Trạm thực nghiệm vật nuôi Diêu Trì (Trung tâm khoa học kỹ thuật vật nuôi Bình Định) đang nuôi thử nghiệm 500 con gà Ai Cập, được Viện chăn nuôi quốc gia nhập về Việt Nam năm 2003, nuôi tại Trại gia cầm Thụy Phương (Hà Nội) và cho sinh sản. Bình Định là tỉnh đầu tiên của Trung bộ đem về nuôi thử nghiệm giống gà này.
Theo kết quả nuôi thử nghiệm ở Viện chăn nuôi, giống gà này có nhiều ưu điểm: năng suất trứng cao - 220 quả/năm/mái (gà ta từ 110 - 120 quả; gà lương phượng 16 0 - 170 quả/mái/năm); thịt dai, thơm ngon như gà ta, tỷ lệ lòng đỏ trứng, dinh dưỡng cũng rất cao... Giống gà này có thể nuôi thả vườn, nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, chịu được kham khổ, có khả năng phù hợp điều kiện tập quán chăn nuôi ở Bình Định.
(Ảnh: KHKTNN) |
Đàn gà lanh lẹ, con trống có mào đỏ tươi, gà mái thân hình gọn gàng; tất cả chân đều cao nghều, luôn hoạt động. Chúng chỉ khác với các loại gà địa phương ở màu lông và da. Lông của chúng có đốm trắng, sẫm, đen pha lẫn lộn; chân cũng màu đen sẫm. Có lẽ những điểm này là hạn chế bên ngoài của giống gà Ai Cập so với thị hiếu, tập quán của người tiêu dùng địa phương (loại gà người tiêu dùng thích thường là lông, da, chân vàng, thịt màu trắng, dai, mùi thơm đặc trưng).
Tuy vậy đây là giống gà lớn nhanh, 5 tháng tuổi đã sinh sản; thịt gà trắng, chắc ngon như gà ta; tỷ lệ dinh dưỡng trong trứng, thịt rất cao; có thể nuôi dưới dạng công nghiệp, thả vườn.
Ông Nguyễn Đình Thái cho biết thêm: cần nuôi thử nghiệm, khảo sát trong vòng 2 năm, với 3 phương thức nuôi: nuôi thả vườn, với thức ăn có sẵn ở địa phương; nuôi trong vườn hẹp cho ăn thức ăn công nghiệp và nuôi công nghiệp. Mỗi công thức nuôi là 100 con. Kết thúc thời gian nuôi thử nghiệm sẽ tính hiệu quả của từng công thức nuôi và đưa ra phương thức nuôi phù hợp để chuyển giao cho nông dân.
Dự tính của trạm, nếu gà Ai Cập phát triển tốt ở Bình Định, trạm sẽ cho lai giống gà này với một số giống gà đang nuôi (gà ta, lương phượng, tam hoàng,...) chọn ra cặp lai tốt nhất để cải thiện nhược điểm chân đen, lông đốm của gà Ai Cập.