Hàng trăm chiếc kén ong được phát hiện ở khu khảo cổ mới dọc theo bờ biển Odemira (Bồ Đào Nha), theo báo cáo đăng trên chuyên san Papers in Paleontology.
Kén ong được tìm thấy ở khu khảo cổ mới được phát hiện trên bờ biển Bồ Đào Nha. (Ảnh: ICTP)
Sau thời gian phối hợp nghiên cứu, một nhóm gồm nhiều trường đại học ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý xác định được ong xác ướp có niên đại khoảng 2.975 năm trước. Vào thời đó, Pharaoh Siamun trị vì vùng Hạ Ai Cập, Trung Quốc trải qua triều đại nhà Chu, còn Vua Solomon chuẩn bị lên ngôi kế vị ngai vàng của dân Do Thái từ Vua David.
Ở nơi hiện nay là Bồ Đào Nha, các bộ lạc đang gần cuối thời Đồ sắt, và đó cũng là nơi tìm được hàng trăm chiếc kén vẫn còn giữ nguyên xác ong ở bên trong.
Bằng cách nào đó, ong chưa kịp nở và rời khỏi kén đã chết hàng loạt. Vẫn chưa rõ nguyên nhân đằng sau hiện tượng ong trở thành xác ướp, với toàn bộ cơ thể của ong hoàn toàn được giữ nguyên, khác với quy trình bình thường là ong bị phân hủy nhanh chóng sau khi chết.
Xác ong được bảo quản hoàn hảo bên trong kén. (Ảnh: ICTP).
"Mức độ bảo quản xác ong trong trường hợp này đặc biệt đến nỗi chúng tôi không những thu thập được các chi tiết về giải phẫu học để xác định về loài ong, mà còn giới tính và thậm chí cả nguồn gốc phấn hoa bên trong cơ thể ong chúa khi tạo ra kén", theo nhà nghiên cứu Carlos Neto de Carvalho của Đại học Lisbon (Bồ Đào Nha).
Các nhà nghiên cứu phát hiện số kén ong trên diện tích 1 mét vuông ở khu khảo cổ vừa được tìm thấy trên bờ biển Bồ Đào Nha.
Về mức độ hiếm của khám phá trên, đồng tác giả báo cáo là chuyên gia Andrea Baucon của Đại học Siena (Ý) cho hay, trong quá khứ, giới khoa học tìm được nhiều kén ong hóa thạch, một số có niên đại cách đây khoảng 100 triệu năm.
Thế nhưng, phải đến nay họ mới tìm được những chiếc kén trong tình trạng bên trong có xác ong được bảo quản tốt như ở Bồ Đào Nha.