỡ chết vì không có máu, bệnh nhân sẽ phải chịu đựng những vết sưng tấy và mưng mủ trong nhiều tháng.

Nếu hút quá nhiều khiến mô mỡ còn lại dưới da quá mỏng thì trên da sẽ xuất hiện những đường rãnh rất sâu. Khoảng 10% bệnh nhân hút mỡ bị mất cảm giác trên da, bị nước đọng dưới da hoặc đau đớn kéo dài sau khi phẫu thuật hàng tháng. Những bệnh nhân bị hút đi quá nhiều mỡ trong một lần thì dễ bị nhiều biến chứng tồi tệ hơn.

Việt Linh - Vnexpress (Theo Livescience)
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video