Nước biển trên thế giới đang đổi màu và biến đổi khí hậu có thể là "thủ phạm"

Các nhà khoa học cho biết họ đã phát hiện thay đổi trong màu sắc của hơn một nửa đại dương của thế giới.

Hãng thông tấn AFP (Pháp) cho biết theo một nghiên cứu đăng tải ngày 12/7 trên tạp chí Nature, trong 20 năm qua, 56% đại dương trên toàn cầu đã đổi màu từ xanh thẫm sang xanh lục theo thời gian với những vị trí tại vĩ độ thấp gần với xích đạo bị ảnh hưởng đặc biệt.

Các nhà khoa học tại Trung tâm Hải dương học quốc gia Anh và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tại Mỹ đã cùng phối hợp thực hiện nghiên cứu.


56% đại dương trên toàn cầu đã đổi màu từ xanh thẫm sang xanh lục. (Ảnh minh họa: AFP)

Các tác giả của nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature tin rằng nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do thay đổi trong hệ sinh thái, đặc biệt là sinh vật phù du nhỏ bé vốn là trung tâm của lưới thức ăn đại dương và đóng vai trò then chốt trong ổn định khí quyển của chúng ta.

Một trong những nhà nghiên cứu – ông BB Cael tại Trung tâm Hải dương học quốc gia Anh nhận định với AFP: “Lý do chúng tôi quan tâm đến thay đổi màu nước biển là bởi vì chúng phản ánh trạng thái của hệ sinh thái. Do vậy màu nước biển thay đổi đồng nghĩa với hệ sinh thái thay đổi”.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu kho dữ liệu từ năm 2002 đến 2022 của vệ tinh Modis-Aqua thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Màu sắc của nước biển khi quan sát từ trên vũ trụ có thể vẽ lên bức tranh về điều đang diễn ra ở tầng trên của nước biển. Màu sắc của đại dương bắt nguồn từ các thành phần ở tầng trên của nó.

Màu nước biển xanh dương thẫm cho thấy không có nhiều sự sống trong khi nước thiên về màu xanh lục thể hiện có nhiều hoạt động hơn, đặc biệt là từ các sinh vật phù du quang hợp, tương tự cây cối chứa chất diệp lục màu xanh. Những sinh vật phù du này tạo ra oxy cho chúng ta và giữ vị trí quan trọng trong vòng carbon toàn cầu đồng thời là phần nền móng của lưới thức ăn đại dương.

Bà Stephanie Dutkiewicz tại MIT cho biết các hệ sinh thái đại dương được cân bằng và bất kỳ thay đổi nào đối với thực vật phù du sẽ tác động đến chuỗi thức ăn. “Tất cả thay đổi đang gây ra mất cân bằng trong tổ chức tự nhiên của hệ sinh thái. Mất cân bằng sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian nếu các đại dương của chúng ta tiếp tục nóng lên”, bà nhận định với kênh CNN.

Bà cũng bổ sung rằng, điều này ảnh hưởng đến khả năng lưu trữ carbon của đại dương bởi sinh vật phù du khác nhau có thể hấp thụ lượng carbon khác nhau.

Sinh vật phù du kích cỡ khác nhau sẽ phân tán ánh sáng khác biệt. Bên cạnh đó, sinh vật phù du với chất màu khác nhau cũng hấp thụ ánh khác nhau. Nghiên cứu thay đổi trong màu sắc đại dương sẽ giúp cho các nhà khoa học nắm được thay đổi trong số lượng sinh vật phù du trên thế giới.

Các nhà khoa học đang khẩn trương tìm hiểu xem vì sao nước biển lại đổi màu

Hiện nay, những thay đổi này chưa trầm trọng đến mức gây ra một cuộc "cách mạng" đối với hệ thống thức ăn ở các đại dương, tuy nhiên chúng cũng ở mức gây kinh ngạc khi nhìn vào các kết quả quan sát.

Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm hiểu để tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra những biến đổi về màu của nước biển để dự báo tốt hơn sự tiến hóa của các đại dương khi Trái Đất ấm lên.

Một trong những nhận định khoa học cho rằng nhiều yếu tố cùng thay đổi dẫn đến việc nước biển đổi màu, chẳng hạn như ô nhiễm vi nhựa cũng là một nguyên nhân.

NASA dự định phóng một vệ tinh tiên tiến vào tháng 1/2024 có tên Pace với nhiệm vụ đo màu của nước biển.

Cập nhật: 11/09/2023 Báo Tin Tức/Dân Trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video